Bạn tôi, một năm 4 lần... phá thai

,
Chia sẻ

Ban đầu em dối tôi bằng việc nói dùng BCS vẫn có xác suất, nhưng thấy ánh mắt giận dữ của tôi, em lý nhí: “Anh ấy không thích dùng vì kêu không thật chị à”.

(Bạn có thể đọc lại bài viết này cũng như tham gia vào cuộc tranh luận đa chiều của các độc giả khác về vấn đề phá hay giữ thai khi "lỡ" tại đây).
 
Hôm qua, tôi lại vừa xin nghỉ một buổi làm để đưa em đi phá thai. Dù đã khuyên em rất nhiều nhưng không thể lay chuyển được. Em nói em vẫn còn nhỏ lắm, em chưa sẵn sàng để làm mẹ, vậy tại sao em lại sẵn sàng cho chuyện ấy? Đã 4 lần em có bầu và 4 lần em đều từ chối. Thiên thần nhỏ không được xuống trần gian. Em bảo tôi tính cho em lần này sang năm 2010, vì cũng đã năm 2010 rồi, nghĩa là 1 năm em chỉ phá thai có 3 lần thôi. Tôi nói lần đầu tôi đưa em đi là sau tết âm lịch, nên tôi sẽ tính bằng tết. Em lặng lẽ…

Nếu ai nói em là một đứa con gái hư thì tôi sẽ thấy gợn trong lòng lắm. Quen em đã 3 năm, từ khi em còn là học sinh cấp 3, ngoan lắm, hiền lắm. Em lễ phép một cách thật sự, chứ không phải cái kiểu dẻo mỏ cho vừa lòng người. Gặp tôi ở đâu em cũng chào, em có thói quen nhắn tin cho người lớn hơn không bao giờ viết tắt, dù cho như tôi – cũng là một người trẻ như em, tôi hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng em bảo, nhắn tin cho người lớn hơn thì cần thể hiện sự kính trọng. 

Người yêu của em – hai đứa đã yêu nhau được 2 năm rồi. Tôi thấy cậu ấy yêu em thật, nhưng yêu đến mức nào thì bản thân tôi cũng không biết. Bởi vì nếu yêu em nhiều đã chẳng cầm lòng được khi thấy em đau đớn đến thế. Lần nào phá thai xong, em cũng xanh lét, ốm yếu và mệt mỏi. Em thở không ra hơi, sức khỏe em vốn đã yếu, em buồn bã, khóc lóc. Ấy vậy mà, chỉ vừa khi em hồi phục được hoàn toàn, tôi lại đưa em đi tiếp. 

Không phải em thiếu hiểu biết. Bố mẹ em có bao bọc em kỹ càng, có nghiêm khắc với em thái quá thành ra em thích bùng nổ. Tôi cũng biết mẹ em chẳng bao giờ nói bất kỳ điều gì có liên quan đến giáo dục giới tính với em. Nhưng tôi thì có nói, nói rất nhiều. Tôi coi em như là em gái của mình vậy. Tôi nói với em về sức khỏe sinh sản, về việc làm thế nào để có thai, các biện pháp phòng tránh thai.
 
Em cũng tự tìm hiểu nhiều lắm. Những chuyện xảy ra không phải vì em không biết, mà vì em quên, vì em cố tình không làm. Tôi biết em ngại, tôi một đứa con gái cũng chưa chồng, đi vào hiệu thuốc mua cả hộp BCS cho em. Rồi sao? Em vẫn dính. Tôi tức điên lên, ban đầu em dối tôi bằng việc BCS vẫn có xác suất, nhưng thấy ánh mắt giận dữ của tôi, em lý nhí: “Anh ấy không thích dùng vì kêu không thật chị à”. 

Những câu chuyện về nỗi ám ảnh như Phượng kể, tôi cũng nói nhiều với em. Dĩ nhiên là không chính xác như thế, nhưng những câu chuyện tương tự ở ngoài xã hội này rất nhiều. Em chỉ khóc và xin tôi đừng nói nữa, em biết hết, chỉ là em không thể giữ lại được mà thôi. Tôi hỏi tại sao? Vẫn cái điệp khúc em còn trẻ quá. Nhưng em ơi, bao nhiêu người làm mẹ khi 18, 19 tuổi đấy thôi, vì rằng họ xót xa giọt máu của họ. 

Anh Mưa Xuân kể chuyện bạn anh chết vì phá thai. Chuyện này thì ngay gần nhà em cũng có. Nhưng em cứ tự trấn an bản thân rằng, tại cái thai quá lớn, tại đến chỗ không đảm bảo. Chứ em, em không để thai lớn như thế… Mãi em không chịu hiểu cái câu “người chửa cửa mả”, em cho rằng mình sẽ may mắn mãi được sao? Cả chuyện khả năng vô sinh cao sau này nữa, em bảo tôi, em vẫn có bầu hết lần này đến lần khác mà. Tôi bất lực, tức giận nhưng lại không thể bỏ rơi em. Cái sự kiêu kỳ của tôi lần đầu tiên mềm nhũn trước một người như thế. Vì em chỉ có tôi, nên tôi không nỡ. 

Tôi bảo em làm như thế là phải tội lắm, nhưng em bảo phải tội một lần hay nhiều lần cũng vậy cả thôi. Vả lại, thai dưới 3 tháng chưa thành người. Tôi đắng lòng. Phá thai cũng như chuyện ấy vậy, có gan làm một lần tất có lần sau. B có muốn mình lại rơi vào cái vòng xoáy đau đớn ấy không em? Chị chỉ uớc rằng chị đã kiên quyết ngay từ đầu để em ấy không đi phá thai thì sẽ không có cả 3 lần sau này, nhưng không thể. Em hãy giữ đứa bé lại, em à. Để thiên thần nhỏ được xuống trần gian. Hạnh phúc nhất trên đời này là được làm mẹ, cố gắng lên em gái!
 
 
(Bạn có thể đọc lại bài viết này cũng như tham gia vào cuộc tranh luận sôi nổi của các độc giả khác về vấn đề này tại đây).
Chia sẻ