Bà Trương Mỹ Lan có liên quan gì với Tập đoàn Bitexco?
Bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn thu hồi khoản tiền 7.000 tỉ đồng mà bị cáo từng cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco mượn cách đây 7 năm.
Chiều 1-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử đối với vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2.
Về việc huy động tiền để khắc phục hậu quả cho các trái chủ, bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn thu hồi khoản tiền 7.000 tỉ đồng mà bị cáo từng cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) mượn cách đây 7 năm.
Bị cáo cho biết khi Bitexco đầu tư vào dự án "siêu dự án" One Central – một khu phức hợp rộng 8.600m² đối diện chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM – bà đã cho họ mượn từng đợt vài chục tỉ đồng, đến khi tổng số tiền cho mượn tích lũy đến 7.000 tỉ đồng.
Bitexco cam kết rằng công ty nào tiếp tục phát triển dự án sẽ trả lại số tiền này. Sau đó, một tập đoàn nước ngoài tiếp quản dự án và hứa sẽ trả bị cáo Lan 10.000 tỉ đồng nhưng chưa kịp thực hiện thì bị cáo bị khởi tố trong vụ án này.
Được triệu tập tới tòa, đại diện Tập đoàn Bitexco nói ban đầu Bitexco là chủ đầu tư dự án nhưng sau đó tập đoàn tìm đối tác có tiềm năng để tiếp tục phát triển dự án One Central. Trong quá trình này, chủ tịch Tập đoàn Bitexco có thống nhất với bà Lan giá chuyển nhượng dự án là 22.000 tỉ đồng. Sau khi tìm được đối tác, hai bên ký hợp đồng hợp tác. Trên thực tế, Bitexco đã nhận được 15.702 tỉ đồng tiền chuyển nhượng dự án, trong đó nhận trực tiếp 14.352 tỉ đồng.
Người đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết thêm đến nay Công ty TNHH Saigon Glory là chủ đầu tư duy nhất của dự án tại khu tứ giác Bến Thành này. Dự án này được thế chấp cho 2 khoản vay tại 1 ngân hàng.
Đại diện Tập đoàn Bitexco cho rằng khoản tiền 14.352 tỉ đồng là giao dịch mua bán, thỏa thuận dân sự hợp pháp. Sau khi nhận tiền, tập đoàn này đã sử dụng tiền cho việc đóng thuế cùng các hoạt động khác của tập đoàn.
Đến nay, Tập đoàn Bitexco đã tìm được đơn vị kế thừa, tiếp tục phát triển dự án tại khu tứ giác Bến Thành. Bitexco sẽ chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Saigon Glory sang cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Sau ngày 18-6-2025, công ty mới sẽ tiếp quản dự án và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với trái chủ của 10 gói trái phiếu liên quan.
Người đại diện của Tập đoàn Bitexco cho biết thêm trước đó tập đoàn này đã dùng 3.000 tỉ đồng để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ. Hiện còn 3.500 tỉ đồng nữa.
"Trên tinh thần thỏa thuận giữa các bên, chúng tôi đề nghị công nhận việc nhận tiền là chuyển nhượng hợp pháp. Hiện Bitexco đang bị phong tỏa nhiều tài khoản, tài sản nên mong muốn được giải tỏa để dự án đi vào hoạt động, có nguồn tiền đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên" – người đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết.
Tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thông báo sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH Saigon Glory cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Trước đó, Bitexco đã thế chấp toàn bộ vốn góp tại Saigon Glory cho 1 ngân hàng để làm tài sản đảm bảo cho 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỉ đồng do Saigon Glory phát hành. Các lô trái phiếu này sẽ đáo hạn từ tháng 6-2025 đến tháng 11-2026.
Trả lời HĐXX về ý kiến của người đại diện Tập đoàn Bitexco, bị cáo Lan nói lý do bị cáo cho chủ Tập đoàn Bitexco mượn tiền vì có quan hệ quen biết. Thời điểm đó, bị cáo nghĩ sẽ tìm đối tác để chuyển nhượng và tìm được đối tác ở Singapore vào phát triển dự án.
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, dự án One Central này sẽ mở bán, trả đủ cho Bitexco và Bitexco sẽ trả cho bị cáo 7.000 tỉ đồng tiền gốc cùng 3.000 tỉ đồng tiền lãi.
Bị cáo Lan nói tiếp giao dịch giữa bị cáo và Bitexco là dân sự. Bị cáo nhấn mạnh bị cáo không liên quan dự án, chỉ cho mượn tiền. Do đó, bị cáo đề nghị giải tỏa cho Bitexco.
Sau một buổi làm việc, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa và sẽ tiếp tục vào ngày 4-10.