Bạn luôn có thể ly dị

,
Chia sẻ

Là câu một chị bạn tôi buột miệng nói, khi thấy tôi than thở những khó khăn về ý tưởng của hôn nhân, sợ rằng mình chưa kịp lấy chồng đã... chán.

Có đúng là hôn nhân là “gameover” (như trong mẫu áo thun rẻ tiền ở khu phố du lịch Thái Lan) hay cái câu nói: “Hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết mà hai nhân vật chính... chết ngay ở trang đầu tiên!”

 

Tại sao nhiều người cho rằng hôn nhân là thứ giết chết tình yêu đến như vậy?

Theo góc nhìn khoa học: John Gottman, một trong những giáo sư đại học Washington, chuyên nghiên cứu về đề tài hôn nhân trong nhiều năm tìm ra một kết luận về bốn điều mà những cặp đã kết hôn làm hỏng mọi nguyên liệu lãng mạn nhất là: sự mỉa mai, sự coi thường, sự bàng quan và không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người kia.

Theo góc nhìn của cuộc sống đàn ông phương Tây: một anh bạn người Mỹ của tôi lập gia đình từ năm 26 tuổi, sau bảy năm hẹn hò với cô bạn gái, sống năm năm không hạnh phúc với hôn nhân, suy nghĩ dằn vặt bản thân chín tháng và đã ly hôn được 16 tháng, thì: xung quanh chúng ta có hàng tá cặp vợ chồng lấy nhau mà không hạnh phúc, nhưng họ cứ... để yên mọi thứ như vậy!

Theo góc nhìn của những người phụ nữ chịu áp lực gia đình: vì đến tuổi nên... nhắm mắt đưa chân. Như chị bạn khác của tôi từng là người mẫu, có vẻ đẹp của một người đàn bà mà đàn ông đều có thể đem lòng yêu, đúng boong đến tuổi 27, bạn bè bật ngửa vì chị đột ngột đưa thiệp mời đám cưới. “Đến tuổi!”, chị chỉ giải thích có vậy.

Theo góc nhìn của thực tế thống kê: 90% người Mỹ tin tưởng rằng ngoại tình là phạm pháp nhưng 37% đàn ông và 22% phụ nữ thừa nhận mình có nhân tình. Tỷ lệ này cũng tương đương ở Anh và Canada.

Theo góc nhìn của một diễn đàn trên internet của những người trẻ phương Tây : hôn nhân là một sự cam kết. Cho nên câu trả lời là có hoặc không. Nếu tình yêu của bạn có câu trả lời là không, thì tất nhiên, hôn nhân là sự kết thúc cho tình yêu.
 
Chuyện ly hôn và hệ quả của nó thường là những vết thương mênh mông.
 

Quay về với lời cảnh báo của chị bạn, tôi tự hỏi, có đúng vì người ta luôn luôn có thể ly dị hay không, mà hôn nhân thường không bền vững? Thật ngạc nhiên, cả hai nhân vật mà tôi kể ở trên – đều tin vào hôn nhân vĩnh cửu, thậm chí anh bạn trong vai người chồng, phải mất đến chín tháng suy nghĩ mới quyết định nói lời chia tay với vợ. Còn chị bạn khác, dù đã ly hôn rồi, vẫn nói một cách cay đắng: “Chồng không giống như người yêu, bỏ xong thấy tay trắng còn mình thì đã mang tiếng là gái có chồng!” Chuyện ly hôn và hệ quả của nó thường là những vết thương mênh mông.

Thực ra “ly hôn” là khái niệm rõ ràng xuất hiện sau khi đã có khái niệm “kết hôn”. Con người ta nghĩ về chuyện dọn nhà về ở chung trước nhất, rồi sau này mới nảy sinh chuyện ôm nồi niêu xoong chảo bỏ đi. Thế nhưng ngày nay, tréo ngoe thay, chúng ta thường nghĩ đến chuyện bỏ nhau trước cả khi thực sự tìm đến được với nhau. Định kiến về hôn nhân giết tình yêu là một trong những ví dụ điển hình của xã hội hiện đại.

Cô bạn ca sĩ Lưu Hương Giang khi cưới nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, đã tâm sự nhỏ to với tôi qua điện thoại: “Chẳng có gì khác cả bà ạ!” Tôi thấy đây mới là hay thật. Vì ai cũng nghĩ hôn nhân như một bờ vực, có nhiều người nắm tay nhau nhảy xuống, có nhiều người bị hụt chân mà rơi. Thế nên ai cũng bịt tai, nhắm tịt cả mắt mũi lại. Hoặc ít nhất cũng có trạng thái lơ lửng không trọng lực. Rồi chưa rơi xuống tới tận nơi đã vùng vẫy nghĩ đến chuyện phải bung dù để bay ngược lên hay lo chuyện bầm giập khi tiếp đất.

Có một nhà thông thái nói: “Cầm hòn than sẽ không thấy bỏng tay nếu chúng ta không biết nó là một ngọn lửa”. Nhiều người trong chúng ta, chưa thắp lửa đã lo bỏng tay là như vậy!

Quay về anh chàng người Mỹ bạn của tôi, lấy vợ sớm, ly hôn vào tuổi 31, khi mà những người đàn ông khác có thể mới đang bắt đầu... rục rịch cưới cô vợ đầu tiên. Dường như phần lớn chúng ta thường không ý thức được ý nghĩa thực sự của hôn nhân – cho đến tận khi nó diễn ra. Và anh này đang rục rịch lấy thêm cô vợ thứ hai của mình.

Kết luận cho bài viết này: không thử sao biết!??
 
 
 
TheoThùy Linh
SGTT
Chia sẻ