15 cách đối phó với giai đoạn kiệt sức vì công việc
Những thứ giúp chúng ta cố gắng cầm cự không phải là đam mê, mà là trách nhiệm, hợp đồng, nợ nần, tiền bạc vật chất, áp lực bên ngoài...
Thật ra, cơ thể đã biết bạn mệt đến mức sức cùng lực kiệt. Nhưng mệt mỏi vì cái gì? Giới trẻ thời nay ngoài mệt vì công việc ra thì còn gì đáng bận tâm nữa?
Nhật Bản, Trung Quốc... là những nước nổi tiếng với guồng quay công việc nặng nề. Tiền làm ra mặc dù nhiều không tưởng nhưng tinh thần lại bị mài mòn đến đáng thương.
Trong "Báo cáo khảo sát năm 2021 về tình trạng mệt mỏi trong công việc của lao động Trung Quốc", hơn 60% trong tổng số 1.679 người được khảo sát nói rằng họ cảm thấy kiệt sức với khối lượng công việc hằng ngày. Sau khi tan làm, tinh thần bị sa sút, không muốn làm bất cứ chuyện gì.
Theo "Báo cáo nghiên cứu về tình hình nghỉ việc và đãi ngộ năm 2022", tỷ lệ chủ động nghỉ việc đạt 14,1% vào năm 2021, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2020.
Mệt mỏi trong công việc không chỉ là "biểu hiện mãn tính của việc áp lực không được giải tỏa", mà còn đã trở thành một hiện tượng hoặc căn bệnh phổ biến ở nơi làm việc.
Khi được hỏi: "Bạn có cảm thấy áp lực hay mệt mỏi với công việc hiện tại không?".
Nhiều người cố tình trả lời: "Cũng có một chút". Nhưng trên thực tế, không phải đơn giản chỉ có "một chút"!
Tình trạng kiệt sức trong công việc (burnout) được nhắc đến lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Mỹ, Herbert Freudenberger vào năm 1974. Ông cho rằng trạng thái này không chỉ là cảm giác “căng thẳng” một chút, mà là trạng thái mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần do căng thẳng gây ra. Nếu không được kiểm soát, kiệt sức có thể biểu hiện thành bệnh lý về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Trong "Burnout: The High Cost of High Achievement", Herbert mô tả kiệt sức là "sự tiêu biến của động lực và sự khích lệ trong tinh thần, đặc biệt là khi sự cống hiến của một người cho công việc hoặc mối quan hệ không mang lại kết quả mong muốn".
Định nghĩa này gói gọn những hậu quả của kiệt sức tại nơi làm việc, nhưng nó dường như không thể hiện rõ cảm giác cụ thể là gì.
Đồng cảm với những ai đang loay hoay giữa cố gắng làm việc và ý định nghỉ việc:
@Trời mưa có thể có gió: "Cho đi không được nhận lại tương xứng, mối quan hệ vô giá trị, đồng nghiệp đối đãi ác ý... đều khiến người ta mất đi niềm tin".
@Yuanrugu: "Tôi thường có ý nghĩ thế này, băn khoăn giữa làm việc chăm chỉ và nghỉ hưu (tôi vẫn còn trẻ), cảm thấy kiệt sức và thậm chí hơi trầm cảm".
@Chunshou: "Mỗi ngày đều có thứ cần được chữa lành. Mỗi ngày đều có những mỏi mệt mới. Lặp đi lặp lại không hồi kết".
Nếu có thể, không ít người muốn thay đổi cách sống mới:
@Châu chấu: "Tôi thường nghĩ rằng nếu không phải làm việc để nuôi gia đình, tôi sẽ thay đổi công việc vài năm một lần, từ công việc hiện tại là bác sĩ sang nhân viên cây xanh, nông dân, nhân viên chăm sóc động vật hoang dã, ký gửi thú cưng...".
@JennyCe: "Trong hai năm qua, tôi rất muốn nghỉ việc và về quê, nhưng không nỡ bỏ công việc với mức lương ổn định của hiện tại".
Một số người chọn nghỉ việc, thay đổi môi trường làm việc hoặc dành thời gian để suy nghĩ bản thân đang muốn gì:
@Trà: "Hôm qua, tôi vô tình nghe được cuộc đối thoại của hai cô nhân viên trong trung tâm thương mại. Họ nói rằng thứ Hai mà đã mệt mỏi, phải đợi tận 5-6 ngày nữa mới đến cuối tuần...".
@Yezai: "Mọi nỗ lực dường như vô ích. Việc tăng ca ở văn phòng khiến con người kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Để phục hồi, tôi lựa chọn nghỉ ngơi, nhưng phải trả giá đắt cho những ngày nghỉ phép vừa qua. Câu chuyện này diễn ra như một vòng tuần hoàn".
Song, thoát khỏi sự mỏi mệt này thực sự rất khó:
@Wee: "Tôi đã chán nản ở cái văn phòng này 3-4 năm nay rồi mà vẫn không thể thoát ra được, không còn hứng thú với công việc, cảm thấy vô nghĩa... nhưng không biết cách để giải quyết".
@Chunbujian: "Tôi liên tục thay đổi công việc. Công việc trước rất ổn, đãi ngộ tốt, nhưng vẫn quyết định nghỉ vì không thể làm quen với đồng nghiệp mới. Con người thật sự không biết đủ là gì".
George Bernard Shaw (nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà chính trị và nhà hoạt động chính trị người Ireland) từng nói: “Con người mệt mỏi với mọi thứ. Địa ngục cũng mệt mỏi, mà thiên đường cũng chẳng khác là bao”.
Cuối cùng, những thứ giúp chúng ta cố gắng cầm cự không phải là đam mê, mà là trách nhiệm, hợp đồng, nợ nần, tiền bạc vật chất, áp lực bên ngoài...
Nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách "Is Work Killing You?" (tạm dịch: Có phải công việc đang hủy hoại bạn?), David Posen cho rằng sự kiệt sức phá hủy mọi khả năng bạn có: Trí nhớ ngắn hạn, thái độ tích cực, khả năng làm việc nhóm, phán đoán và suy luận.
Làm thế nào để đối phó với "giai đoạn kiệt sức trong công việc"?
Dưới đây là một số phương pháp đơn giản, hy vọng chúng hữu ích với bạn:
1. Nếu có thể, khi phát sinh vấn đề, hãy tìm cách giải quyết ngay lập tức và không để "chất chồng chất đống".
2. Đừng đi ngủ trong lo lắng. Nếu cảm thấy tâm trạng không tốt, bạn có thể đi dạo, đọc sách hoặc tâm sự với người thương về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
3. Tham gia các hoạt động mà bạn chưa bao giờ thử sức.
4. Thường xuyên ra ngoài hít thở không khí trong lành và tập thể dục.
5. Tránh xa máy pha cà phê. Đừng biến cà phê trở thành công cụ để bạn quên đi áp lực và mỏi mệt.
6. Khi cô đơn, hãy nghe một vài bản nhạc sôi động hơn, thử nhảy nhót hoặc ít nhất lắc lư cơ thể. Không cần quan tâm bạn nhảy giỏi hay không, chỉ cần làm cho bản thân cảm thấy dễ chịu.
7. Cố gắng không than vãn với đồng nghiệp.
8. Sau một ngày tồi tệ, hãy trở về nhà tắm nước nóng và ngân nga vài điệp khúc yêu thích.
9. Ăn chế độ cân bằng, giảm thiểu đồ ngọt và đồ ăn vặt.
10. Tham gia hoạt động tình nguyện.
11. Dọn dẹp phòng tắm hoặc tủ quần áo.
12. Tản bộ, đi xe đạp.
13. Viết nhật ký, ghi lại những điều khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, bất kể là điều nhỏ nhặt nhất.
14. Đối xử thật tốt với người thân thương bên cạnh.
15. Giữ liên lạc với bạn bè.
...