Bà mẹ ở Hà Nội review một trường cấp 2: Học phí chưa tới 100k nhưng "đỉnh" từ cơ sở vật chất đến chương trình học, ngoại khóa

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Con chuyển từ môi trường trường tư sang trường công, chị Hằng không khỏi lo lắng. Thế nhưng hết một học kỳ, chị mới thấy lựa chọn này vô cùng đúng đắn.

Khoảng thời gian này năm ngoái, gia đình chị Trịnh Thị Hằng (39 tuổi ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang trong tâm trạng hồi hộp, phân vân vô cùng trong việc chọn trường cho con. Chọn trường cấp 2 vô cùng quan trọng, quyết định theo định hướng nào là phải theo đến hết cấp THPT, vì thế chị càng thêm lo lắng.

Bé Miu (sinh năm 2011) - con chị Hằng cấp 1 học tại một trường phổ thông liên cấp, môi trường rất ổn. Ngoài trường đang học, con có thêm lựa chọn vào trường THCS Archimedes (đã thi và đỗ) nhưng cuối cùng, sau nhiều đắn đo, lựa chọn, so sánh, cả nhà đã quyết định cho Miu vào học trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), một trường công lập gần nhà, cơ sở vật chất khá hiện đại.

Bà mẹ ở Hà Nội review một trường cấp 2: Học phí chưa tới 100k nhưng "đỉnh" từ cơ sở vật chất đến chương trình học, ngoại khóa - Ảnh 1.

Gia đình chị Trịnh Thị Hằng.

"Lúc con vào trường mình cũng lo lắng lắm, vì không biết từ trường tư sang công con có hòa nhập không. Tuy nhiên, trộm vía con sau khi đến trường học mới đã vô cùng nhanh chóng hòa nhập và khi hết kì 1 gia đình mình cùng nhau gật gù "quyết định cho con vào trường là lựa chọn sáng suốt nhất từ trước đến giờ". Con vô cùng yêu quý thầy cô, bạn bè và ngôi trường mới này", chị Hằng chia sẻ.

Là một trong những dự án giáo dục trọng điểm của Hà Nội, trường THCS Trần Duy Hưng được thành lập vào ngày 19/5/2021, có tổng diện tích lên tới 10.654 mét vuông cùng cơ sở vật chất xây mới, khang trang và hiện đại. Trường sở hữu 45 phòng học thoáng rộng, đủ tiêu chuẩn ánh sáng học đường cùng 12 phòng chức năng, 1 phòng đa năng (nhà thể chất).

Chị Hằng đã có những chia sẻ về ngôi trường này, về học phí, chương trình học và các thông tin cần thiết khác để các bố mẹ quan tâm có thể có dễ dàng lựa chọn:

1. Tiền học:

Tiền học phí: Học phí trường công, 78 ngàn đồng/tháng. Các chi phí khác như học 2 buổi, tiền nước uống, chi phí chăm sóc bán trú: 312 ngàn đồng/tháng. Tiền ăn: 35 ngàn đồng/suất.

Tiền bổ trợ: Lớp Gmaths: 320 ngàn đồng/tháng (đối với lớp học Toán Tiếng Anh, 1 tuần 2 tiết); Lớp Tiếng Anh Language link chất lượng cao: ~ 6 triệu/năm/học sinh (65 tiết học); Lớp Tiếng Anh chuẩn đầu ra Cambridge: 1 triệu 760 ngàn đồng/tháng (16 tiết/tháng, 1 tiết 45 phút, thời gian hoàn thành chương trình: 4 năm. Chuẩn đầu ra Tiếng Anh học thuật từ sơ cấp đến Trung cấp). Lớp Cam năm 2022-2023 tổ chức thi và lấy 45 cháu.

Câu lạc bộ gồm: Bóng đá, cầu lông, bóng rổ, võ: 50 ngàn đồng/buổi; Khiêu vũ hiện đại, guitar, Ukulele, mỹ thuật sáng tạo: 70 ngàn đồng/buổi; Stem: 80 ngàn đồng/buổi.

Tiền học phí thu theo tháng, nếu tháng trước nghỉ học, tháng sau được trừ tiền ăn. Trường quyết toán nhanh gọn không bao giờ có chuyện thu tiền của học sinh thừa. Trung bình mỗi tháng nhà chị Hằng đóng tầm 1,6 triệu đồng – 2 triệu đồng tùy thuộc vào việc cháu tham gia CLB nhiều hay ít. Nếu không tham gia CLB thì tầm 1,4-1,5 triệu đồng (bao gồm ăn uống, học hành).

Trường có cơ sở vật chất xây mới, khang trang và hiện đại.

2. Nền nếp và kỉ luật

Theo chị Hằng, 1-2 tháng đầu đi học, nếu con không tự lập và chỉn chu hoặc bạn nào trước đây học trường tư thoải mái, bố mẹ cũng không sát sao thì việc viết bản kiểm điểm cam kết, được giáo viên chủ nhiệm hỏi thăm nhắc nhở là việc hết sức bình thường.

Trường quy định 5 ngày đến trường đều phải mặc đồng phục, đi dép quai hậu hoặc giày. Trường không cho phép học sinh đi học muộn hoặc quên thẻ học sinh (thẻ HS các bạn làm mất nhiều nên kinh nghiệm PH cứ đăng ký cho con 3-5 cái dùng dần). Trường quy định học sinh không trang điểm, không soi gương và dĩ nhiên những điều như sử dụng điện thoại trong thời gian học tập, thuốc lá, điện tử là không thể có.

Cuối cùng mới nhắc đến việc không làm bài tập về nhà, nói chuyện riêng... là những kỉ luật mà trường nào cũng có. Nhưng lỗi này chỉ là cô nhắc nhở học sinh là chính, phụ huynh liên đới không nhiều. Đầu năm các con lớp 6 nhiều bỡ ngỡ và xảy ra những hiểu nhầm không đáng có (dù là nhỏ thôi) cũng được nhà trường sát sao và xử lý nhanh gọn.

3. Học tập

Chị Hằng đánh giá, việc học tập ở trường khá hợp lý, so với lớp chọn của trường chuyên thì nhẹ nhàng hơn. Chương trình vừa tập trung kiến thức cơ bản giúp các con nắm chắc kiến thức và vừa có các dạng nâng cao để cho các bạn phát triển tư duy. Nếu bạn nào nhanh nhẹn thông minh là hoàn thành hết bài trên lớp ngay tại trường. Tối về dành thời gian giải trí.

"Con mình thì thường ham vui, trên lớp hoặc đọc truyện hoặc tám chuyện với các bạn nên bài trên lớp vẫn thường ôm về nhà là chính. Con về nhà học đều 1,5h mỗi ngày (cuối tuần nghỉ) thì thấy điểm cũng ổn, đi học cũng được lọt top ở lớp. So với lớp khác cũng là tương đối.

Học thì không thấy phân biệt môn nào là chính môn nào là phụ. Môn nào cũng đủ các loại bài tập, dự án đủ cả. Hoạt động trải nghiệm, lịch sử, GDCD,… làm việc nhóm, slide không thiếu thứ gì", chị Hằng chia sẻ.

Các môn học Toán, Văn, Anh cũng được các thầy cô quan tâm đặc biệt hơn các môn khác vì dù sao 3 môn học này vẫn là những môn sẽ thi vào cấp 3 trong tương lai. Nếu các con ôn tập trên lớp chưa được đủ, thầy cô vẫn tổ chức ôn luyện cho các con vào buổi tối qua zoom (miễn học phí). Đây là 3 môn học nhà trường tổ chức 4 kỳ thi tập trung đánh số báo danh và giám thị trông thi chặt chẽ (giữa kỳ 1, cuối kỳ 1, giữa kỳ 2 và cuối kỳ 2).

"Học tập các lớp trên không biết có khó hơn không nhưng lớp 6 hiện con mình học mình đánh giá là kiến thức không quá khó, vừa phải trong sách giáo khoa. Có những bài nâng cao hơn 1 chút nhưng điểm cho thường chỉ là 0,5-1 điểm/bài đánh giá (Bài này con mình thường để lại hoặc có làm nhưng bị sai; trộm vía con mình cũng có 1 vài lần được điểm tuyệt đối)", bà mẹ này nhận định.

Theo chị Hằng, nếu con bạn không xuất sắc cũng không quá lo khi vào trường, còn nếu xuất sắc chắc chắn con bạn có cơ hội được thể hiện và được nhấc vào thi đội tuyển trường các môn Toán, Văn Anh để đi xa hơn là các đấu trường lớn hơn. Hiện đội tuyển HSG nhà trường tổ chức cho các khối lớp 8, 9. Tháng 11 năm 2022, khối 9 có 6/40 giải HSG quận. Cả trường có 1 lớp 9 vào giữa chừng nhưng số giải HSG trên tỉ lệ HS là khá cao. Các em có thành tích tốt trong học tập đều được nhà trường tổ chức thường xuyên và quan tâm bằng cách trao thưởng, vinh danh toàn trường.

4. Ngoại khóa và sinh hoạt văn thể mỹ

Mỗi năm các con có 2 lần tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường, ngoài ra các hoạt động khác như Hội chợ Tết, Hội thao, Thi văn nghệ chào mừng các ngày lễ, sự kiện.

Các hoạt động khác như: chào lớp 6, Khai giảng, Tết trung thu, Noel, 20/10, 20/11, tết, hoạt động văn học, giá trị sống, Festival, 8/3, các hoạt động đoàn đội, giải bóng đá, giải bóng rổ... đều vô cùng vui vẻ, hoành tráng và được thầy cô đầu tư nhằm mục đích giúp các con chơi hết mình, yêu thể thao và yêu nghệ thuật nhằm tránh các tệ nạn xã hội dành cho lứa tuổi mới lớn.

5. Cơ sở vật chất, thầy cô và bạn bè

Trường mới, sang xịn. Lớp học có điều hòa, quạt, máy chiếu xịn sò, mới tinh, phụ huynh không phải sắm như các trường công khác. Thư viện, căng tin là nơi các con rất yêu thích, phụ huynh không lo con bị đói nếu sáng chưa kịp ăn sáng ở nhà. "Con mình đợt chọn trường, bạn ấy chạy thẳng vào nhà vệ sinh để kiểm tra, thấy sạch sẽ mới gật gù", chị Hằng nói.

Thầy cô là điểm cộng của trường vì các giáo viên của trường chị Hằng tiếp xúc khá trẻ, nhiệt tình, sát sao với các con. Thông tin, hoạt động của lớp thường xuyên được thầy cô chia sẻ với các phụ huynh.

Bạn bè của con chị Hằng đều là những học sinh ngoan ngoãn, gặp người lớn đều chào lễ phép. Kiến thức có thể khác nhau nhưng sự lễ phép và ngoan ngoãn của học sinh trong trường được chị đánh giá rất cao. Phụ huynh của các con thì hầu hết đều là những người quan tâm đến con và đến lớp. Các vấn đề đều được trao đổi trên tinh thần xây dựng, cùng nhau đóng góp để các con được tốt hơn.

Chia sẻ