Bản địa hóa Kpop: Xu hướng gây tranh cãi
SM Entertainment vừa ra mắt Dear Alice bao gồm 5 thành viên người Anh, với mái tóc nâu và đôi mắt xanh, nhưng họ lại là một nhóm nhạc Kpop.
Dear Alice là một nhóm nhạc mới được đồng sản xuất bởi SM Entertainment, liên doanh Bắc Mỹ của Kakao Entertainment và công ty giải trí Anh Moon&Back Media. Moon&Back tuyển chọn các thành viên thông qua các buổi thử giọng và hỗ trợ các hoạt động quảng bá tại Anh của nhóm, trong khi SM và Kakao Entertainment phụ trách đào tạo thanh nhạc, biên đạo và sản xuất âm nhạc. Các thành viên đã trải qua 100 ngày đào tạo tại trụ sở chính của SM ở Seoul vào đầu năm nay. Quá trình này đã được ghi hình và biên tập lại thành một chương trình thực tế gồm 6 phần Made in Korea: The K-pop Experience sẽ phát sóng trên BBC One và BBC iPlayer vào cuối tháng 8/2024.
Giới chuyên môn cho rằng, các chiến lược bản địa hóa cho các nhóm nhạc K-pop, như Dear Alice, đang phát triển thành một phương pháp tiếp cận "vượt ra ngoài châu Á".
Thị trường K-pop có giá trị 12,7 nghìn tỷ won (92 tỷ USD) hàng năm. Tuy nhiên, so với thị trường âm nhạc toàn cầu, được Morgan Stanley ước tính vào khoảng 130 tỷ USD, Kpop chỉ chiếm một phần nhỏ.
Nhóm nhạc Dear Alice với các thành viên người Anh (Ảnh: Billboard)
Ngoài ra, ngành giải trí đang thay đổi mạnh mẽ. Trong 15 năm qua, doanh số bán album toàn cầu đã giảm một nửa trong khi các lĩnh vực như biểu diễn và phát trực tuyến lại tăng trưởng.
Sự hiện diện của Kpop trên thị trường biểu diễn và phát trực tuyến tương đối nhỏ. Tổng doanh thu phát trực tuyến của bốn công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc (HYBE, SM, YG, JYP) ước tính khoảng 40 triệu USD vào năm 2023, chỉ chiếm 0,2% tổng doanh thu toàn cầu (19,3 tỷ USD). Doanh thu bán album của Kpop là 90 triệu USD, chỉ chiếm 1,7% thị trường toàn cầu (5,1 tỷ USD).
Bloomberg lưu ý rằng trong khi các ngôi sao Kpop có lượng người hâm mộ khổng lồ, thị phần của họ trên thị trường âm nhạc toàn cầu vẫn còn nhỏ. Điều này có nghĩa là trong số nhiều nhóm nhạc Kpop, chỉ một số ít, chẳng hạn như BTS và BLACKPINK, có đủ người hâm mộ để lấp đầy các sân vận động lớn ở Châu Âu và Hoa Kỳ với giá vé cao, trong khi các nhóm khác vẫn chưa có khả năng cạnh tranh trên sân khấu quốc tế. Dân số Hàn Quốc cũng đang già hóa nhanh chóng dẫn đến việc suy giảm tiềm năng lợi nhuận tại thị trường nội địa. Do đó, ngành công nghiệp Kpop đang thay đổi chiến lược.
Nhóm VCHA hầu hết các thành viên đều là người Canada và Mỹ (Ảnh: AllKpop)
Chủ tịch Bang Si Hyuk, người sáng lập HYBE, đã liên tục nhấn mạnh quan điểm: "Chúng ta cần phải loại bỏ chữ 'K' khỏi Kpop", nghĩa là cần phải tiếp cận được các thị trường mới và đối tượng khán giả rộng hơn. Một ví dụ điển hình là nhóm nhạc nữ KATSEYE của HYBE tại Hoa Kỳ, ra mắt vào tháng 6 qua chương trình thử giọng toàn cầu Dream Academy. Các thành viên đến từ Singapore, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, chỉ có một thành viên người Hàn Quốc. Nhóm biểu diễn bằng tiếng Anh, không phải tiếng Hàn.
JYP Entertainment cũng đã kết hợp với hãng thu âm Republic Records của Mỹ ra mắt nhóm nhạc nữ VCHA từ chương trình America 2Korea. Hầu hết các thành viên đều là người Mỹ và Canada. Điều đáng nói là cả hai nhóm này chưa đạt được thành công đáng kể nào trên các bảng xếp hạng Hoa Kỳ.
Giới chuyên môn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả hoạt động của các nhóm nhạc bản địa này. "Kpop nổi tiếng trên toàn cầu nhờ vũ đạo đặc trưng của người châu Á và các yếu tố văn hóa độc đáo. Liệu các thần tượng phương Tây sẽ phát huy các yếu tố này như thế nào", nhà phê bình Kim Do Heon nhấn mạnh.