Bác sĩ tâm thần pháp y mô tả cảm giác hành khách bên trong tàu ngầm Titan đang phải trải qua
Lực lượng cứu hộ đang gấp rút chạy đua với thời gian để tìm Titan và cứu các hành khách bên trong. Bác sĩ tâm thần pháp y Sohom Das nói rằng vẫn còn hy vọng tìm thấy họ nhưng tình hình thực tế đang không khả quan.
Tờ Daily Mail ngày 22/6 cho biết các đội cứu hộ đã được huy động tối đa và đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm con tàu lặn Titan mất tích cùng 5 người. Nó đã biến mất vào ngày 18/6 khi lặn xuống đáy biển thám hiểm xác tàu Titanic nằm ở độ sâu gần 4.000m dưới bề mặt đại dương.
Các cuộc tìm kiếm bằng phương tiện điều khiển từ xa (ROV) đã được triển khai tại khu vực mà máy bay Canada phát hiện ra tiếng ồn dưới đáy biển hôm 20/6.
Theo Tiến sĩ Sohom Das, một bác sĩ tâm thần pháp y người Anh, những người ngồi trên tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions vẫn có hy vọng sẽ được cứu nhưng mỗi giây phút trôi qua, tình hình càng trở nên xấu hơn.
Trong số các vị khách trên tàu lặn Titan có tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding (58 tuổi) và doanh nhân người Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood (48 tuổi) cùng cậu con trai 19 tuổi Suleman của ông. Nhà thám hiểm người Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi) và Stockton Rush, người sáng lập và giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions, cũng được cho là có mặt trên tàu.
Bác sĩ Das nói với MailOnline: “Tôi nghĩ chắc hẳn họ đang trong tình trạng rối loạn cảm xúc dữ dội. Họ chắc hẳn đang hy vọng sẽ được cứu thoát. Nhưng tôi nghĩ khi thời gian trôi qua, hy vọng dần tắt".
Bác sĩ của NHS cho biết những hành khách bị mắc kẹt sẽ có nhiều phản ứng khác nhau đối với tình huống của họ và "phản ứng, cảm xúc của họ có thể thay đổi theo thời gian".
"Vì vậy, tại một số thời điểm, họ sẽ suy ngẫm về cuộc sống của mình khi họ thực sự nghĩ đến cái chết và tại những thời điểm khác, họ có thể cảm thấy cực kỳ hoảng loạn, cực kỳ lo lắng", ông nói.
Chiếc tàu lặn nhỏ, dài 6,7m chỉ đủ chỗ cho 5 hành khách. Không có chỗ ngồi và chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất có rèm che để đảm bảo sự riêng tư. Con tàu khởi hành vào khoảng 12 giờ trưa (theo giờ GMT) vào sáng 18/6 nhưng mất liên lạc với tàu mẹ ngay sau đó trong chuyến lặn kéo dài 2 giờ tới vị trí xác tàu Titanic.
Titan được cho là có đủ oxy cho 5 người trong 96 giờ. Theo ước tính của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, thời hạn cuối cùng khi không khí trong tàu lặn cạn kiệt là 10 giờ sáng 22/6 (giờ GMT) - hiện chỉ còn chưa đầy 24 giờ nữa.
Cựu chiến binh Hải quân Pháp PH Nargeolet (trái) được cho là cũng tham gia cuộc thám hiểm, cùng với Stockton Rush (phải), Giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions.
“Họ sẽ phải chịu các triệu chứng thể chất”, bác sĩ Das nói. “Từ thở gấp, cảm thấy chóng mặt đến đau ngực. Họ sẽ bị choáng ngợp về mặt cảm xúc khi cố gắng nắm bắt những gì đang xảy ra với họ. Tôi tưởng tượng rằng không ai trong số họ mắc chứng rối loạn sợ ngột ngạt. Nếu không thì họ đã không ngồi được ở đó ngay từ đầu".
"Nhưng tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng bản chất căng thẳng, ngột ngạt của kịch bản mà họ gặp phải khi họ nắm bắt được khả năng mất mạng sẽ chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng chung và cảm giác lo lắng".
Một tia hy vọng nhỏ đã xuất hiện khi âm thanh được lực lượng cứu hộ nghe thấy từ dưới đáy đại dương vọng lên, cho thấy con tàu đang cố gắng báo hiệu. Tuy nhiên, con tàu vẫn chưa được xác định vị trí.
Theo CNN, hôm 21/6, Đại úy Hải quân David Marquet, một cựu thuyền trưởng tàu ngầm, đã mô tả những gì ông tưởng tượng về 5 hành khách đang trải qua trong tàu lặn Titan.
David Marquet cho biết ông cho rằng các hành khách đang khát và đói, nhưng điều đó "có lẽ sẽ không giết được họ. Nếu còn sống, họ có thể sẽ rất khó chịu".
"Họ đang lạnh cóng. Toàn bộ vùng nước xung quanh con tàu đều ở mức đóng băng hoặc thấp hơn một chút. Khi họ thở ra, hơi thở của họ ngưng tụ lại. Có sương giá ở bên trong các bộ phận của tàu ngầm. Tất cả họ đang ngồi túm tụm lại với nhau để cố gắng giữ nhiệt độ cơ thể. Họ đang cạn kiệt oxy và đang thở ra khí carbon dioxide".
Ông David nói với CNN rằng tàu lặn có "khả năng hạn chế" trong việc hấp thụ khí carbon dioxide mà con người thở ra. Lượng khí này ở mức cao có thể gây đau đầu, lú lẫn và buồn nôn.
Ông nói thêm: "Oxy, carbon dioxide và sự đóng băng là 3 yếu tố họ phải cân bằng càng lâu càng tốt để cho lực lượng cứu hộ thêm thời gian".