Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm

Trương Thu Hường,
Chia sẻ

Nếu được cảnh báo đúng, người dân dù phải đi bộ vẫn đủ thời gian sơ tán an toàn, TS Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh.

Ngay cả với cuồng phong như Yagi, 3 ngày trước khi bão đổ bộ đất liền, chúng ta đã có thể dự báo chính xác ít nhất khoảng 80% về cấp độ bão, lượng mưa, hướng di chuyển… Nếu được cảnh báo đúng, người dân dù phải đi bộ vẫn đủ thời gian sơ tán an toàn. TS Nguyễn Ngọc Huy (chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nổi tiếng với trang facebook Huy Nguyễn) nhấn mạnh điều này. Những chia sẻ của TS Huy Nguyễn được lược trích từ tập 2 series podcast The Human Voice (trong khuôn khổ Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize 2024). 

 

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 1.

Thưa anh Huy, bão Yagi - cơn bão lịch sử - khiến nước ta chịu tổn thất vô cùng nặng nề. Khoan nói đến mất mát to lớn nhất là tính mạng con người, chỉ nhìn những ngôi nhà bị đánh sập, tàu thuyền vỡ nát… tôi đã cảm thấy rất đau xót. Là chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, anh nghĩ có cách gì thay đổi cục diện này?

TS Huy Nguyễn: Trước khi nói về thiệt hại do bão Yagi gây ra, chúng ta phải nhìn nhận ở góc độ nào đó, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai. 

Cùng cấp độ với Yagi, cơn bão Nargis năm 2008 gây hậu quả khủng khiếp ở Myanmar, khiến hơn 138.000 người chết và mất tích. Bão Katrina (năm 2005) ở Mỹ cũng chỉ mạnh cấp 2 khi đổ bộ vào đất liền, nhưng đã hơn 1.300 người thiệt mạng (theo thang đo Saffir–Simpson - thang đo bão 5 cấp).

Ngay sau khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và nắm được con số thiệt hại sơ bộ, tôi từng viết một bài báo tự tin chúng ta đã chiến thắng thiên tai, giảm thiệt hại về nhân mạng ít nhất có thể rồi gửi đến một tòa soạn nổi tiếng. Nhưng ngay sau đó, tôi đã kịp báo toà soạn “phanh” gấp, không đăng tải nó ngay khi phát hiện Yagi đem theo quả bom nước, sắp dội thẳng xuống miền Bắc.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 2.

Nhắc tới thiệt hại về tài sản thì đúng như bạn nói, khi nhìn hàng nghìn phương tiện chìm ngập trong nước lũ; những con tàu trị giá hàng chục tỷ vỡ nát… có lẽ, bất cứ ai cũng đều cảm thấy trùng xuống. 

Tại Quảng Ninh, có tới 269 tàu, thuyền bị sóng đánh chìm ngay tại bãi neo đậu. Đến giờ, hầu hết chúng vẫn nằm im ven bờ vì chủ tàu không đủ khả năng trục vớt, do kinh phí lên tới vài trăm triệu đồng, chưa kể tiền sửa chữa. Chuyện đó có ai ngờ! Làm sao ngư dân nghĩ được thuyền của mình bị sóng đánh vỡ ngay tại nơi tưởng như là an toàn. 

Trong bão Yagi, tôi đưa ra dự báo rất sớm từ ngày 3/9 là sóng biển ngoài khơi sẽ cao tới 9m, gần bờ cao 5,5-6,5m. Nếu như chủ tàu nhận định được sóng biển ven bờ cao như vậy, thuyền của họ chắc chắn sẽ không an toàn ngoài bãi neo đậu, họ sẽ có 3-4 ngày di chuyển đến vùng biển khác, chẳng hạn chạy về miền Trung hoặc đi vào các nhánh sông trong đất liền. Như vậy, các con thuyền sẽ được cứu!

Nhưng lỡ các con tàu chạy vào miền Trung xa những 500km, tốn dầu, tốn thời gian mà nếu sóng biển không cao như anh dự báo thì sao?

TS Huy Nguyễn: Đúng! Và đó là khoảng cách giữa việc dự báo, tiếp nhận thông tin, đánh giá rủi ro để ra quyết định then chốt. Tôi nghĩ nếu có thông tin đúng, các chủ tàu sẽ biết cách tốt nhất để bảo vệ tài sản của mình. 

Tất nhiên, tài sản như tàu, thuyền không dễ cất giấu. Hơn nữa, khi bão vào sẽ có lệnh cấm biển, mọi tàu, thuyền không được phép ra khơi. Nếu tôi là chủ tàu, thấy bãi neo đậu này không đủ an toàn, muốn rời tài sản đến cảng khác thì đó là quyết định cá nhân, nhưng vì lệnh cấm biển nên đâu thể đi được? 

Vì vậy, việc đưa ra quyết định dựa vào đánh giá rủi ro phải đủ sớm. Chúng ta cũng cần sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan dự báo đến người ra quyết định với quy mô lớn, và người có quyền quyết ở quy mô nhỏ. Tốt nhất, tất cả nên tuân theo cùng một kịch bản. Như vậy, công tác ứng phó mới trơn tru.

Câu hỏi nếu sóng biển không cao như dự báo và rủi ro không xảy ra… thì sao? Quá tốt rồi! Cho dù người dân có phải mất tiền và công sức sơ tán tài sản của họ tới nơi an toàn, nhưng trong thiên tai, phòng bao giờ cũng hơn chống!

Có lẽ chúng ta cần có những dự báo chi tiết hơn. Ví dụ nếu dự báo sóng biển cao như vậy thì nên kèm theo khuyến cáo là tàu thuyền có thể bị chìm ngay ở bãi neo đậu. Để dự báo chi tiết như thế, theo anh có khó không? 

TS Huy Nguyễn: Tôi nghĩ chuyện đó không dễ. Bởi vì tính bất ổn định của hệ thống khí hậu khiến các cơn bão thay đổi đường đi và cấp độ bất thường, và việc ra các bản tin chi tiết về mặt dự báo là rất khó. Ở chừng mực nào đấy, chúng ta chỉ có thể cung cấp bản tin dự báo đúng nghĩa là dự báo. Mọi người nghe tin với sự cảnh giác thì mong rằng họ sẽ quyết định đúng. 

Nhưng đúng là dự báo rất cần dùng ngôn ngữ phổ thông hơn, giúp ai cũng có thể hiểu được. Chẳng hạn, một người mới thuê trọ gần sông Hồng làm sao hiểu khái niệm nước sông đạt mức báo động 3 nghĩa là gì? Trước đó, anh ta đâu có trải nghiệm gì về chuyện này. Đi kèm thông tin đó, chúng ta nên nói rõ điều ấy có nghĩa là nhà của người dân ở các khu vực A, B, C sẽ bị nước dâng cao bao nhiêu centimet, hay bao nhiêu mét. Những thông tin cụ thể như thế sẽ giúp người dân nhận diện và đánh giá đúng rủi ro.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 3.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 4.

Qua những gì anh nói, tôi thấy để ra quyết định đúng, chúng ta rất cần có thông tin. Nhắc tới điều này, tôi chợt nhớ đến câu chuyện anh từng kể là vì thiếu thông tin, anh bị mắc kẹt trong tình thế nguy hiểm ở trận lụt lịch sử tại Huế năm 1999. 

TS Huy Nguyễn: Năm ấy, tôi khoảng 20 tuổi, sống tại khu tập thể Triệu Quang Phục gần trường ĐH Nông Lâm Huế. Chúng tôi có 4 thanh niên ở chung nhà cấp 4 cũ lợp mái ngói, nằm trong một con ngõ nhỏ. 

Nước lên nhanh chóng mặt! 8h bắt đầu dâng thì 9h đã quá cổ người lớn. Khi thấy nước lũ màu vàng đục, người dân biết thượng nguồn đổ về nên gọi nhau sơ tán. Quanh đấy chỉ có duy nhất 2 ngôi nhà cao tầng. Vì là thanh niên nên chúng tôi được kêu gọi hỗ trợ người già, trẻ nhỏ. Chúng tôi cho trẻ con vào trong những cái nồi nấu bánh chưng rất to để di chuyển đến các nhà cao tầng.

Sau khi đưa người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn, một bạn trong nhóm đã ở lại đó. 3 người quay về chỗ ở cũ. Vì lụt quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp vơ vội mấy gói mì, lon sữa ông Thọ và leo lên gác xép khi nước đã ngấp nghé chỗ này.

Trời tối, điện mất. Hồi đó làm gì có điện thoại di động! Chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Nỗi lo lắng dâng tới tột cùng vì đói, rét và mù tịt thông tin. Không ai biết trời sẽ mưa đến bao giờ và nước còn dâng cao nữa hay không. Chúng tôi ngồi chờ đợi, hy vọng…

Bởi vì chúng tôi hoàn toàn không nắm được thông tin. Ở thành phố mưa không nhiều mà chủ yếu trên thượng nguồn nên chúng tôi rất bị động.

Sau này khi tra cứu lại số liệu thuỷ văn, tôi mới biết, chỉ trong vòng 1 tuần, lượng mưa ở Huế bằng cả năm cộng lại, khoảng 2.700mm. Có nơi mưa chỉ 2 ngày đã đạt 2.200mm. Mưa rất lớn ở vùng núi Nam Đông và A Lưới. Hơn 20 năm qua, Huế có rất nhiều trận lụt khác nhưng chưa bao giờ đạt ngưỡng kỷ lục như đầu tháng 11/1999. Cùng với lượng mưa đó, hầu hết lưu lượng nước các con sông tại Huế đều tạo ra một đỉnh lũ lịch sử mà cho tới bây giờ, chưa có năm nào chạm tới cột mốc ấy, theo số liệu về thuỷ văn.

Rất may, tôi đã không ở một mình khi bị kẹt trong nước lũ. Tôi nghĩ bất cứ ai nếu chỉ đơn độc thì đều rất khó vượt qua.

Và rồi làm thế nào anh thoát khỏi tình trạng nguy cấp ấy…

TS Huy Nguyễn: 2 ngày sau, nước dâng cao hơn, ướt hết gác xép. Chúng tôi phải đục mái nhà ngoi lên. Cả nhóm đã cạn kiệt thức ăn nên đành liều bơi đến nhà người quen cách đó 1km. Ra đến đường Lê Huân có khá nhiều cây xanh, chúng tôi cứ bơi một đoạn lại nép vào thân cây để nghỉ. Nhưng khi nhìn lên cây thì khủng khiếp… đầy rắn và chuột trú trên đó. Quá nguy hiểm, quá sợ hãi… nhưng chúng tôi không còn lựa chọn.

Đến khi nước rút, chúng tôi mới biết ngay tại văn bia Quốc học, trước cổng trường Quốc Học Huế chính là nơi tập kết rất nhiều thi thể nạn nhân. Nghĩ lại, chúng tôi thấy may mắn vô cùng vì đã làm liều nhưng không phải chịu nạn, mặc dù cũng đã có lúc rơi vào lằn ranh giữa nguy hiểm và an toàn.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 5.

Là một chuyên gia và bản thân từng bị mắc kẹt trong thiên tai, mà theo tôi biết là không chỉ một lần, anh nghĩ để thoát nạn trong mưa bão, lũ lụt có khó không?

TS Huy Nguyễn: Chuyện đó không khó nếu chúng ta nhận đủ thông tin dự báo, đánh giá đúng rủi ro và ra quyết định chính xác. Tất nhiên là phải không có các sự cố bất thường.

Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì năm 2011, khi tôi đang làm việc tại Nhật Bản thì thiên tai khủng khiếp xảy ra. Trên địa bàn rất rộng, động đất đã phá huỷ hết hạ tầng. Ngay sau đó, sóng thần ập tới. Rất nhiều người ở nơi có động đất không nhận được cảnh báo sóng thần do mạng lưới điện và viễn thông bị tê liệt.

Người Nhật được giáo dục rất kỹ về cách ứng phó với các tình huống khẩn cấp từ lúc còn nhỏ, ở cấp học phổ thông. Nếu đơn thuần chỉ có bão, lụt, có lẽ họ sẽ không cần huy động tới 500.000 quân nhân. Hệ thống cảnh báo của nước Nhật cũng thuộc dạng hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng không thể giúp người dân thoát khỏi thảm hoạ quá lớn.

Còn với những thiên tai liên quan đến bão và lụt, mọi người hoàn toàn có thể sơ tán để tránh rủi ro. Với bão, chúng ta có thể dự báo xu hướng trong khoảng 7-10 ngày. 3 ngày trước khi bão đổ bộ đất liền đã có thể dự báo chính xác ít nhất khoảng 70% về cấp độ bão, lượng mưa, hướng di chuyển…. Với khoảng thời gian dài như vậy, theo tôi, người dân ở vùng chịu ảnh hưởng thiên tai cho dù có đi bộ để sơ tán cũng sẽ vẫn an toàn. 

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 6.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 7.

Có lẽ cũng không cần đến 3 ngày đâu vì tôi biết ở thôn Kho Vàng (Lào Cai), 115 người đã thoát chết trong gang tấc chỉ nhờ một quyết định đúng của trưởng thôn, anh Ma Seo Chứ.

TS Huy Nguyễn: Đúng vậy. Và tôi dám nói: không một chuyên gia nào dù có giỏi cách mấy có thể làm thay anh Chứ một cách kịp thời, đúng đắn như vậy. 

Lúc đó, trong cùng thời điểm, nước ta có tới 26 tỉnh, thành phải chịu cảnh đa thiên tai. Việc giao quyền tự quyết và chỉ đạo tại chỗ vô cùng quan trọng. Người đứng đầu đơn vị hành chính nhỏ nhất, có thể dựa vào kinh nghiệm, kiến thức bản địa phối hợp với các bản tin dự báo để ra quyết định. Đây là cách làm nên được khuyến khích, nhân rộng.

Chắc chắn không phải nơi nào cũng may mắn như làng Kho Vàng khi trưởng thôn nhận diện nguy cơ sạt lở rất chính xác. Tôi còn nhớ anh từng chia sẻ trên Facebook rằng sạt lở là dạng thiên tai rất khó cảnh báo. Vậy có cách gì để cung cấp thông tin giúp người dân ra quyết định?

TS Huy Nguyễn: Theo kinh nghiệm theo dõi mưa cực đoan và sạt lở nhiều năm, ở phía Bắc, nếu có mưa liên tục 250mm trở lên trong vòng 2 ngày và tiếp sau đó bị kích hoạt bởi đợt mưa chỉ từ 50-60mm trong vòng 1-2h thì nguy cơ sạt lở sẽ xảy ra. Các khu vực nguy hiểm là nơi có ta luy dương, ta luy âm, các quả đồi…

Chỉ với chưa đến 100 triệu đồng, chúng ta có thể xây dựng được các trạm đo mưa tự động gắn với thiết bị cảnh báo bằng loa. Hệ thống này sẽ ghi nhận lượng mưa trong vòng 3-4 ngày và tự động phát loa tiếng Việt hoặc tiếng địa phương giúp người dân sơ tán kịp thời. Nếu họ không sơ tán ngay, thì ít nhất cũng như làng Kho Vàng, sẽ khảo sát, đánh giá địa hình và ra quyết định đúng.

Tôi từng làm tư vấn cho một công ty du lịch nổi tiếng ở phía Bắc. Họ đã áp dụng giải pháp này khi khai thác du lịch ở một con suối. Nếu nước dâng và có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét… còi báo động sẽ vang lên giúp nhân viên, du khách kịp thời sơ tán. Từ nơi nguy hiểm đến chỗ an toàn chỉ mất 1-2 phút đi bộ, trong khi điểm đặt hệ thống ở tít trên thượng nguồn, cách rất xa vùng có nguy cơ. Như vậy, lũ có về nhanh tới đâu, người dân vẫn rất rộng thời gian để chạy thoát.

Hoặc ở Bình Định, họ cũng dùng hệ thống này đặt ở thượng nguồn giúp cảnh báo cho vùng hạ du là TP Quy Nhơn. 

Bằng công nghệ, chúng ta giải quyết rất gọn phần đưa thông tin. 100 triệu đồng không nhiều, vấn đề phải có mật độ đủ dày.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 8.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 9.

Làm thế nào để khắc phục hậu quả thiên tai nhanh nhất cũng rất quan trọng. Tôi biết anh đã tham gia 5 nhóm ứng phó với tình huống khẩn cấp để hỗ trợ các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Xin anh chia sẻ kỹ hơn câu chuyện này!

TS Huy Nguyễn: Đó là các nhóm độc lập và tôi tham gia như một người giúp kết nối nguồn lực, hướng dẫn họ về mặt kỹ thuật.

5 nhóm đó bao gồm: Nhóm đánh giá thông tin hiện trường (giúp tiếp nhận thông tin nơi cần giúp đỡ và xác minh); Đường dây nóng cứu hộ (theo tôi biết có khoảng 500 tình nguyện viên hỗ trợ nghe điện thoại…); Cung cấp các tình nguyện viên chuyên nghiệp (được thành lập ngay từ khi cơn bão số 3 bắt đầu lớn. Ban đầu, nhóm gồm các tình nguyện viên từ Huế, Quảng Bình với 250 người và được Đường sắt Việt Nam hỗ trợ di chuyển miễn phí ra phía Bắc); Công nghệ (IT) giúp hỗ trợ lọc tin giả, tin cũ; Huy động nguồn lực, điều phối, sắp xếp kết nối nguồn lực với nơi cần hỗ trợ…

Trong 5 nhóm này, tôi đánh giá cao nhất vai trò của nhóm IT vì trong thiên tai, nguồn tin khá hỗn loạn. Cùng một thời điểm, tôi liên tục nhận được tin có 500 học sinh tại Yên Bái bị đói suốt 2 ngày, cần cứu trợ ngay lập tức nhưng khi tôi nhờ Công an tỉnh xác minh thì chuyện đó hoàn toàn không xảy ra. Tin tức lan truyền trên mạng xã hội nhanh như điện, nếu không kiểm soát tốt, bức tranh thảm hoạ có thể bị thổi bùng lên rất kinh khủng. 

Ở một khía cạnh khác, nguồn tin không phải tin giả nhưng dễ bị thổi phồng thành một thảm hoạ quy mô lớn. Chẳng hạn có một gia đình mắc kẹt ở một vùng thấp trũng. Họ đăng tin lên một nhóm Zalo hay Facebook. Nhóm này lại có khoảng 1000 người copy nguồn tin đăng lại và như vậy nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ nghĩ thảm họa đang diễn ra kinh hoàng. 

Với 5 nhóm như vậy, cá nhân anh khi kết nối các nguồn lực có gặp khó khăn hay sức ép vì những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng hay không?

TS Huy Nguyễn: Với 5 nhóm, công tác cứu trợ được thực hiện kịp thời, trơn tru, giảm chồng chéo. Tôi nghĩ 5 nhóm đã phần nào hỗ trợ tốt cho lực lượng tại chỗ. Vừa qua, chính tôi cũng lần đầu tiên trải nghiệm việc kêu gọi hỗ trợ địa phương có thể gần như ngay lập tức được đáp ứng. 

Tuy nhiên đúng như bạn nói, chuyện bị vướng vào những góc nhìn xung đột là khó tránh. Ví dụ, khi một xã với 8.100 người bị cô lập ở một vùng lụt ven sông trong 2 ngày không thể tự nấu ăn, tôi đã xác minh thông tin và đưa lên trang cá nhân. Chỉ 5 phút sau, tôi nhận đủ nguồn lực. 

Ngay sau đó, một chị gọi điện chia sẻ với tôi rằng: “Em có bị điên không! Dân vùng đó rất giàu, có thiếu gì đâu mà phải cứu trợ? Nếu thực sự cần cứu trợ thì tại sao phải kêu gọi bên ngoài khi địa phương vẫn còn đủ nguồn lực. Chính chị cũng đang cung cấp tại chỗ để hỗ trợ 8.100 người bị lũ chia cắt giai đoạn đó”.

Sẽ có những cách nghĩ trái chiều, nhưng tôi chỉ cố gắng tối ưu hoá việc vận hành của một khu vực bị lũ chia cắt. Đó là cung cấp bếp nấu, chất đốt, lương thực, các con thuyền nhỏ… giúp họ tự nấu ăn, tự giúp nhau và không cần nhận cứu trợ hàng ngày.

Nói đến nguồn lực xã hội, chúng ta không thể bỏ qua sức mạnh của các doanh nghiệp. Theo anh, họ có thể làm gì để thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc và cùng đất nước xây dựng nguồn lực ứng phó với thiên tai?

TS Huy Nguyễn: Thứ nhất, Chính phủ đang muốn xoá nhà tạm toàn quốc trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Doanh nghiệp có thể kết hợp với những chương trình như vậy để làm luôn nhà chống sạt lở, chống bão, chống lụt. 

Chuyện này Dự án Nhà chống lũ đã làm nhưng với nỗ lực của một tổ chức đơn lẻ trong vòng hơn 10 năm gần đây, họ mới xây được hơn 1.200 căn nhà. Đó là con số lớn, nhưng so với thiệt hại một trận bão khiến hơn 200.000 căn nhà hư hại thì vẫn còn quá nhỏ.

Thứ hai, chúng ta có thể đầu tư các trạm đo mưa tự động kết hợp cảnh báo mà tôi đã nói. Những đầu tư này đã có nhưng rất cần mạnh hơn nữa.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 10.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tự mỗi gia đình cần có cách tiếp cận khác khi xây dựng nhà cửa. Tôi từng nghiên cứu nhà chống bão ở Luzon (Philippines). Đây là nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai và cách họ xây nhà hoàn toàn khác với chúng ta. Mái tôn có những cái vít để cố định theo tiêu chuẩn cụ thể, khi gió thổi rất khó bị bay. Tôi nghĩ đây là chuyện đáng đầu tư vì bay một mái tôn không chỉ mất cái mái nhà mà quan trọng hơn, mái tôn đó có thể gây nguy hiểm tính mạng, tài sản cho người khác, chưa kể với mỗi gia đình, bên dưới mái nhà là biết bao tài sản.

Bài báo bị "phanh" gấp sau bão Yagi của chuyên gia Huy Nguyễn và giải pháp giúp người dân đi bộ cũng thoát hiểm - Ảnh 11.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024.

  1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
  2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:

PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực.

Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok.

Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Chia sẻ