Bài toán tính 5 + 2 = 7 bị cô gạch bỏ rồi chữa lại, dân mạng xem xong lời giải thích liền phát “lú”
Bài toán tiểu học này khiến phụ huynh thắc mắc về đáp án.
Với học trò tiểu học, các chủ đề toán học xoay quanh các phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản, phức tạp hơn thì có số thập phân hay phân số,... Nhưng bao nhiêu kiến thức cũng đã đủ phức tạp đến nỗi đôi khi người lớn cũng phải hoang mang.
Một vị phụ huynh sau khi xem bài kiểm tra toán của con đã vội thắc mắc vì một câu hỏi khiến con không được trọn 10 điểm từ giáo viên. Theo đó, câu hỏi yêu cầu học sinh quan sát tranh và viết phép tính cộng vào ô trống. Đáp án mà học trò này điền là 5 2=7 theo đúng những gì đề nói, song câu trả lời này đã bị gạch bỏ và cô giáo chữa bằng cách viết phép tính 7-2=5 vào.
Sau khi đăng tải lên mạng, nhiều người đã vào thảo luận và ai cũng cùng chung thắc mắc với người mẹ không biết vì sao đáp án của con mình lại sai. Rõ ràng, đề yêu cầu viết phép cộng và số thỏ trong hình chia làm 2 nhóm, 1 nhóm trong vòng tròn và 1 nhóm trong mũi tên nên 5 2=7 là câu trả lời nên được chấp nhận.
Tuy nhiên, một chi tiết khiến dân mạng lưu tâm là mặc dù yêu cầu học sinh viết phép cộng nhưng hình vẽ lại thể hiện không rõ ràng khi nhóm 2 chú thỏ kia lại nằm ngoài vòng tròn theo mũi tên hướng ra, tới đây nhiều người suy đoán rằng với 2 chú thỏ tách đàn thì phép trừ có vẻ hợp lý hơn. Chi tiết mâu thuẫn này đang được nhiều phụ huynh bình luận rôm rả:
"Quay mặt đi như này thì phép trừ là đúng rồi, nhưng đề bài sai mất!"
"Cô đúng nếu như quan sát tranh, trò đúng khi đọc điền phép cộng vào ô trống!"
"Đề hơi có chút mâu thuẫn, câu hỏi là viết phép tính cộng, trong khi hình minh họa lại biểu hiện của phép trừ!"
"Đáng lẽ đề bài phải là 'nhìn tranh viết phép tính thích hợp' thì các bé mới làm được chứ, đằng này rành rành là muốn ghi phép cộng mà hình minh họa lại thể hiện phép trừ, không hiểu nổi!"
Một bài toán tiểu học khác cũng từng khiến dân mạng xôn xao có nội dung: Có 365 kg gạo đổ đều vào 7 bao. Hỏi cần có mấy bao để đựng hết số gạo đó?
Không ít người cho rằng đề bài thực sự phi lý vì đã cho biết số bao để đựng 365 kg gạo rồi, vậy thì việc hỏi lại điều này khiến bài toán không chặt chẽ.
Một số người cho rằng, người ra đề đã có chút nhầm lẫn ở phần cho dữ kiện, có thể đề đúng sẽ phải là có 365 kg gạo đổ đều vào các bao, mỗi bao 7 kg để hỏi học sinh tìm số bao cần dùng.
Nhưng cũng có một số ý kiến nêu quan điểm, đề bài này thuộc nội dung học chia số dư của học sinh tiểu học. Vì dữ kiện cho biết 365 kg chia đều cho 7 bao, tức là mỗi bao 52 kg, vậy còn dư 1 kg. Để đựng hết số gạo cần có phải thêm 1 bao gạo nữa cho 1 kg thừa còn lại. Như vậy là bài toán đã được giải quyết với đáp án là 8 bao.
Dù theo lập luận như thế nào thì ai cũng nhận ra rằng, toán tiểu học ngày nay cũng không hề đơn giản, lại còn có những dữ kiện vô cùng lắt léo như trên.