Bài toán lớp 3 với chi tiết 'xe đạp chở 352kg' gây tranh cãi, giáo viên nói gì?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Tưởng đâu vô cùng đơn giản nhưng khi được chia sẻ, bài Toán tiểu học này lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều vì lý do bất ngờ.

Toán tiểu học trong suy nghĩ của nhiều người là dễ như ăn kẹo, chớp mắt là làm xong. Nhưng trên thực tế, nếu thường xuyên tham gia dạy con học thì bạn sẽ hiểu rằng độ khó của việc học Toán ở giai đoạn này không hề thấp chút nào. Bên cạnh đó, lại có những bài hoàn toàn không đánh đố nhưng dữ liệu mà đề Toán đưa ra cũng gây ra nhiều tranh luận. 

Chẳng hạn mới đây, một bài Toán được chia sẻ hoàn toàn không cao siêu nhưng khiến dân tình chia làm hai ngả. Được biết đề bài Toán này nằm trong Sách "Đề kiểm tra toán 3", học kỳ 1, Kết nối tri thức với cuộc sống của nhóm tác giả Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Văn Quân, Uyển Uyển (Nhà xuất bản Hà Nội).

Cụ thể, đề bài như sau: "Đội xe đạp thồ của bác Thắng gồm 10 xe đang chở lương thực tiếp tế cho bộ đội ở Điện Biên Phủ. Xe đạp thồ của bác Thắng chở 352 kg lương thực, 9 xe đạp thồ còn lại mỗi xe chở 70 kg lương thực. Hỏi đội xe đạp thồ của bác Thắng chở được bao nhiêu kg lương thực?".

Không khó để học sinh tìm ra đáp án. Sau khi tính số lương thực 9 xe đạp thồ chở được (70 x 9= 630kg), các em có thể tìm số kg lương thực mà đội xe đạp thồ của bác Thắng chở được là 630 + 352= 982 (kg). Nhưng có một vấn đề trong bài Toán khiến phụ huynh thắc mắc: 

Là người lớn, chúng ta có thể biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi xe đạp thồ có thể chở được 50-100 kg và nếu được gia cố có thể chở nhiều hơn, kỷ lục xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng, tỉnh Phú Thọ khi có chuyến chở được 352 kg hàng. 

Nhưng học sinh lớp 3 chưa học lịch sử để biết thông tin trên, các bé sẽ thắc mắc tại sao có sự chênh lệch lớn đến như vậy. Và trên thực tế, có một học sinh đã đặt câu hỏi: "Tại sao bác Thắng lại chở khối lượng nhiều như thế, trong khi 9 xe khác mỗi xe chở có 70kg. Một đội như vậy thật không công bằng. Bác Thắng "gánh cả team" xe thồ".

Giáo viên nói gì?

Nói về vấn đề này, cô Nguyễn Ngọc Thúy, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, thắc mắc của phụ huynh cũng đáng để lưu tâm. 

"Thường thì tiết Toán, tôi không lồng ghép giải thích để tránh lạc đề, làm các con sao nhãng. Các cô giáo tập trung vào phần lời giải đáp số, và kiểm soát xem học sinh hiểu cách làm bài hay chưa. Bài Toán này phù hợp với các con lớp 3 vì các phép tính này nằm trong chương trình học. Nhưng việc ra đề cần phải logic hợp lý, cần có sự kiểm duyệt kĩ để tránh cho giáo viên chủ nhiệm rơi vào thế "bí", cô Thúy nói.

Cô Thúy nhận định, liên hệ được thực tế là rất tốt, nhưng nhiều khi không nên "tham" khi ra đề. Mục đích chính là con hiểu và vận dụng bài Toán vào thực tế được là tốt nhất. Vừa giúp con hoàn thành bài và vừa phải giảng về sự kiện lịch sử thì có thể giáo viên sẽ "cháy" giáo án".

Về dữ liệu 1 bên chở 352kg, 1 bên 70kg, cô Thúy cho rằng, vì đây là môn Toán nên chủ yếu chúng ta nhìn vào các con số và dạng Toán. Thậm chí người ra đề nhiều khi chỉ tập trung vào con số và dạng bài nên sẽ có trường hợp đầu bài chưa được logic. Mục đích của tiết dạy là con hiểu cách tìm ra kết quả của bài Toán, thế là cô trò đạt yêu cầu rồi.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hiền, cựu giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất, một tiktoker nổi tiếng nhận xét, việc đưa dữ liệu lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ vào bài Toán này về bản chất Toán học không có gì sai. Ngoài ra còn giúp cho học sinh có cơ hội để tìm hiểu thêm về kiến thức Lịch sử. Đó là về chiến dịch Điện Biên Phủ, về "đội quân xe đạp thồ", về nhân vật lịch sử "chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng", người đã cải tiến chiếc xe đạp thồ bình thường chở được từ 80kg đến 100kg lên đến 300kg và kỉ lục là 320kg/1 chuyến. 

Bài toán lớp 3 xe đạp chở 352kg gây tranh cãi, giáo viên nói gì? - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Hiền.

Thêm vào đó, cùng 1 đội xe nhưng sức chở khác nhau - đây là tính thực tế, các xe có thể giống nhau nhưng xe đạp thồ lại khác (di chuyển do sức người, không phải là sức máy móc). Theo cô Hiền, xét về thực tế thì đây là một bài Toán hay, phù hợp với học sinh lớp 3, phù hợp quan điểm dạy Toán của chương trình phổ thông 2018. 

Tuy nhiên, nếu ra đề thì cô Hiền cho rằng mình sẽ thêm vào ngữ liệu về bác Thắng, chẳng hạn "Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội xe đạp thồ của bác Ma Văn Thắng gồm 10 xe..." hoặc rõ hơn về nhân vật lịch sử này: "Bác Ma Văn Thắng, người đã cải tiến chiếc xe đạp thồ để chở được nhiều hàng hơn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 1 lần chở hàng, đội xe đạp thồ của bác Thắng gồm... Người ra đề chắc là không muốn đưa nhiều ngữ liệu nên cắt bớt, khiến cho mục đích "thông qua Toán để tạo sự tò mò, khuyến khích học sinh tìm hiểu lịch sử" không được trọn vẹn".

Chia sẻ