Bài văn thay đổi cuộc đời
Một bài văn kể về những khó khăn của bản thân được cô giáo "bắt đúng mạch" cho điểm cao, khích lệ và động viên trên lớp đã giúp một học sinh lớp 6 tự tin bước khỏi vỏ bọc và vươn mình.
Năm nay, Nguyễn Phú Thịnh - cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM - là thí sinh nhận được học bổng toàn phần danh giá nhất (trị giá gần 1 tỉ đồng) của RMIT Việt Nam dành cho ứng viên có kết quả học tập và hoạt động xuất sắc.
Gặp lại cô giáo dạy văn năm xưa, Thịnh nói nếu không có sự động viên của cô hồi năm lớp 6 thì không biết liệu có Thịnh của ngày hôm nay không.
Bài văn thay đổi con người
Hồi đó, Thịnh đang học lớp 5 thì mẹ mất. Với một cậu bé 10 tuổi, đó là một cú sốc lớn. Trong một khoảng thời gian dài, Thịnh không nói chuyện với ai. Dù bị bạn học bắt nạt, bị nói những điều không hay nhưng Thịnh vẫn im lặng, không phản kháng. Thịnh bị tê liệt bởi cảm giác đau khổ kể từ khi mẹ qua đời. Thịnh còn quá nhỏ, không biết làm thế nào vượt qua sự trống trải, hụt hẫng.
Lên lớp 6, Thịnh học tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, nay là TP Thủ Đức, TP.HCM). Trong một bài kiểm tra môn văn, Thịnh kể lại câu chuyện, vấn đề mình đang trải qua như một cách trải lòng. Cô giáo văn, cũng là giáo viên chủ nhiệm, Trần Thị Anh Thư cảm động.
"Câu chuyện chân thật, lời văn cảm động, ý tứ sâu sắc" - cô Thư nhớ lại. Tìm hiểu về cậu học trò, thật bất ngờ khi đây là em trai của một học sinh cũ mà cô từng chủ nhiệm và có đi viếng đám tang khi mẹ của học sinh mất.
Biết hoàn cảnh và nhận thấy năng khiếu về văn của cậu học trò, cô Thư chọn Thịnh tham gia cuộc thi "Văn hay chữ tốt" cấp quận. Thế nhưng Thịnh không đồng ý tham gia. Cô phải thuyết phục, khích lệ mãi Thịnh mới đồng ý. Thịnh đã đoạt giải ba cùng tấm vé dự thi cấp thành phố.
Kể từ ngày đó, Thịnh cởi mở hơn, có nhiều bạn bè hơn và tham gia nhiều hơn các hoạt động của trường. Thịnh nói nếu không có bài văn năm lớp 6 và không có cô Thư khích lệ và ủng hộ, không biết khi đó Thịnh sẽ như thế nào.
Thành công của trò - niềm vui của thầy cô
Cô trò gặp nhau cứ ôn lại chuyện cũ. Thịnh hỏi cô Thư về những thầy cô giáo cũ, cô hỏi Thịnh tình hình hiện tại và không ngớt lời khen cho thành quả Thịnh đã đạt được. Cô chính thức nghỉ hưu năm 2019 nhưng trường tiếp tục hợp đồng, dạy đến 2021 thì nghỉ hẳn.
Với cô, đã chọn nghề nào rồi thì phải "cháy hết mình", phải yêu nghề, yêu những đứa học trò thơ dại. "May là tôi có giọng sang sảng nên hợp với việc dạy văn. Dạy môn này mà giọng yếu quá sẽ dễ gây ngủ cho học trò" - cô nói vui về công việc của mình. Thực ra giọng nói chỉ một phần, cô Thư nói mỗi người giáo viên sẽ có cách giảng dạy riêng để thu hút học sinh.
Với mình, trong giờ dạy cô luôn đặt những câu hỏi để học sinh tư duy, luôn đứng trên bục giảng hoặc đi quanh lớp để tương tác với học sinh chứ không ngồi tại bàn giáo viên, dạy hết kiến thức trên lớp chứ không giấu giếm cái gì để buộc học sinh phải đi học thêm.
Nhiều thế hệ học trò của cô giờ thành đạt, nhiều người theo nghề giáo. Cô Thư nói mỗi thành công của học trò đều là niềm vui của thầy cô. Thịnh bén duyên giải thưởng với môn văn từ lớp 6, nhưng khi qua lớp 7, Thịnh chuyển sang đội tuyển tiếng Anh và liên tục đoạt nhiều giải thưởng cấp quận, thành phố đến tận bậc THPT. Đó cũng là niềm vui của cô khi khơi được sự tự tin cho học trò. Nhiều học trò cũ của cô giờ là giáo viên môn văn các cấp.
Từ học sinh rụt rè thành cá nhân xuất sắc
Năm 2022, Nguyễn Phú Thịnh được RMIT Việt Nam cấp học bổng toàn phần cho thí sinh xuất sắc khóa tuyển sinh 2022. Cũng trong năm 2022, Nguyễn Phú Thịnh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh; năm 2020, Thịnh đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi thành phố, huy chương vàng cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 cũng ở môn tiếng Anh. Năm 2019, khi là học sinh lớp 10, Thịnh đã đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh. Điểm trung bình học tập bậc phổ thông cũng cao ngất ngưởng: 9,5 (lớp 10), 9,4 (lớp 11), 9,5 (lớp 12). Điểm IELTS: 8,0. Thịnh xếp thứ nhất lớp suốt các năm cấp II, top 5 học sinh xuất sắc nhất lớp suốt cấp III.
Thịnh tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Cậu bé nhút nhát năm xưa đã là cựu chủ tịch của Hinges - tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và tâm lý học sinh; cựu đồng chủ nhiệm CLB tranh biện The Colosseum tại Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM; cựu trưởng ban nội dung của GẤC ĐỎ - tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh quảng bá tình yêu văn hóa tới các bạn trẻ...
Từ sợ tới thương
Theo cô Trần Thị Anh Thư, lớp học đâu chỉ có trò ngoan, năm nào lớp cô chủ nhiệm cũng có trò chưa ngoan, cá biệt.
"Nghiêm khắc nhưng yêu thương, nhiệt tình với học sinh sẽ dần cảm hóa được các em. Thực sự tôi nghiêm khắc nên ban đầu các em có cảm giác sợ chứ không thương, dần dà chuyển thành thương cô.
Năm nào chia tay, các em cũng khóc như mưa, kể cả những học sinh "quậy". Mỗi lớp các em được cảm hóa một phần, rồi sẽ thành những đứa con biết suy nghĩ, những học trò trách nhiệm" - cô Thư chia sẻ thêm.