Bác sĩ nhắc nhở 6 món hải sản có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng
Hầu hết các ký sinh trùng đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vì vậy, chúng dễ dàng ẩn nấp trong thực phẩm chúng ta ăn uống hằng ngày và gây ra bệnh tật.
Bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa Vũ Văn Kiệt (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, các món tươi sống hoặc tái tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng cho con người. Đặc biệt là các món thịt, cá sống nhưng chúng lại được nhiều người yêu thích. Thậm chí, rất nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh các món này nhưng lại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa
Gần đây, ông đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp tương tự. Cụ thể, anh này còn khá trẻ, là người yêu thích ẩm thực và thường xuyên tìm kiếm các nhà hàng mới để trải nghiệm. Trong quá trình đó, anh ta cũng thỉnh thoảng quay lại video hoặc phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội.
Vài ngày trước, anh ta tìm đến bệnh viện nơi bác sĩ Vũ làm việc trong tình trạng buồn nôn, đau bụng và sốt nhẹ.. Ngay khi gặp bác sĩ, anh ta cho biết mình từng bị trào ngược dạ dày và cho rằng lần này cũng vậy. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lại thấy các triệu chứng khác thường giống như bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, y học gọi là mắc bệnh Anisakiasis do giun Anisakis gây ra.
Quả nhiên, kết quả nội soi cho thấy dự đoán của bác sĩ Vũ là hoàn toàn chính xác. Bệnh nhân cũng phải hoảng hốt khi tận mắt nhìn thấy những con giun Anisakis sống đang làm tổ trong bụng mình. Chúng liên tục di chuyển trong dạ dày và tấn công thành ruột, cố gắng chui vào các mạch máu.
Điều tra bệnh sử cho biết, bệnh nhân đúng là có ăn món sashimi gần đây. Tuy nhiên, anh ta không thể tin mình bị nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm vì anh ăn ở một nhà hàng vô cùng sang trọng với giá cả đắt đỏ, đầu bếp và phục vụ đều rất chuyên nghiệp. Hơn nữa, thời gian ăn món đó là từ hơn 1 tuần trước.
6 món hải sản dễ chứa ký sinh trùng và 5 nhóm người cần đặc biệt cẩn trọng khi ăn
Bác sĩ Vũ Văn Kiệt giải thích, Anisakis là một ký sinh trùng nằm trong đường tiêu hóa của động vật biển có vú. Trứng nở thành các ấu trùng bơi tự do trong nước, sau đó bị cá và mực ăn. Người bị nhiễm do ăn thịt các vật chủ trung gian này sống hoặc chưa được nấu chín kỹ.
Hình ảnh nội soi ký sinh trùng Anisakis tấn công thành ruột của bệnh nhân (Ảnh bác sĩ cung cấp)
Loại ký sinh trùng này rất dễ xuất hiện trong hải sản tươi sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Thường dài 1 - 2cm và cuộn tròn trong thớ thịt nên khá khó phát hiện bằng mắt thường. Trong khi món sashimi bệnh nhân ăn hoàn toàn là hải sản tươi sống. Khi xâm nhập vào cơ thể người, Anisakiasis gây nhiễm trùng, dẫn đến đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn mửa. Khi chui vào thành ruột, chúng có thể gây ra phản ứng miễn dịch cục bộ hoặc viêm trong ruột rất nguy hiểm.
Về phương pháp điều trị, Anisakiasis có thể tự khỏi sau vài tuần tùy thuộc vào mức độ hoạt động của chúng và hệ miễn dịch của người bệnh. Nếu chúng gây ra nhiễm trùng hoặc các triệu chứng khó chịu khác, sẽ được tống ra ngoài qua đường tiêu hóa bằng thuốc kê đơn. Nghiêm trọng hơn, có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Với trường hợp của nam bệnh nhân này, các y bác sĩ đã phải thực hiện phẫu thuật nội soi để đưa toàn bộ ký sinh trùng gây hại Anisakis ra ngoài. Anh nằm viện theo dõi thêm khoảng 4 ngày sau đó đã xuất viện trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.
Qua trường hợp này, bác sĩ Vũ nhắc nhở mỗi chúng ta hãy cẩn thận hơn, tốt nhất là đừng nên ăn thực phẩm tươi sống nói chung và hải sản tươi sống nói riêng. Nhất là 6 món hải sản có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao như sau:
- Sashimi.
- Sushi.
- Ceviche (món gỏi tôm hoặc cá phổ biến ở vùng ven biển Trung và Nam Mỹ)
- Tôm, cua ngâm nước tương.
- Cá trích.
- Cá hồi.
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng biện pháp làm lạnh, thậm chí đông lạnh chỉ có thể tiêu diệt côn trùng chứ không phải vi khuẩn, ký sinh trùng. Thậm chí chúng sẽ không chết nếu được bảo quản trong ngăn đá 10 năm ở nhiệt độ âm 80 độ. Vì vậy, chúng ta nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh xa các món có nguy cơ cao kể trên. Đặc biệt là với những nhóm người dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa như:
- Trẻ nhỏ, người già.
- Người mắc bệnh đường ruột, rối loạn tiêu hóa.
- Bệnh nhân cấy ghép nội tạng, bệnh nhân ung thư, đang hóa trị.
- Những người đang dùng kháng sinh hay steroid liều cao.
- Người mắc bệnh gan, tiểu đường.