Ba vị thuốc đơn giản giảm đau bụng kinh hiệu quả
Đau bụng kinh thường là những cơn đau âm ỉ, đôi khi đau quặn dữ dội rất khó chịu với phụ nữ. Những vị thuốc an toàn từ Đông y sẽ giúp chị em khắc phục chứng đau này.
Đau bụng kinh rất hay gặp ở những thiếu nữ vị thành niên hoặc ở phụ nữ đã lập gia đình. Đau bụng kinh không nguy hiểm vì ai cũng có thể chịu đựng được nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh nào đó.
Do vậy, cần phải điều trị sớm vì để lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thường dẫn đến tâm lý sợ hãi khi mỗi lần đến chu kỳ kinh nguyệt.
Đau bụng kinh có nhiều mức độ, ở một số người chỉ cảm thấy đau âm ỉ ở bụng dưới hay sau lưng, nhiều người khác lại có những cơn đau quặn dữ dội. Đau nhiều nhất vào lúc bắt đầu hành kinh. Cũng có thể kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh là do khí huyết không thông, khí bị cản trở, làm huyết ứ tắc lại mà gây đau. Đông y còn gọi là thống kinh là tình trạng đau bụng vùng hạ vị, thường xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh.
Sau đây là một số vị thuốc và bài thuốc giúp điều trị bệnh này:
1. Cây Ích mẫu:
Còn gọi là Chói đèn hay Sung úy tử, tên khoa học là Leonurus heterophyllus, họ Lamiaceae, dùng toàn cây và hạt để làm thuốc.
Cây Ích mẫu
Theo tài liệu Ích mẫu có chứa tinh dầu, cholin, flavonoit (Rutin), glycosit có nhân sterol, saponin và 15 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Hoạt chất của Ích mẫu có tác dụng trên tử cung, giúp chống máu ứ tích tụ sau khi sinh, (tên ích mẫu có nghĩa là có ích cho người mẹ), huyết áp, tim mạch, hệ thần kinh, rutin trong Ích mẫu còn có tác dụng làm bền thành mạch máu.
Theo y học cổ truyền Ích mẫu có vị đắng, tính mát, tác dụng hoạt huyết khử ứ, sinh tân, điều kinh, lợi thủy, được dùng chữa kinh nguyệt bế tắc, đau bụng kinh, kinh ra quá nhiều, hạ huyết áp. Đối với phụ nữ có thai, Ích mẫu có tác dụng an thai, giảm đau, giúp sinh dễ, tuy nhiên do tác dụng hoạt huyết và kích thích tử cung nên chú ý không được dùng liều cao khi mang thai vì có thể gây sảy thai.
Hạt Ích mẫu có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng bổ can thận, ích tinh sáng mắt, bổ huyết, hoạt huyết và điều kinh. Mỗi ngày dùng 6-12g thân lá hoặc hạt sắc uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc sắc lấy nước rửa chữa bệnh sưng vú, chốc đầu, lở ngứa.
2. Cây Ngải cứu:
Còn được gọi là cây thuốc cứu, tên khoa học Artemisia vulgaris L. họ Asteraceae. Dùng toàn cây trên mặt đất và lá dạng tươi hay phơi khô. Lá phơi khô đem tán nhỏ quấn thành điếu ngải được dùng để làm mồi cứu.
Cây Ngải cứu
Trong Ngải cứu có chứa nhiều tinh dầu (xineol, alpha-thuyen) và ít tanin, tác dụng kích thích và hưng phấn thần kinh.
Theo Y học cổ truyền, Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu, được dùng để trị chứng kinh nguyệt không đều, kinh kéo dài, người mệt mỏi, bụng lạnh đau, đi lỵ, thổ huyết, chảy máu cam, thai động không yên.
Sắc uống 6-12g mỗi ngày khoảng 1 tuần trước khi có kinh, chia 2-3 lần uống trong ngày. Ngải cứu không gây sảy thai vì không có tác dụng kích thích tử cung có thai. Để an thai, dùng lá Ngải cứu 16g, tía tô 16g, sắc trong 600ml nước cô đặc còn 100ml, thêm ít đường cho dễ uống, chia 3-4 lần, uống trong ngày.
3. Cây Hương phụ:
Còn có tên là Cỏ cú, Củ gấu, tên khoa học là Cyperus rotundus L. họ Cyperaceae. Cây mọc hoang khắp nơi, đào lấy củ mang về, khi dùng thì sao cháy hết lông bên ngoài, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, dùng sống hoặc ở dạng Hương phụ tứ chế (tẩm giấm, muối, rượu và đồng tiện rồi sao vàng) hoặc thất chế (như trên thêm gừng, cam thảo, nước vo gạo).
Cây Hương phụ
Hương phụ chứa nhiều tinh dầu cyperol, cyperen có tác dụng ức chế sự co bóp của tử cung làm dịu cơn co tử cung, làm giảm đau trên động vật thí nghiệm.
Theo tài liệu cổ, Hương phụ có vị cay, đắng hơi ngọt, tác dụng giải uất, điều kinh, chỉ thống, chữa ngực bụng trướng đau, ung thủng, khí uất kết không thông, phụ nữ có kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, đau dạ dày, ăn không tiêu, nôn mửa, đau bụng tiêu chảy. Dùng mỗi ngày 6-12g dạng thuốc sắc, thuốc bột.
Bài thuốc hay dùng chữa đau bụng kinh, kinh không đều, khí hư bạch đới gồm có Hương phụ, Ích mẫu, Ngải cứu, lá Bạch đồng nữ (đồng lượng 6gram) thêm 300ml nước, đun sôi nửa giờ, có thể thêm tí đường cho dễ uống, chia 2-3 lần uống trong ngày. Có thể uống trước ngày kinh dự đoán khoảng 10 ngày, sau đó có thể uống liền từ 2-3 tháng, giúp cho khí huyết lưu thông. Nếu rong kinh thì có thể gia thêm vị Cỏ mực (đồng lượng) sắc uống.
Ngoài cách sử dụng các thảo dược như trên, gần đây một số nghiên cứu còn cho thấy việc sử dụng các thực phẩm ít chất béo và nhiều xơ như rau, đậu cũng có thể giúp giảm đau bụng kinh, nên sử dụng thêm vitamin E (có nhiều trong mầm ngũ cốc, giá, rau xanh, dầu hướng dương), uống thêm sữa đậu nành, hạn chế ăn những loại thức ăn gây khó tiêu, nặng bụng, trướng bụng sẽ khiến các cơn đau bụng kinh nhiều hơn.
Các liệu pháp hỗ trợ khác như chườm nóng, nghỉ ngơi, tập thở, thư giãn, tránh lo nghĩ, massage nhẹ vùng bụng dưới cũng có thể làm giảm cơn đau bụng kinh.
Theo DS Lê Kim Phụng
Trường Đại học Y dược TP.HCM
Phụ nữ Online