Bác sĩ chỉ ra những nguyên nhân gây tử vong khi xảy ra cháy: Hầu hết không phải do bỏng

BS Ngô Minh Quân,
Chia sẻ

Cháy nổ trong khu chung cư là một trong những tai nạn đáng sợ, có sức tàn phá khủng khiếp. Rất nhiều điều quan trọng cần biết để bảo vệ tính mạng khi rơi vào tình huống nguy hiểm này.

Vụ hỏa hoạn mới đây xảy ra tại Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) gây thiệt hại nghiêm trọng khiến cộng đồng không khỏi lo ngại về vấn đề an toàn của bản thân cũng như người xung quanh nếu gặp tình huống tương tự.

BÁC SĨ NGÔ MINH QUÂN

Tác giả bài viết

  • Bác sĩ Khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM

  • Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc Trẻ của Bệnh viện

Hầu hết các trường hợp tử vong do hỏa hoạn không phải do bỏng mà là do ngạt khí. Khi ngọn lửa bùng lên bên trong tòa nhà, nó thường sẽ tiêu thụ phần lớn lượng oxy xung quanh, sau đó quá trình cháy sẽ chậm đi. Chính quá trình "cháy chậm" hay "cháy không hoàn toàn" này tạo ra khí độc. Trong đám cháy, bên cạnh việc thiếu oxy thì khí độc nạn nhân có thể hít phải là các sản phẩm cháy, chủ yếu là carbon monoxide, nhưng cũng có thể là xyanua và nhiều sản phẩm độc hại khác.

Kế đến tử vong có thể là do các ảnh hưởng của nhiệt khi tiếp xúc hoặc hít phải khí nóng. Tình trạng này liên quan đến hiện tượng "sốc nhiệt" gây "ngừng tim phản xạ" qua trung gian thần kinh phế vị khi kích thích các đầu dây thần kinh ở họng và thanh quản. Ảnh hưởng của nhiệt và ngạt khí thường nhanh hơn so với ảnh hưởng trực tiếp do ngọn lửa;

Kể cả khi đã thoát khỏi đám cháy và nhập viện. Nạn nhân vẫn có thể tử vong do mất nước, mất cân bằng điện giải, sốc giảm thể tích máu. Các nguyên nhân khác có thể gặp như nhiễm trùng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), suy thận, rối loạn đông máu...

Sơ tán ngay lập tức là phương án hàng đầu. Hãy cố giữ bình tĩnh, càng hoảng sợ thì khả năng mắc sai lầm càng cao. Ghi nhớ các cuộc diễn tập hay sơ đồ an toàn trước khi tiến hành sơ tán. Không có thời gian để lãng phí khi gặp trường hợp cháy nổ ở tòa nhà chung cư. Đừng chờ đợi và xem liệu lửa có lan rộng hay không. Đừng cố tìm kiếm, mang theo các vật dụng mà trì hoãn việc sơ tán.

Từ vụ cháy chung cư mini: Bác sĩ chỉ ra cách bảo vệ an toàn tính mạng khi gặp hỏa hoạn tại khu nhà cao tầng - Ảnh 2.

Cúi thấp xuống và tránh xa khói. Hãy nhớ rằng không khí sạch hơn và mát hơn ở gần sàn và khói có xu hướng bay lên trên. Bạn sẽ dễ thở hơn nếu tiếp tục bò và tránh hít phải khói.

Tránh tất cả thang máy. Đừng nghĩ rằng thang máy là cách nhanh chóng để thoát khỏi đám cháy. Hầu hết các thang máy không có biện pháp bảo vệ chống cháy. Người bị mắc kẹt trong thang máy có thể dễ dàng tử vong do hít phải quá nhiều khói. Hãy sử dụng lối thoát hiểm và cầu thang cứu hỏa hoặc lối ra gần nhất

Nếu bị mắc kẹt không thể sơ tán trong khi ngọn lửa và khói đang lan rộng thì nên đóng cửa lại và cố gắng bịt kín các vết nứt để ngăn khói vào phòng. Gọi cứu hỏa và cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp. Chỉ mở nhẹ cửa sổ nếu bên ngoài không có khói. Treo một đồ vật ra ngoài cửa sổ cũng rất hữu ích để thu hút sự chú ý của lực lượng cứu hỏa. Giữ bình tĩnh cho đến khi lực lượng cứu hỏa đến giải cứu.

Chia sẻ