Bản thân là giảng viên nhưng mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng ngậm ngùi thừa nhận lỗi lầm trong quá trình dạy con học

Phan Hồ Điệp,
Chia sẻ

Vì cách dạy này của chị Phan Hồ Điệp mà Nhật Nam phải mất đến 3 năm để sửa chữa.

Được sự động viên của Nam, mình sẽ ghi lại những… lỗi lầm trong quá trình nuôi và dạy Nam với hy vọng sẽ giúp các bố mẹ có những lựa chọn tốt hơn cho con.

Những điều này chỉ khi đi qua ngoái đầu lại mới biết là mình đã sai ở đâu, đã lầm chỗ nào. Và rồi chặng đường tiếp theo có thể lại vẫn có vô số sai lầm.

Nhưng có sao đâu nếu mình thành ý. Nhưng có sao đâu nếu mình tin rằng, không chỉ trẻ con mà ngay cả bố mẹ cũng cần bề bộn để trưởng thành.

Bản thân là giảng viên nhưng mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng ngậm ngùi thừa nhận lỗi lầm trong quá trình dạy con học - Ảnh 1.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ đã là tân sinh viên tại Mỹ.

VIẾT VĂN HOA MỸ

Hồi nhỏ, mình rất chú ý kèm cặp Nam môn văn. Vốn liếng đọc và viết của mình được đem ra sử dụng tối đa.

Và Nam thực sự thích viết, viết nhanh, viết tốt ( theo cảm nhận nói chung của mọi người).

Mình luôn hướng dẫn Nam cách triển khai, theo kiểu:

Ví dụ: Tả một người đi trong mưa

Hãy tả cảnh cơn mưa, chú ý các từ tượng thanh, tượng hình. Ví dụ như cơn mưa ào ạt, tiếng mưa rơi ầm ầm, mưa đan chéo mặt sân, những hạt mưa như nhảy múa…

Tả người trong mưa, bao gồm: Hình dáng bên ngoài (quần áo ướt sũng, bết vào người, tay cầm ô…), hoạt động (chạy, đưa tay vuốt nước trên mặt)…

Tả các cảnh vật xung quanh: Đất trời, những ngôi nhà, con đường ngập nước mưa.

Và với mỗi ý, mình luôn nói với Nam là em hãy viết cho thật đầy đủ, chi tiết. Ví dụ riêng tả cảnh mưa, em có thể triển khai thành 10 câu.

Ngoài ra mình luôn khuyến khích Nam nên dùng nhiều từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa.

Và mình sẽ ví dụ như: Từng hạt mưa rơi mà như nhảy múa trên mặt sân. Hạt mưa vừa đậu xuống sân đã vỡ tan thành các vụn nước li ti, trắng xóa. Mưa thánh thót rên mái nhà nghe như bản hòa âm rộn ràng của đất trời, đôi khi vút cao thanh thoát có lúc lại trầm ấm mênh mang…

Kiểu như thế.

Bản thân là giảng viên nhưng mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng ngậm ngùi thừa nhận lỗi lầm trong quá trình dạy con học - Ảnh 3.

Và Nam thường có cách triển khai rất tốt những gì mẹ dạy.

Nhưng hôm qua Nam bảo: Mẹ có biết không, em phải mất 3 năm để sửa lại cách làm văn mà mẹ dạy em.

Hả?, mình ngạc nhiên.

Nam kể: Thời kì đầu khi em học ở một trường bình thường, các thầy cô dạy Văn khen em quá trời. Tất cả các bài văn của em đều được đem ra để làm mẫu. Và em tin rằng mình viết rất tốt.

Nhưng đến khi em vào một trường tốt hơn thì mọi việc khác hẳn.

Khi ấy em vô cùng ngạc nhiên vì khi em viết rất dài, rất dạt dào cảm xúc thì điểm lại không cao như bạn chỉ viết có đoạn ngăn ngắn.

Và cô dạy Văn luôn nói với em: Nam, em hãy tiết chế lại, tập trung vào ý chính. Cô còn nói, nếu các bạn khác cô mong viết được 5 trang thì với Nam, cô mong em sẽ viết 3 trang.

Có hôm cô còn gọi em lên và hỏi: Nếu cô gạch đi cả một đoạn này thì em có cảm thấy không thoải mái không.

Tất nhiên là em không vấn đề gì. Và cô bắt đầu dạy cho em cách “tiết chế”.

Cô dạy một cấu trúc chặt của một bài luận. Cách triển khai ý cho rõ ràng nhưng không quá cầu kì, hoa mỹ. Quan trọng nhất là mình tìm ra được “câu khóa” cho đoạn mở bài với những ý tưởng mới mẻ sáng tạo sau đó, mình sẽ triển khai các ý thật chặt theo ý tưởng đó.

Một đoạn văn đẹp là đoạn văn với số từ miêu tả vừa đủ, không quá thừa thãi và không quá “loong coong”.

Giống như một bữa ăn, món ngon chỉ nên có một hoặc hai.

Vậy nên, với đoạn văn tả người đi trong mưa, mình chỉ cần tập trung vào các ý miêu tả về dáng vẻ của người đó, những hoạt động với nét đặc trưng trong mưa, trong đó có lồng cảm xúc của người miêu tả.

Bản thân là giảng viên nhưng mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng ngậm ngùi thừa nhận lỗi lầm trong quá trình dạy con học - Ảnh 5.

Kể từ đó, mỗi lần viết văn, để sửa lỗi sai của mẹ em sẽ:

1. Làm dàn ý thật chặt

2. Đọc lại bài ít nhất 5 lần. Mỗi lần lại đề ra mục tiêu là cắt bớt. Em sẽ cắt bớt từ rườm, cắt bớt đoạn không cần thiết. Sửa lại những chỗ diễn đạt ngây ngô.

Và với 5 lần em ngạc nhiên thấy bài sau khi sửa gần như khác hẳn bài ban đầu.

Mình nghe xong mà cảm động lắm ấy.

Cảm động vì Nam đã được học những thầy cô tốt. Và bản thân mình, thời gian gần đây, mình cũng nhận thấy những điều Nam nói là chính xác.

Mình cũng bắt đầu thấy sợ những bài văn mà toàn các từ rất đẹp, đọc lên nghe lanh canh nhưng sáo rỗng. Ví dụ để tả về cảm giác trống trải mà sử dụng một loạt những từ như: bần thần, lơ thơ, ngơ ngác, ngác ngơ…

Mình cũng thích hơn cách làm văn ngắn gọn, chân phương, mộc mạc.

Và mình cũng sợ tư duy đo bài làm văn dài để cho điểm cao của nhiều giáo viên.

Bài học rút ra là: Viết văn ngắn gọn nhưng súc tích, đủ ý. Các từ láy miêu tả dùng tiết chế. Không sử dụng các từ có nghĩa giống nhau chỉ để miêu tả về một sự vật. Viết dài không có nghĩa là tốt, là hay.

Vài nét về tác giả

Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...

Cùng xem thêm những bài viết của chị Phan Hồ Điệp Tại đây.

Chia sẻ