Bác sĩ nghèo nuôi dạy 5 con thành tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học: Không bí quyết cao siêu, chỉ có 3 nguyên tắc cực đơn giản
Tuy vị bác sĩ bị mọi người coi là thất bại trong con đường học vấn bởi lý do sức khoẻ nhưng ông thành công trong việc nuôi dạy 5 người con trở thành thiên tài.
Trong thời đại ngày nay, giáo dục là vấn đề được ưu tiên hàng đầu tại mỗi gia đình, trường học và xã hội. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ ra "trăm phương ngàn kế" để nuôi dạy con thành đạt, có vị thế trong xã hội. Những gia đình có con là thiên tài, học hành giỏi giang luôn được người khác ngưỡng mộ và nể phục.
Có một bác sĩ nghèo tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã khiến mọi người kính nể khi đào tạo cả 5 người con trở thành tiến sĩ xuất chúng, các nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng.
Vị bác sĩ đó tên Cai Xiaowan, sinh năm 1941. Ông Cai sinh ra trong một gia đình là nông dân, cha mẹ đều làm ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ. Ông nuôi quyết tâm học đại học để có một công việc thu nhập cao, sớm báo hiếu cha mẹ.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, ông đã đạt nguyện vọng, được nhận vào một trường đại học danh giá. Nhưng số phận trớ trêu thay, ông bị tai nạn, buộc phải bỏ học giữa chừng, trở về thôn quê mở một phòng khám tư nhân nhỏ để chữa bệnh cho người dân địa phương.
Nhiều người nhìn vào đều tặc lưỡi nuối tiếc cho một thiên tài có số phận không may mắn. Nhưng ông Cai dù trong hoàn cảnh bế tắc nhất cũng không ngừng hy vọng và luôn giữ tinh thần lạc quan. Về sau, ông lập gia đình và có những người con khôi ngô. Ông dành tâm huyết vào việc nuôi dạy con cái, mong muốn các con thực hiện ước mơ còn dang dở của mình.
Người cha vĩ đại ấy cho rằng: "Thật ra, thiên tài cũng chỉ là người bình thường. Họ thành công bởi đã tìm ra được con đường riêng đúng đắn. Những đứa con sẽ mang đến cơ hội thay đổi số phận của tôi".
Vị bác sĩ có 3 bí quyết dạy con cực kỳ hay
1. Hãy đặt mục tiêu cao cả
Theo ông Cai, điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất là cần đặt mục tiêu lớn cho bản thân. Đừng để những điều nhỏ nhen, tầm thường làm cản bước đi, huỷ hoại tương lai. Ông luôn dạy các con phải có hoài bão, ý chí vươn lên, đừng sống một kiếp người uổng phí.
Vị bác sĩ luôn lấy cuộc đời còn nhiều tiếc nuối để chia sẻ. Đó chính là động lực giúp các con vươn lên trong cuộc sống, viết tiếp những ước mơ dang dở cho cha. Ông luôn nói với những người con rằng, việc học tập là cửa ải gian nan, đầy chông gai. Nếu không đặt mục tiêu tiến lên, không tạo động lực để vững bước sẽ nhanh chóng bỏ cuộc.
Trong xã hội hiện đại, có không ít trẻ lãng phí thời gian, ham chơi. Nhưng nếu phân tích toàn diện, để gây ra hậu quả này là lỗi lớn của cha mẹ không biết dạy con. Họ mắc sai lầm khi không đặt mục tiêu cho con khi chúng còn nhỏ.
Lý tưởng, mục tiêu và khát vọng chiến đấu là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Chỉ có nguồn năng lượng bổ dưỡng này mới giúp chúng ta chạm tay tới thành công.
Những người con của vị bác sĩ nghèo đều nỗ lực tự học là chính. Em út học của anh tư, anh tư học hỏi anh ba, anh cả,… Bằng cách này, các con của ông đã động viên nhau, cùng nỗ lực học tập.
2. Cha mẹ cần làm gương cho con cái
Nhiều cha mẹ thường yêu cầu con phải làm bài tập về nhà hay phụ giúp việc vặt nhưng bản thân lại ngồi vắt chân chơi game, xem ti vi. Có bao giờ cha mẹ đặt câu hỏi vì sao mình lại khắt khe với con nhưng buông thả với chính bản thân?
Để đào tạo 5 người con thành thiên tài, bác sĩ Cai đã nỗ lực trở thành tấm gương sáng cho con. Bản thân ông cũng là một sinh viên xuất sắc nhất trường. Tuy việc học không diễn ra thuận lợi nhưng ông luôn nỗ lực học tập mà không cần ai phải nhắc nhở.
Vị bác sĩ cho rằng việc học là một hành trình theo chúng ta suốt cuộc đời. Ông nhấn mạnh: "Còn thở là còn phải học, học không ngừng nghỉ". Trong thời đại 4.0, kiến thức được cập nhập thường xuyên. Nếu không chăm chỉ khám phá, chúng ta sẽ trở nên lỗi thời, không theo kịp được xu hướng mới.
Trước đây, người ta cho rằng học chỉ để lấy bằng cấp, biến thành bàn đạp tận hưởng cuộc sống an nhàn. Nhưng trong sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng như hiện nay, học tập là một phần không thể thiếu đối với mỗi con người.
Mỗi giai đoạn khác nhau của đời người, chúng ta đều phải tiếp thu kiến thức khác nhau. Chẳng hạn như trẻ tuổi, chúng ta học kiến thức chuyên ngành. Nhưng đến khi lập gia đình, phải học cách chung sống hoà thuận, cách chăm sóc và giáo dục con cái. Đến khi về già, phải học cách chăm sóc sức khoẻ bản thân.
Chiều sâu của cuộc đời không nằm ở việc bạn sống bao lâu, mà trở nên có giá trị khi bạn đã học được những gì, áp dụng thế nào? Mức độ giàu có lúc này chính là kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ.
Các con của vị bác sĩ đều có thành tích học tập nổi bật, có công việc thu nhập tương đối cao nhưng vẫn không quên chăm chỉ rèn luyện. Thói quen tuyệt vời của họ được ảnh hưởng từ người cha vĩ đại của mình.
3. Trau dồi thói quen tự học và phát triển những thói quen tốt
Khả năng tự học sẽ phản ánh một phần tương lai của những đứa trẻ. Việc hình thành thói quen tự học cho con khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Vị bác sĩ nghèo đã làm được điều đó. Ông đã tạo ra một môi trường giáo dục tuyệt vời để các con phát huy tối đa khả năng tự học.
Ngoài ra, để con hình thành tính tự giác, ông đã lập ra thời khoá biểu khoa học để con thực hiện ngay khi con nhỏ. Chẳng hạn, ông quy định các con có khoảng 30 phút để ăn trong mỗi bữa, tập thể dục khoảng 1 tiếng, tắm rửa trong 15 phút và dành 3 tiếng để học tập.
Điều này khiến cả 5 người con của ông được rèn tính tự lập, chủ động, tự giác trong mọi công việc. Giờ nào làm việc nấy, mọi thứ diễn ra nhịp nhàng, có quy củ. Vợ chồng vị bác sĩ chẳng bao giờ phải cáu giận, bực tức và la hét con những chuyện như: Lười học, ham chơi, ăn chậm,…