Bắc Ninh: Trẻ sơ sinh tử vong do thai nhi bị suy thai cấp

Theo TTXVN,
Chia sẻ

Trước thông tin sản phụ Lê Thị Thu, sinh năm 1984, ở thôn Hương Mạc - xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho rằng Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã làm việc tắc trách, gây tử vong thai nhi và phải cắt tử cung của mẹ, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Hội đồng chuyên môn để làm rõ vụ việc.

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Bắc Ninh đã kết luận cháu bé tử vong tại Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn vào ngày 5/11 là do diễn biến xảy ra nhanh, kíp trực đã không tiên lượng được hết các nguy cơ đối với thai nhi bị suy thai cấp. Khi phẫu thuật lấy thai, thai kém, mẹ đờ tử cung chảy máu rất nhiều, kíp trực đã xử lý cầm máu bằng nhiều biện pháp nhưng không kết quả, do đó đã chỉ định cắt tử cung bán phần để cứu mẹ là đúng.

Bắc Ninh: Trẻ sơ sinh tử vong do thai nhi bị suy thai cấp
Bệnh viện đa khoa Từ Sơn. Ảnh: Internet

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh: Vào hồi 14 giờ ngày 4/11/2016, sản phụ Lê Thị Thu nhập viện Đa khoa thị xã Từ Sơn. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định thai 41 tuần 3 ngày, sản phụ Thu có biểu hiện chuyển dạ đẻ lần 3, ngôi đầu, không đau bụng, da môi hồng, không phù; không sốt, huyết áp 110/70mmHg...; tim, phổi không thấy bất thường; cao tử cung 27cm, vòng bụng 90cm, con ước 3300g ± 200g; cơn co tử cung chưa có, tim thai 145lần/phút, cổ tử cung đóng kín, ối còn, ngôi đầu cao. Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, điện tim trong giới hạn bình thường, chỉ có acid uric 529 µmol/l.

Tại bệnh viện, sản phụ được theo dõi sát quá trình chuyển dạ theo đúng quy trình chuyên môn: chạy mornitoring sản khoa 30 phút, theo dõi cơn co tử cung, tim thai 2 giờ/lần. Đến 20h30 phút cùng ngày, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ: cơn co thưa, tim thai rõ 150 lần/phút, cổ tử cung bắt đầu xóa mở, ối còn. Sau đó, sản phụ tiếp tục được theo dõi 1- 1 giờ 30 phút/lần, cuộc chuyển dạ diễn biến bình thường.

Vào 2 giờ ngày 5/11, sản phụ vỡ ối, nước ối ra nhiều, gia đình báo nhân viên y tế và được khám ngay. Bệnh nhân trong tình trạng tim thai 150 lần/phút, cơn co tử cung 40”/2’ – 3’, cổ tử cung mở 5 cm, ối vỡ hoàn toàn nhiều, màu vàng chanh, đầu cao.

Sản phụ được chỉ định nằm tại bàn đẻ và theo dõi sát bằng mornitoring. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân có cơn co mau dần, sản phụ mệt, được thở oxy qua sonde mũi hỗ trợ. Đến 3 giờ 30 phút ngày 5/11 cơn co tử cung 45”/1-2’, tim thai 130 lần/phút, cổ tử cung mở 8 cm, đầu chúc, có bướu huyết thanh nhỏ, đã được xử trí tiêm giảm co và tiếp tục theo dõi sát tại bàn đẻ.

Khoảng 4 giờ cổ tử cung mở hết, tim thai 150 lần/phút, đầu chúc có bướu huyết thanh to. Đến 4 giờ 20 ngày 5/11, cơn co tử cung là 45”/1-2’, đầu chưa lọt, tim thai biến động chậm 100-120 lần/phút, kíp trực sản mời hội chẩn trực lãnh đạo. Vào 4giờ 30 phút ngày 5/11, hội chẩn thống nhất chẩn đoán: Suy thai cấp, đầu không lọt chỉ định mổ cấp cứu. Đến 5 giờ 5 phút ngày 5/11, kíp mổ lấy ra 1 thai gái nặng 3200g, trương lực cơ nhẽo, trắng nhợt, được chuyển hồi sức sơ sinh tích cực sau 1giờ không có kết quả. Khi phẫu thuật lấy thai, thai kém, mẹ đờ tử cung chảy máu rất nhiều, kíp trực đã xử lý cầm máu bằng nhiều biện pháp nhưng không kết quả, do đó chỉ định cắt tử cung bán phần để cứu mẹ.

Tuy nhiên, trong quá trình tập trung cấp cứu sản phụ và thai nhi, bệnh viện chưa giải thích rõ và kịp thời cho gia đình tình trạng của mẹ và con gây bức xúc cho người nhà và bệnh nhân. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh yêu cầu kíp trực Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn tổ chức họp rút kinh nghiệm chuyên môn, có các hình thức chấn chỉnh, rút kinh nghiêm, khắc phục những tồn tại trong thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật tại đơn vị. Đồng thời, có hình thức xử lý đối với các cán bộ có liên quan đến quá trình chăm sóc, theo dõi và điều trị sản phụ Lê Thị Thu; xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đối với cán bộ tại bệnh viện, nhất là cán bộ làm công tác sản khoa.

Chia sẻ