"Bà nội quốc dân" - NSƯT Lê Thiện hơi buồn khi trượt danh hiệu NSND
“Nói không buồn là không đúng! Nhưng với tôi, danh hiệu quan trọng nhất là chỗ đứng và sự yêu mến của công chúng với người nghệ sỹ. Và điều đó thì tôi đã đạt được khi đi tới đâu, người ta cũng nhận ra tôi, thường gọi tôi bằng cái tên là Bà nội quốc dân”- NSƯT Lê Thiện chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên vào trưa ngày 27/7, NSƯT Lê Thiện cho biết bà cũng mới biết tin về việc không có tên trong danh sách xem xét trao danh hiệu NSND do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề xuất. Tuy có hơi buồn nhưng theo bà, đến thời điểm hiện tại bà vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc này. Bà chỉ nghe một đồng nghiệp thông báo là bà không có tên vì "không đạt 90% số phiếu ủng hộ của hội đồng".
NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện, bà sinh năm 1945 tại Bình Định. Năm 11 tuổi do yêu thích ca hát nên Lê Thiện được nhận vào Đoàn văn công Tổng cục chính trị, biểu diễn khắp các chiến trường miền Nam. Sau khi tập kết năm 1956, Lê Thiện đã vinh dự được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ngày 2/9/1956. NSƯT Lê Thiện nhớ lại khi vào Phủ Chủ tịch, cô bé Lê Thiện đã được Bác Hồ ân cần hỏi thăm về gia đình và cuộc sống. Lê Thiện còn được Bác cho kẹo, căn dặn cố gắng học tập tốt để phục vụ đất nước. Sau đó Lê Thiện còn được dùng cơm trưa với Bác cùng một số vị lãnh đạo. Trước khi chia tay, Bác Hồ còn chụp chung 01 tấm hình với mọi người trong đoàn.
Nhớ lời dặn của Bác, NSƯT Lê Thiện đã cố gắng học tập, rèn luyện các kỹ năng diễn xuất. Từ một diễn viên thiên về tạp kỹ, bà đã học hỏi, rèn luyện để trở thành diễn viên cải lương chuyên nghiệp. Bao năm làm nghề, NSƯT Lê Thiện đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với các vai diễn trong nhiều vở như Rạng ngọc Côn Sơn, Ánh sáng phù du, Thạch Sanh - Lý Thông, Hòn đảo thần vệ nữ, Bao mạch nữ, Dệt gấm, Khuất Nguyên, Mùa xuân…
Năm 1975 khi đất nước thống nhất, Lê Thiện được cử vào công tác tại nhà hát Trần Hữu Trang rồi làm công tác quản lý. Bà từng phụ trách đoàn cải lương xung kích rồi giữ vị trí Phó giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang nhiều năm cho đến khi nghỉ hưu.
NSƯT Lê Thiện từng tâm sự bao năm làm công tác quản lý, bà lựa chọn tạm xa sân khấu để nhường đất diễn cho các nghệ sỹ trẻ. Mãi cho tới khi về hưu, được bạn bè và người thân động viên, bà mới quay lại nghiệp diễn xuất qua vai diễn bà mẹ khó tính trong phim truyền hình 200 tập mang tên “Dù gió có thổi”. Điều bất ngờ là bộ phim đã khiến cho Lê Thiện trở nên nổi tiếng và rất nhiều đạo diễn đã mời Lê Thiện tham gia các bộ phim khác. Với kinh nghiệm suốt mấy chục năm trải nghiệm trong nghề diễn cũng như trong cuộc sống, Lê Thiện đã hoá thân thành nhiều vai diễn đa dạng, từ những bà mẹ hiền lành thương con tới những người phụ nữ khắc nghiệt, khó tính.
Nhiều vai diễn của Lê Thiện đã đi vào lòng khán giả như Vừa đi vừa khóc; Cá rô- Em yêu anh, Thưa mẹ con đi, Phượng Khấu… Rồi Lê Thiện còn thường xuyên được các ca sỹ mời vào vai bà mẹ trong các MV ca nhạc. Nét phúc hậu, tính hài hước lại dễ hoà nhập với giới trẻ khiến nữ nghệ sỹ đã nghỉ hưu trở thành ngôi sao đắt show. Khán giả đã gọi Lê Thiện là “Bà mẹ quốc dân” còn nhiều đạo diễn thì thốt lên “Bà này như một món quà quý sao cất mãi trong kho giờ mới chịu lôi ra vậy?”
Năm 1993 nghệ sỹ Lê Thiện đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Nhưng mãi tới năm 2021, NSƯT Lê Thiện mới có tên trong danh sách phong tặng NSND do Sở văn Hoá - Thể thao TPHCM đề xuất. Đã có nhiều ý kiến thắc mắc là vì sao một nghệ sỹ gạo cội, tài năng và uy tín như Lê Thiện lại mãi không được phong danh hiệu NSND trong khi rất nhiều nghệ sỹ cùng thời đã được phong từ rất lâu?
Nhưng NSƯT Lê Thiện cho biết một nghệ sỹ muốn được phong danh hiệu thì phải có tác phẩm, có vai diễn được nhiều người biết tới. “Khi tôi làm công tác quản lý, tôi đã cùng ban Giám đốc đề xuất cho nhiều nghệ sỹ, diễn viên vào danh sách phong tặng danh hiệu. Nhưng tôi không muốn để tên tôi vào vì làm quản lý, mình có nhiều vai diễn đâu. Đề xuất cho diễn viên để tạo cơ hội cho họ phấn đấu” - NSƯT Lê Thiện nói.
Tuy nhiên dù đã được cấp thành phố thông qua nhưng NSƯT Lê Thiện đã không có tên trong danh sách xem xét trao danh hiệu NSND do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề xuất. Nghệ sĩ chia sẻ: “Các con tôi cũng buồn, nhiều bạn bè của tôi cũng buồn và bức xúc lắm. Có người còn nói tôi hãy làm đơn xin xét lại, nhưng tôi sẽ không làm. Đối với tôi, danh hiệu cao quý nhất của người nghệ sĩ là được nhân dân yêu mến và được cống hiến hết mình với nghề. Nhiều NSND chắc gì đã được nhân dân biết đến họ là ai, sản phẩm của họ là gì?”.
“Ở tuổi gần 80 này, khi bạn bè cùng lứa với tôi có người đã qua đời, có người phải sống trong bệnh tật, vậy mà tôi còn được làm việc, được cống hiến cho nghệ thuật. Đó là hạnh phúc lớn nhất với tôi. Tôi chỉ mong mình còn sức khoẻ để tiếp tục vào các vai diễn khác trong tương lai”, “Bà nội quốc dân”- NSƯT Lê Thiện nói.