Bạn sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh tự miễn nếu có một trong những yếu tố này
Nếu bạn có tiền sử người trong gia đình hoặc họ hàng mắc bệnh tự miễn, bạn cũng không loại trừ nguy cơ mắc bệnh.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể thường có khả năng chống lại viêm nhiễm khá tốt. Tuy nhiên, chiến binh dũng mãnh sống bên trong cơ thể này đôi khi cũng mắc bệnh nhầm lẫn, tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi với cơ thể. Khi hệ thống phòng thủ của bạn tấn công nhầm cả những tế bào khỏe mạnh, ấy là khi bạn bắt đầu mắc bệnh tự miễn.
Gần 24 triệu người Mỹ mắc một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và tiểu đường type 1. Đó chỉ là một vài bệnh phổ biến trong hàng trăm bệnh tự miễn khác. Khi không có một cuộc kiểm tra chắc chắn, bác sĩ sẽ nhìn vào các triệu chứng của bạn, tiền sử sức khỏe và các yếu tố nguy cơ để phát hiện bệnh.
Phát hiện một căn bệnh tự miễn thực sự không hề dễ dàng. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội bệnh tự miễn AARDA ở Mỹ cho thấy hầu hết các bác sĩ chẩn đoán bệnh tự miễn cho một bệnh nhân sai đến 5 lần. Do đó, việc chẩn đoán để điều trị đúng bệnh tự miễn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Dưới đây là những kết luận về bệnh tự miễn được Hiệp hội đưa ra:
Bạn có tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn
Một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, đa xơ cứng… thường xuất hiện trong tiền sử gia đình. Trong nhiều trường hợp, họ hàng gần gũi với bạn mắc bệnh tự miễn có nhiều khả năng bạn cũng sẽ không thể loại trừ khỏi nguy cơ này, thậm chí sẽ mắc một số bệnh tự miễn khác với người thân, họ hàng của mình. Vì vậy, nếu mẹ bạn bị bệnh cường giáp trạng (căn bệnh gây run tay, lồi mắt) thì có thể bạn không bị bệnh này nhưng lại có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Vợ hoặc chồng bạn bị viêm loét dạ dày
Một số nghiên cứu cho thấy kết hôn với một người mắc bệnh loét dạ dày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh miễn dịch khác như bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp, lupus ở đối tác.
"Trong khi vợ và chồng không có những cặp gen giống nhau nhưng việc cùng sống trong một môi trường, ăn uống, sinh hoạt cùng nhau, việc tiếp xúc với nhau như vậy sẽ khiến khả năng nhiễm trùng trong cơ thể là tương đương nhau. Điều này đẩy nhanh nguy cơ mắc các bệnh tự miễn", ông Noel Rose, chủ tịch hội đồng tư vấn khoa học AARDA khẳng định.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Nói chung, bệnh tự miễn có khả năng tấn công phụ nữ cao gấp 3 lần so với nam giới. Ví dụ như phụ nữ dễ mắc lupus hơn nam giới đến 9 lần, viêm khớp dạng thấp cao gấp 2 lần. Nhiều chị em có thể mắc bệnh tự miễn sau hoặc trong thời gian mang thai, do đó, nguyên nhân được xác định ban đầu là do thay đổi nội tiết tố.
Nguồn gốc, xuất thân của bạn
Nếu bạn là phụ nữ có nguồn gốc từ Mỹ Latinh, Mỹ gốc Phi, châu Á, người Mỹ bản xứ, bạn có nguy cơ mắc lupus ban đỏ hệ thống cao gấp 3 lần phụ nữ da trắng. Và căn bệnh này có xu hướng phát triển khi bạn còn rất trẻ.
Bạn có những điều kiện mắc bệnh tự miễn
Thật không công bằng nhưng sự thật là nếu bạn đang mắc một bệnh tự miễn, bạn có nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh tự miễn khác. Khoảng 25% người mắc bệnh tự miễn sẽ mắc thêm những bệnh tự miễn khác. Ví dụ như bạn bị bệnh vảy nến, bạn rất dễ bị viêm khớp dạng thấp, lupus, rụng tóc và/ hoặc xơ cứng bì. Nếu bạn không may mắn mắc một lúc 3 rối loạn tự miễn dịch thì sẽ bị liệt vào người có hội chứng tự miễn (MAS).
Làm thế nào để phòng tránh bệnh tự miễn?
Tiến sĩ William Cole, chuyên gia về y học chức năng và dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho biết, mặc dù bệnh tự miễn gây nhiều phiền toái nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh, giảm triệu chứng bằng các loại thực phẩm như: Thực phẩm giàu vitamin A (giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch, có thể giảm bớt khả năng đáp ứng miễn dịch quá mức có thể gây hại cho cơ thể) thường có nhiều trong cá, động vật có vỏ, gan, cà rốt...; Thực phẩm giàu vitamin D (giúp làm giảm phản ứng viêm ở tế bào TH17) thường có nhiều trong sữa, mỡ động vật; Thực phẩm giàu vitamin K2 có trong dầu thực vật; Thực phẩm giàu sắt và các chất vi lượng.
(Nguồn: Pre, Health)