Bảng chi tiêu của mẹ ở TP.HCM khiến ai xem cũng ngỡ ngàng: Mỗi tháng dành 320k làm từ thiện, tiền ăn cả tháng chưa tới 3 triệu!
Sống ở thành phố lớn mà tiền ăn cho 2 người chỉ 3 triệu quay đầu, tin được không?
Sống ở thành phố lớn, cái gì cũng đắt đỏ là điều chúng ta đều đã biết. Thế nên mới có chuyện người người kêu than nhận lương 10-15 triệu xong, trả tiền thuê nhà, chi tiền ăn uống đi lại, là chẳng dư đồng nào nữa.
Tuy nhiên mới đây, chia sẻ của một bà mẹ đơn thân đang sinh sống tại TP.HCM đã chứng minh điều ngược lại: Sống ở thành phố mà biết cách vun vén thì dư sức tiết kiệm.
Hiện tại, bà mẹ này đang nuôi 1 con nhỏ 6 tuổi. Tổng tất tần tật các chi phí của 2 mẹ con trong 1 tháng chỉ dừng lại ở con số 12.280.000. Trong đó, tiền ăn chỉ gói gọn trong 2.900.000 - Đây chính là điều khiến CĐM ngỡ ngàng.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải trầm trồ thán phục cách quản lý, phân bổ chi tiêu quá khéo của bà mẹ này. "Soi" chi tiết từng gạch đầu dòng, có thể thấy tất cả các khoản chi đều được giới hạn ở mức tối thiểu nhưng không khoản nào bị thiếu, từ ăn chơi hưởng thụ tới làm từ thiện.
3 bí quyết nhỏ giúp bạn giảm chi phí ăn uống mà vẫn đảm bảo cả nhà được ăn ngon, đủ chất
Nếu không đặt nặng chuyện trải nghiệm “cao lương mỹ vị”, cũng không ưu tiên ăn hàng hơn tự nấu tại nhà, công tâm mà nói, việc cắt giảm chi phí ăn uống khi sống ở thành phố lớn, không phải chuyện bất khả thi.
Ngân sách cho khoản này đương nhiên còn phụ thuộc vào số lượng thành viên cũng như sức ăn của từng gia đình. Dẫu vậy, bạn vẫn có thể tham khảo 3 cách dưới đây để giảm bớt tiền ăn hàng tháng, mà vẫn đảm bảo cả nhà được ăn ngon, ăn đủ chất chứ không phải ăn khổ.
1 - Nhờ bố mẹ, người thân mua thực phẩm ở quê và gửi lên thành phố
Thịt, trứng, hải sản nếu mua ở quê đều sẽ rẻ hơn mua ở thành phố. Bởi thế, nếu có thể nhờ bố mẹ ở quê mua đồ gửi lên thành phố, chẳng tội gì không nhờ. Bây giờ, các chuyến xe khách liên tỉnh gần như chạy cả ngày, 30 phút 1 chuyến, cước phí cũng rẻ. Đã mất công gửi xe, bạn nên tính toán số lượng thực phẩm đủ ăn cho gia đình trong vòng 2 tuần là tốt nhất.
2 - Tính định lượng cụ thể cho từng bữa ăn
Việc này có thể hơi tốn thời gian và công sức trong 1-2 tuần đầu, nhưng đổi lại, nó giúp bạn không mua quá nhiều thực phẩm, từ đó không bỏ phí đồ ăn.
Ví dụ: Mỗi bữa, mình cần ăn 200gr thịt, 300gr rau. Một ngày 2 bữa (bữa trưa và bữa tối) như vậy, số lượng thịt và rau cần mua cho cả tuần lần lượt là 2,8kg và 4,2kg.
Sau khi mua đúng mức định lượng đã tính toán, bạn chỉ cần sơ chế và chia nhỏ thịt thà, rau củ theo nhu cầu ăn của từng bữa rồi cấp đông. Đến khi cần nấu thì lấy đúng khẩu phần của 1 bữa ra rã đông và chế biến. Bữa ăn vừa đủ chất, vừa đủ lượng. Không thừa, không gây lãng phí và cũng không tốn kém.
3 - Mùa nào, thức nấy
Nếu bạn chưa biết: “Mùa nào, thức nấy” là một trong những bí quyết tiết kiệm của người Nhật Bản. Việc này hàm ý khuyên bạn không nên ăn rau củ, trái cây trái mùa hay nói rộng hơn là thực phẩm nhập ngoại. Một phần vì chúng đắt hơn hẳn sản phẩm nội địa, một phần vì để rau củ, trái cây trái mùa có thể không an toàn vì quá trình nuôi trồng có thể phải sử dụng hóa chất.
Việt Nam vốn là “thiên đường nhiệt đới”. Hè có vải, nhãn, bơ, mít, sầu riêng,... Đông có hồng, lựu, cam cao phong,... Chuối, bưởi, ổi, lê, dưa hấu,... thì quanh năm đều có. Nếu kinh tế chưa dư dả, cứ mùa nào thức nấy cũng có khối lựa chọn để đa dạng hóa trải nghiệm ăn uống, đâu cứ phải kiwi, nho Mỹ,... mới được, đúng không?