Bài toán lớp 1 tưởng dễ nhưng lại thách thức IQ của vô số người lớn - Đọc xong đề đã thấy lú!

Trang Vũ,
Chia sẻ

Yêu cầu đơn giản nhưng cách làm thì chưa chắc đã có nhiều người biết.

Nhiều người cho rằng toán tiểu học chỉ bao gồm những phép tính cơ bản như cộng, trừ, nhân, chia hoặc các bài tập đếm hình, tính số. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đơn giản ấy, không ít bài toán lại chứa đựng những tình huống phức tạp, thậm chí có thể khiến cả người lớn phải suy nghĩ kỹ lưỡng mới tìm ra đáp án.

Một phụ huynh có con đang học lớp 1 đã từng phải "cầu cứu" cộng đồng mạng khi gặp phải một bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng hóc búa. Vị phụ huynh này hài hước chia sẻ rằng, bài toán có độ khó chẳng khác gì dành cho thần đồng IQ 200, trong khi bản thân dù là người lớn nhưng vẫn phải suy nghĩ chán chê mà không tìm ra cách giải thích rõ ràng để hướng dẫn con mình. Nội dung bài toán như sau:

"Sau khi Lan cho Mai 3 nhãn vở, Mai cho Hoa 5 nhãn vở và Hoa cho Lan 4 nhãn vở thì mỗi bạn đều có 15 nhãn vở.

Vậy lúc đầu Lan có ... nhãn vở; Mai có ... nhãn vở; Hoa có ... nhãn vở".

Bài toán lớp 1 tưởng dễ nhưng lại thách thức IQ của vô số người lớn - Đọc xong đề đã thấy lú! - Ảnh 1.

Bài toán tiểu học "gây lú".

Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dân mạng. Nhiều người đồng cảm với sự hoang mang của vị phụ huynh, cho rằng bài tập này có chút hơi "hack não" với học sinh lớp 1:

- Công nhận. Bài này như mình thì hiểu cộng trừ đơn giản nhưng giải thích cho bọn trẻ con lớp 1 thì lại khá khó diễn tả. Mình hiện tại cũng đang luyện cho con lớp 1 thi toán, nhiều bài suy luận logic đọc đề còn "lú" phải nghĩ mất một lúc.

- Mới lớp 1 mà phải làm bài này cũng khoai đấy, tôi người lớn phải đọc lại 2 lần để hiểu vấn đề là nó đang cho nhau theo vòng tròn.

- Bài này là logic câu đố chứ đâu phải thuần toán, hack não thực sự.

- Như tôi thì sẽ làm theo kiểu đặt ẩn x, y. Nhưng mà các cháu lớp 1 chưa được học cái đó nên bảo hướng dẫn làm bài cũng hơi rối thật.

Tuy nhiên, một số người cho rằng bài toán này thực chất là dạng bài kiểm tra tư duy IQ thường thấy ở bậc tiểu học, chứ không phải quá khó như nhiều người nghĩ. Vấn đề nằm ở chỗ, người lớn thường có xu hướng suy nghĩ theo lối tư duy phức tạp, diễn giải vấn đề theo cách của mình thay vì ở độ tuổi của trẻ. Chính điều này khiến họ cảm thấy bài toán trở nên khó hiểu đối với trẻ, trong khi thực tế, nếu tiếp cận theo cách đơn giản và trực quan hơn, trẻ em có thể dễ dàng hiểu và tìm ra lời giải.

Bài toán có thể được giải quyết theo cách như sau:

Sau khi 3 bạn trao đổi với nhau thì mỗi người đều có 15 nhãn vở.

Lan cho Mai 3 nhãn vở và được nhận thêm 4 nhãn vở từ Hoa. Ta có phép tính số nhãn vở của Lan ban đầu là: 15 - 4 + 3 = 14 

Mai cho Hoa 5 nhãn vở và được nhận thêm 3 nhãn vở từ Lan. Ta có phép tính số nhãn vở của Mai ban đầu là: 15 - 3 + 5 = 17

Hoa cho Lan 4 nhãn vở và được nhận thêm 5 nhãn vở từ Mai. Ta có phép tính số nhãn vở của Hoa ban đầu là: 15 - 5 + 4 = 14

Vậy lúc đầu Lan có 14 nhãn vở; Mai có 17 nhãn vở; Hoa có 14 nhãn vở.

Chia sẻ