Ban thờ tổ tiên của mẹ đảm Hà Nội gây sốt mạng vì bài trí quá có tâm
Hình ảnh ban thờ tổ tiên của chị Thu Ngọc ở Hà Nội khiến cư dân mạng ngưỡng mộ vì sự chăm chút tỉ mỉ, thể hiện cả gu thẩm mỹ và sự thành tâm.
Là giáo viên, công việc giảng dạy bận rộn nhưng mỗi ngày rằm, mùng 1 hay lễ tết, chị Đỗ Thu Ngọc (35 tuổi, sống tại Hà Nội) đều dành thời gian chuẩn bị mâm lễ trang trọng dâng lên tổ tiên để cầu bình an, sức khoẻ cho cả gia đình. Ban thờ được chị bài trí tỉ mỉ để vừa đúng lễ nghi truyền thống vừa tuân thủ nguyên tắc phong thủy.
Người phụ nữ Hà thành tâm sự, chị may mắn được sinh ra và làm dâu trong hai gia đình coi trọng truyền thống, được dạy dỗ rất nhiều về tầm quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên. Ban thờ đối với chị không chỉ đơn thuần là nơi thực hiện nghi lễ thờ cúng mà còn là nơi kết nối với ông bà, người thân đã khuất. Chính vì thế, chị luôn dành thời gian và tâm huyết để chăm sóc từng chi tiết nhỏ cho không gian này.
"Ngày còn bé mỗi lần bố sắp lễ là mình lại chạy quanh hỏi han đủ thứ. Bố từng bảo mình: 'Con nhìn bố làm để sau này đi lấy chồng còn biết làm nhé'. Đến lúc lấy chồng, dù ở riêng nhưng mình vẫn được bố chồng chỉ dạy từng chút một, từ việc quả cau, lá trầu phải xếp thế nào đến lọ hoa, cây nến đặt ở đâu cho đúng. Từ đó mình dần dần biết được cách chuẩn bị thờ cúng sao cho đúng giữ đúng nếp xưa của các cụ", chị Ngọc chia sẻ.
Nhìn vào ban thờ của gia đình chị Ngọc, mọi người không khỏi ấn tượng bởi sự khéo léo trong cách bài trí. Các vật dụng như bình hoa, bát hương, nến và chân đèn đều được sắp xếp một cách hài hòa, tạo nên tổng thể trang nhã và thanh tịnh. Mỗi đồ vật đều có ý nghĩa riêng, từ màu sắc đến vị trí đều được cân nhắc kỹ càng để đảm bảo sự cân bằng.
"Ban thờ phải đầy đủ 5 yếu tố Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, bài trí hài hoà đúng theo lối xưa. Vì muốn kết hợp cả tính thẩm mỹ hiện đại nên mình phá cách một chút trong cách bày biện, trang trí sao cho đẹp, còn lại mọi thứ vẫn theo nếp cũ không thay đổi", chị Ngọc cho biết
Mỗi mùa trong năm, ban thờ tổ tiên của gia đình chị Ngọc lại có diện mạo mới với những loài hoa đặc trưng, như hoa đào, hoa mai dịp Tết Nguyên đán, hoa sen trong mùa hè, hoa cúc vàng khi thu về... Tất cả đều được chị sắp xếp khéo léo, hài hòa và mang đậm nét văn hóa Việt.
Chị Ngọc chia sẻ, mỗi loài hoa mang một ý nghĩa riêng, việc thay đổi hoa theo mùa không chỉ làm cho ban thờ thêm đẹp mà còn thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Việc trang trí ban thờ không chỉ đơn giản là xếp đặt hoa lá. Chị Ngọc luôn chú trọng đến màu sắc, hình dáng của từng loại hoa, từ đó cân đối, lựa chọn kỹ càng để bày trí sao cho hài hòa với không gian thờ cúng vốn có. Mỗi lần hoàn thành, chị đều cảm nhận rõ niềm vui và sự bình an trong lòng.
"Mình chia thời gian để mua đồ cúng sao cho hợp lý và không ảnh hưởng đến công việc. Hoa mình thường mua trước 1-2 ngày để dưỡng, giúp hoa nở để dâng lễ cho đẹp. Trái cây sẽ mua chiều hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau.
Đặc biệt vào những ngày này, xôi, chè, bánh xu xê dâng lễ đều do mình tự tay làm. Bánh xu xê sẽ được làm từ tối hôm trước, còn chè và xôi thì mình dậy sớm nấu. Những công việc này không quá vất vả nhưng tốn thời gian. Có lẽ do làm quen rồi và phân bổ thời gian hợp lý nên mình thấy cũng nhẹ nhàng, không quá khó khăn", cô giáo Hà Nội cho biết.
Những hình ảnh về ban thờ tổ tiên của chị Ngọc được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với hoa tay và ý tưởng sáng tạo của chị, cảm thấy được truyền cảm hứng để chăm sóc không gian thờ cúng của gia đình mình
Là người yêu các giá trị truyền thống, khi chia sẻ lên mạng hình ảnh ban thờ nhà mình và những mâm lễ nhỏ mà mình dày công chuẩn bị, chị Ngọc muốn những người trẻ thêm hiểu và yêu các giá trị văn hóa mà cha ông để lại. "Họ có thể thể hiện bằng cách này hay cách khác, nhanh hay chậm, đầy đủ hay chưa đầy đủ, quan trọng là những điều tốt đẹp của tổ tiên luôn được người trẻ giữ gìn, phát huy và tiếp nối", chị bày tỏ.
Cùng xem những cách bài trí ban thờ của chị Ngọc qua những hình ảnh gây sốt mạng xã hội: