Bắc Ninh mời chuyên gia đầu ngành về điều tra dịch tễ vụ hàng trăm trẻ mắc sán lợn
Dự kiến vào ngày mai, 18-3, nhận lời mời của địa phương, một đoàn chuyên gia của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương sẽ về huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) để phối hợp xác định căn nguyên khiến hàng trăm trẻ mầm non ở đây bị nhiễm sán lợn gạo…
Sáng Chủ nhật nhưng vẫn có hàng trăm trẻ em ở Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm sán lợn
Chủ nhật, trẻ đến xét nghiệm sán lợn vẫn đông nghịt
Sáng nay, 17-3, dù là ngày Chủ Nhật nhưng hàng trăm phụ huynh từ Bắc Ninh vẫn ùn ùn đưa con tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương xét nghiệm sán lợn.
Bác sĩ Vũ Minh Điền, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tính tới 9 giờ sáng 17-3, đã có hơn 100 trẻ làm xét nghiệm. Còn tại Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đến khoảng 10h sáng nay, đã có 160 trẻ tới khám, xét nghiệm sán lợn.
Lãnh đạo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, đơn vị này đã nhận được đề nghị từ tỉnh Bắc Ninh về việc cử chuyên gia về phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương để điều tra dịch tễ, lấy mẫu nghiên cứu tình hình bệnh lợn gạo ở huyện Thuận Thành để có giải pháp khắc phục.
Dự kiến đoàn chuyên gia của Viện sẽ về Thuận Thành vào ngày hôm nay, 17-3, tuy nhiên do vẫn có rất đông trẻ em từ Bắc Ninh được đưa về Viện xét nghiệm sán lợn nên kế hoạch được lùi lại.
Tính đến hết ngày 16-3, có khoảng 1.500 trẻ ở Bắc Ninh đổ về 2 viện đầu ngành ở Hà Nội để xét nghiệm sán lợn, trong đó đã phát hiện 81 trường hợp dương tính với ấu trùng sán lợn. Đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận ổ dịch có số ca sán lợn lên đến hàng hàng trăm người mắc như vậy.
Trước đó, Việt Nam đã từng phát hiện một ổ hơn 100 người mắc sán lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước vào năm 2018. Khi đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu của 904 người, phát hiện 108 người dương tính sán lợn.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh ấu trùng sán lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có ca bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn.
Mắc sán lợn không quá nguy hiểm, điều trị khoảng 2 tuần
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh có 2 thể chính: Bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh sán trưởng thành ở ruột.
Người dân vây kín trước cổng trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) để phản đối
Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt...
Tại đây, ấu trùng sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà người nhiễm có những biểu hiện khác nhau.
Đối với người mắc bệnh sán trưởng thành, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Cục Y tế dự phòng khẳng định, có thể điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, nhiễm sán lợn không phải là bệnh cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, chính vì thế các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang lo lắng.
Về điều trị, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, bệnh này đã có phác đồ điều trị hiệu quả. Theo đó, nếu để điều trị sán thông thường, thuốc chỉ điều trị một ngày là hết sán. Tuy nhiên, để diệt được trứng thì cần điều trị thuốc khoảng 2 tuần mới hết hoàn toàn.
GS Nguyễn Văn Kính cũng khuyến cáo, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu điển hình, không sốt, do đó nếu để nhiễm sán dài ngày gây ra hậu quả là suy giảm thể lực, rối loạn tiêu hoá, lâu năm trở nên gầy mòn. Vì thế, nếu cha mẹ nghi ngờ con nhiễm sán có thể sắp xếp thời gian để đi kiểm tra và điều trị.
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như: Thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, rau sống không bảo đảm vệ sinh. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn...