Bác sĩ tiết lộ 3 việc người trẻ cần làm thêm để phòng tránh nhồi máu cơ tim
Hậu quả liên quan đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ mang lại cho bệnh nhân và xã hội là vô cùng lớn.
Xu hướng bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do lối sống không lành mạnh như: chế độ ăn uống không cân đối, nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, stress, và thiếu vận động. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tình trạng béo phì, tăng huyết áp, và đái tháo đường cũng đóng vai trò quan trọng. Việc nhận thức về sức khỏe và tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, cũng như duy trì một lối sống lành mạnh, là rất cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Dưới đây là những chia sẻ của ThS. BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trung tâm can thiệp tim mạch, BVĐK Hồng Ngọc Phúc Trường Minh về căn bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi.
Nhồi máu cơ tim ở người trẻ
Nói đến nhồi máu cơ tim hay bệnh tim mạch, người ta thường nói là bệnh của người cao tuổi, bởi vì càng cao tuổi, yếu tố tim mạch càng cao. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề nhồi máu cơ tim được nhắc đến nhiều trong các tài liệu y học, báo cáo khoa học... Ở Việt Nam, tình trạng người trẻ bị nhồi máu cơ tim cũng đang là thực trạng báo động. Hậu quả liên quan đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ mang lại cho bệnh nhân và xã hội cũng lớn hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim ngày càng phổ biến ở người trẻ
Nhồi máu cơ tim ở người già đa phần là cộng hưởng của tuổi tác kèm theo sự bào mòn của bệnh tật, cùng với các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống như tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc...
Còn với người trẻ tuổi, nhồi máu cơ tim thường gặp ở 3 nhóm: (1) Nhóm có tổn thương xơ vữa động mạch vành, (2) nhóm có tổn thương bất thường cấu trúc mạch vành do các bệnh lý tim mạch bệnh nhân mắc từ bé như kawasaki (một tình trạng viêm mạch), (3) nhóm có rối loạn đông máu.
Đặc biệt, ở người trẻ bị nhồi máu cơ tim đa phần là do có lối sống thiếu khoa học, áp lực và stress trong công việc, cuộc sống, lạm dụng chất kích thích, ít vận động, thức khuya...
Biện pháp phòng tránh nhồi máu cơ tim ở người trẻ
Đối với người trẻ, ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tim mạch nếu có như rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường... thì cần chú ý một số vấn đề chính nữa như sau:
1. Tránh, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, cigar
2. Tránh lối sống tĩnh tại, cần rèn luyện, vận động để tránh thừa cân
3. Tránh stress, căng thẳng kéo dài...
Theo BS Nguyễn Văn Hải để dự phòng bệnh tim mạch, dù là ở độ tuổi nào thì cũng cần thăm khám tim mạch thường xuyên 1-2 lần/năm. Nếu đang mắc bệnh tim mạch, bạn cần thăm khám hàng tháng. Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, cần thực hiện sàng lọc và đánh giá cận lâm sàng sớm giúp loại trừ nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp.