Bản án nào đang chờ đợi nghi phạm vụ cướp khống chế con gái Tướng công an?
Liên quan đến vụ một thạc sĩ du học Trung Quốc đột nhập, khống chế cướp tài sản tại nhà con gái Tướng công an ở Hà Tĩnh, ngày 12/5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về những vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc trên.
Nhận định ban đầu về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn LS thành phố Hà Nội) cho rằng: "Khi nhắc tới những tên "cướp", thường người ta nghĩ tới những người hung dữ, bặm trợn, sẵn sàng dùng hung khí sát thương người khác để lấy tài sản... chứ ít ai nghĩ rằng tên cướp lại là kẻ "có học", người có tri thức, có bằng cấp cao lại có những hành động manh động, bất chấp pháp luật như vậy.
Th.s. Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn LS TP. Hà Nội
Có lẽ chính vì thế mà đối tượng Lê Đình Kiên (sinh năm 1989) lại bất đắc dĩ trở nên "nổi tiếng" khi được dư luận bàn tán bằng cái tên "Tên cướp có học"!
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, khi đã vi phạm pháp luật thì mức độ xử lý hình sự là như nhau. Theo đó, theo Điều 168 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản" thì sẽ bị xử lý về tội cướp tài sản và bị áp dụng mức phạt từ 3 đến 10 năm tù.
Nếu có sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác hoặc gây thương tích cho người khác từ 11% trở lên thì hình phạt sẽ từ 7 đến 15 năm tù.
Nếu số tiền mà đối tượng muốn chiếm đoạt trị giá từ 500.000.000 đồng trờ lên thì đối tượng sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 18 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Kiên bị thiếu tướng công an cùng hai chiến sĩ CSGT khống chế - Ảnh cơ quan chức năng cung cấp
''Trong vụ án này, nếu có căn cứ chứng minh số tiền mà Kiên muốn chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên (như người bị hại khai là Kiên yêu cầu đưa 1 tỷ đồng nếu không sẽ giết người....) thì đối tượng Lê Đình Kiên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tại khoản 4, Điều 168 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 18 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình'', luật sư Cường phân tích.
Cụ thể, Tội cướp tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 168 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người; d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nhận xét sau vụ việc, luật sư Cường cho rằng: "Vụ việc này khiến nhiều người bất ngờ, bởi lẽ một người trẻ tuổi, có học thức cao, có giáo dục mà lại có hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ và táo tợn đến như vậy. Có thể đó là kết quả sai lầm trong việc giáo dục, định hướng hành vi của Kiên.
Đối với Kiên, cho dù nguyên nhân, hoàn cảnh thế nào đi nữa thì cũng không gì có thể biện minh được cho hành động dại dột của mình. Kiên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, chịu sự lên án của cộng đồng xã hội,.. và đây cũng là một bài học cho các bạn trẻ khi có những hành động thiếu suy nghĩ dẫn đến phạm tội''.