Bạn đã chuẩn bị đủ tài chính để sinh con đầu hay chưa? Lời khuyên của chuyên gia tài chính sẽ giúp bạn có câu trả lời

Lam Anh,
Chia sẻ

Trước khi quyết định trở thành “ông bố, bà mẹ”, chúng ta cần phải hiểu rõ việc sinh con là chuyện vô cùng quan trọng. Trách nhiệm, công sức, thời gian là những yếu tố bắt buộc cần phải trang bị kỹ càng. Nhưng hãy nhớ, chúng ta còn cần phải quan tâm đến chuyện tài chính nữa.

* Bài viết được tư vấn bởi chị Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam.

Đối với hầu hết chúng ta, con số 30 dường như được xem là cột mốc quan trọng để mỗi chúng ta thực hiện những mục tiêu trong kế hoạch đã vạch sẵn. Từ chuyện tích cóp tài sản, sự nghiệp thăng tiến, dựng vợ gả chồng cho đến việc sinh con.

Chúng ta đồng ý với nhau rằng, em bé là kết tinh ngọt ngào của tình yêu bố mẹ, là sự kết nối tuyệt vời giữa các thành viên trong gia đình và trở thành niềm hạnh phúc cùng động lực to lớn để mỗi cặp vợ chồng cùng nhau phấn đấu. Nhưng, chúng ta cũng cần thừa nhận một điều, sinh em bé không phải chuyện đùa, có thể nhanh chóng quyết định như việc "mua bó rau, mớ thịt" ngoài chợ.

Về mặt sinh học, có thể thấy tuổi tác là một nhân tố quan trọng quyết định khá lớn đến việc sinh nở của người phụ nữ, kéo theo các vấn đề như sức khỏe, tâm lý, tài chính, sự nghiệp. Nhưng, đó không phải là tất cả, hãy biết thêm cả những điều này trước khi quyết định sinh con.

Bạn đã chuẩn bị đủ tài chính để sinh con đầu hay chưa? Lời khuyên của chuyên gia tài chính sẽ giúp bạn có câu trả lời - Ảnh 1.

Các cặp vợ chồng cần chuẩn bị tài chính cho chuyện sinh con như thế nào?

Đối với vấn đề tài chính, các bạn cần phải xác định chi phí cụ thể, lên kế hoạch chi tiết để giảm bớt lo âu khi em bé chào đời. Việc này cần phải được bàn bạc và xây dựng ngay từ khi người mẹ chuẩn bị mang thai. Một người phụ nữ khi mong muốn có con, cô ấy sẽ phải nghĩ đến viễn cảnh nghỉ việc dưỡng thai, sinh nở, chuẩn bị tâm lý làm mẹ, sau sinh chuyện gì sẽ xảy ra, liệu có phải nghỉ việc chăm bé, quỹ thời gian eo hẹp phải dành cho con,…

Có lẽ, chỉ những chị em nào đã trải qua chuyện “vượt cạn” mới có thể hiểu rõ sức ép, áp lực và nỗi đau đớn để có được thiên chức làm mẹ. Người chồng sẽ phải lo lắng tài chính chu toàn hơn để cho hai mẹ con có thể an tâm.

Thử nói về độ tuổi trước 30 nhé!

Thông thường, về mặt sinh học, các bạn nữ từ 20 - 30 tuổi là có đủ khả năng để làm mẹ. Đây cũng là thời điểm “vàng” mà bất cứ ai đều mong muốn khám phá chính mình, trải nghiệm đời sống và dấn thân với sự nghiệp. Đa phần, khi mới ra trường và bắt đầu đi làm, các bạn hiếm khi có đủ khả năng tài chính tự thân và dành những mối quan tâm của mình “rải rác” bên ngoài.

Nếu khi kết hôn, các bạn được phụ huynh hỗ trợ chu cấp và nhẹ gánh chuyện tiền nong, hai bạn hoàn toàn có thể tạm gác nỗi lo tài chính sang một bên. Ngược lại, với những cặp đôi “cùng nhau vượt khó” thì quả là một thách thức cho cả hai, chưa tính đến việc bạn đã sẵn sàng toàn diện cho việc có em bé hay chưa.

Nếu sau 30 tuổi mới có con - vừa đủ hay quá trễ? Nó sẽ tùy thuộc vào quan điểm của mỗi cặp vợ chồng và kế hoạch của họ. Phụ nữ sau 30 tuổi sẽ dần trở nên vững vàng về mặt cảm xúc lẫn tài chính. Họ bắt đầu ưu tiên hơn về những chuyện “ổn định” như tìm bạn đời lâu dài và sinh em bé, đồng thời họ chú ý hơn về mặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Họ dần hiểu thấu việc “lùi để tiến” cho những dự định dài lâu cũng như có được vốn sống dày dặn để sẵn sàng “có con, trách nhiệm và yêu thương con” một cách đủ đầy hơn. Khi tập trung cho mục tiêu, họ lên kế hoạch chi tiết và dành đủ sức để lo cho con trong quá trình mang thai, sinh bé và cho con tận hưởng những tiện nghi tốt nhất ngay khi chào đời.

Dù bạn sinh con trước hay sau 30, việc xác định chi phí cụ thể và lên kế hoạch chi tiết luôn là điều cần thiết phải làm. Việc chênh lệch hay có sự thay đổi về khoản mục này sẽ phụ thuộc tình hình tài chính hiện tại, ưu tiên của bạn đối với việc có con ở mức độ nào và mong muốn bao nhiêu dành cho bé.

Bạn đã chuẩn bị đủ tài chính để sinh con đầu hay chưa? Lời khuyên của chuyên gia tài chính sẽ giúp bạn có câu trả lời - Ảnh 2.

Với những cặp đôi “cùng nhau vượt khó” thì quả là một thách thức cho cả hai, chưa tính đến việc bạn đã sẵn sàng toàn diện cho việc có em bé hay chưa. (Ảnh minh hoạ)

Bạn đã chuẩn bị đủ tài chính để sinh con đầu?

Đầu tiên, bạn cần có một bức tranh tổng quan về tình hình tài chính hiện tại. Các bạn cần cùng nhau trả lời một vài câu hỏi như:

- Tổng thu nhập của hai bạn là bao nhiêu: Nhớ gom cả các tài sản như đất đai, bất động sản, kênh đầu tư đang chọn,…

- Nơi ở của bạn có ổn định để tiện cho việc phát triển của em bé không?

- Người mẹ sẽ có một khoảng thời gian dưỡng thai và nghỉ sinh chăm con, ai sẽ lo thu nhập và liệu có đủ hay không?

- Bạn đã có bảo hiểm thai sản hay chưa?

- Bạn đã có quỹ dự phòng rủi ro gia đình?

- Chi phí sinh hoạt trung bình của gia đình trước khi có em bé như thế nào?

Bạn đã chuẩn bị đủ tài chính để sinh con đầu hay chưa? Lời khuyên của chuyên gia tài chính sẽ giúp bạn có câu trả lời - Ảnh 3.

Mina Chung (Chung Vũ Thanh Uyên), từng học tài chính ở Mỹ và hoạt động trong ngành ngân hàng hơn 10 năm tại các nước Châu Á. Hiện tại, chị là người sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam.

Các bạn cần hiểu rõ thu nhập và các nguồn thu khác của mình có đáp ứng được kỳ vọng có con hay không. Tiếp đến, bạn cần tham khảo và dự tính danh sách chi tiêu cho mẹ và bé. Mời bạn tham khảo qua bảng chi phí trung bình sau đây:

1. Tiền khám thai định kỳ: Khoảng 3,5 triệu đồng/lần

2. Tiền sinh con: Chi phí trung bình là 10 triệu đồng đối với sinh thường. Nếu sinh mổ là khoảng 13 - 15 triệu đồng

3. Tiền bồi dưỡng cho mẹ: Khoảng 2 - 5 triệu đồng/tháng

4. Quần áo, vật dụng cho trẻ sơ sinh: Khoảng 3 - 5 triệu đồng/lần

5. Chi phí riêng cho bé: Khoảng 1 - 10 triệu đồng/tháng (tuỳ thể trạng bé và mức độ đầu tư)

6. Tiền bỉm/sữa: Khoảng 2 - 5 triệu đồng/tháng

Bên cạnh đó, cả hai bạn cần quan tâm đến chi phí sinh hoạt gia đình trong giai đoạn nghỉ sinh. Khi nghỉ sinh, lao động nữ sẽ nhận được trợ cấp xã hội về thai sản do nhà nước hỗ trợ. Bạn sẽ nhận được khoản tiền này khi hoàn tất các thủ tục sau sinh con, cũng đừng quên hỏi han về các phúc lợi của công ty dành cho chế độ thai sản (nếu có). Bạn cũng có thể tham khảo các gói bảo hiểm nhân thọ để phòng tránh các trường hợp rủi ro xảy ra, đảm bảo cho gia đình tiếp tục cuộc sống.

Bên cạnh chuyện chuẩn bị tài chính, các yếu tố như sức khỏe, tâm lý và kiến thức là không thể bỏ qua. Nếu chủ động, các bạn sẽ có thể hạn chế chi tiêu bất hợp lý và dành khoản tiền đó cho những mục cần thiết hơn. Chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, tham khảo lời khuyên từ bác sĩ, nghỉ ngơi và vận động vừa đủ, kiểm soát việc tăng cân tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Tổng kết

Trở thành bố mẹ là mơ ước của nhiều người, trên hành trình ấy sẽ có nhiều chông gai, thử thách và niềm hạnh phúc vô vàn khi nhìn thấy con ra đời và lớn khôn. Dù quyết định có con ở độ tuổi nào, hãy xác định cụ thể và lên kế hoạch rõ ràng.

Chuẩn bị thật vững vàng các khía cạnh sức khỏe, tâm lý, tài chính, kiến thức, thời gian để có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất nhé.

Chia sẻ