Bà mẹ ở Hà Nội bật mí 1 kỹ năng giúp con vừa rèn tiếng Anh vừa nâng cao khả năng tư duy logic
Theo chị Lê Phương Thanh, nếu các bố mẹ có con tầm lớp 3 trở lên và sử dụng Tiếng Anh thành thạo thì rất nên tìm hiểu thêm về hình thức "debate" (tranh biện) để con phát triển tư duy cũng như sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh tốt hơn.
Ngoài là một chuyên gia tài chính, tác giả sách "Tài chính cá nhân cho mẹ Việt", chị Lê Phương Thanh (Hà Nội) còn được biết đến là một bà mẹ đồng hành cùng con tự học ngoại ngữ hiệu quả. Ngay từ nhỏ, bé Thỏ con chị Thanh đã được mẹ vạch ra lộ trình học tiếng Anh thông qua một số công cụ như: Học 1:1 với giáo viên bản ngữ qua Preply; Đọc sách online qua Raz-Kids; Mượn sách tiếng Anh giấy tại thư viện Lotus Community; Xem các kênh tiếng Anh con yêu thích trên Youtube...
Lúc 8 tuổi, Thỏ có thể sử dụng song song 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, giao tiếp tự tin với người nước ngoài, đọc được sách truyện tiếng Anh với trình độ tương đương các bạn bằng tuổi bản ngữ.
Mới đây, tại cuộc thi tranh biện cấp trường, Thỏ đã xuất sắc giành vị trí quán quân. Chị Thanh cho rằng, học và tham gia các cuộc thi tranh biện đã giúp Thỏ nhận được nhiều lợi ích bên cạnh việc phát triển khả năng tiếng Anh. Đây là cơ hội để các em thể hiện quan điểm của bản thân một cách rõ ràng mạch lạc, nâng cao khả năng tư duy logic, lên ý tưởng và phát triển kĩ năng làm việc theo nhóm, tinh thần đoàn kết, tập thể.
Chị Thanh đã có những chia sẻ thiết thực về tranh biện tiếng Anh cũng như những lợi ích của kỹ năng này:
Tranh biện khác thuyết trình
Hiện tại nhiều phụ huynh quan tâm đến việc cho con học tranh biện Tiếng Anh. Trong khi có một số phụ huynh chưa hiểu rõ lắm về hình thức tranh biện (debate) và thường nhầm lẫn với thuyết trình (present). Bản thân chị Phương Thanh trước đây khi chưa tìm hiểu cũng nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
Thuyết trình được hiểu là một người đứng lên sân khấu, trình bày về một quan điểm nhất định nào đó cho người nghe. Tranh biện là dùng lập luận, phân tích để bảo vệ ý kiến cá nhân của mình, thuyết phục người khác tin vào ý kiến của mình đồng thời cũng lắng nghe và tôn trọng ý kiến trái chiều của người khác.
Mặc dù có hình thức tranh biện cá nhân (1 cá nhân giữa 1 cá nhân) nhưng hình thức tranh biện theo nhóm phổ biến hơn cả. Tức là khi có một chủ đề được đưa ra, hai đội sẽ bảo vệ ý kiến riêng.
"Ví dụ chủ đề trong cuộc thi của Thỏ là: "Students have to do chores to earn their pocket money. Do you agree or disagree?" (Học sinh phải làm việc nhà để kiếm tiền tiêu vặt, bạn đồng ý/không đồng ý?). Một đội sẽ bảo vệ ý kiến "Agree (đồng ý)" và đội còn lại bảo vệ ý kiến "Disagree (không đồng ý)". Các bạn sẽ tranh biện để bảo vệ quan điểm của mình", chị Thanh nói.
Tranh biện giúp gì cho các bé trong việc học Tiếng Anh?
Sau khi cùng con chuẩn bị cho phần tranh biện, chị Thanh thấy hình thức "debate" này có khá nhiều mặt tích cực, cụ thể: Con được tìm hiểu về 2 mặt của một vấn đề; Con học được cách làm việc nhóm; Con học được cách tôn trọng ý kiến khác biệt của đội bạn và bảo vệ ý kiến cá nhân của riêng con.
Đồng thời, khả năng tư duy và ngôn ngữ của con sẽ phát triển một cách tự nhiên khi có cơ hội được tìm hiểu về các chủ đề tranh biện thực tế. Con cũng sẽ biết nhiều từ mới và cách sử dụng từ trong đời thường. Tăng khả năng chủ động tìm kiếm, tự tổng hợp thông tin.
Tất nhiên với các bạn nhỏ (lứa tuổi tiểu học như Thỏ) thì bố/mẹ vẫn phải hỗ trợ trong quá trình tìm thông tin chứ con chưa thể tự Google 100% để lọc và tổng hợp thông tin cần thiết. Con sẽ tự tin hơn khi có cơ hội được đứng trên sân khấu phát biểu về ý kiến của riêng mình.
Khi nào nên cho con học tranh biện và lưu ý gì về tranh biện với lứa tuổi tiểu học?
Theo chị Thanh, độ tuổi trung bình để cho con tìm hiểu về hình thức "debate" nên bắt đầu khi con tầm lớp 3 (9 tuổi). Ở tầm tuổi này, khả năng nhận thức, sự hiểu biết xã hội của con cũng tương đối ổn. Con sẽ hiểu hơn về các nội dung tranh luận. Các con bé quá (lớp 1, 2) phần lớn đều chưa sẵn sàng.
Tiếp theo, trong quá trình cùng con tìm hiểu thông tin hai mặt của một vấn đề được nêu ra, chị cũng hướng dẫn con cách tìm thông tin như thế nào, cách tóm tắt lại thông tin và hướng dẫn con diễn giải lại ý đó theo các từ ngữ phù hợp hơn.
"Chẳng hạn mình thấy trong quá trình tìm thông tin, nhiều website sử dụng các từ quá chuyên môn "academic" (học thuật) chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi tiểu học thì sẽ cùng con diễn đạt lại theo ngôn ngữ đơn giản hơn để con hiểu được vấn đề. Chỉ khi con hiểu được nội dung, con mới có thể chia sẻ và bảo vệ ý kiến của mình với các bạn khác.
Sau cuộc thi, ở nhà, mình cũng cố gắng thường xuyên cùng con trò chuyện về một vấn đề nào đó và cùng con suy nghĩ về hai mặt của một vấn đề để rèn luyện con tư duy phản biện tốt hơn. Ví dụ vấn đề mình mới nói chuyện với con gần đây là: "Digital technology makes children's lives better. Do you agree or disagree?" (Công nghệ số giúp cuộc sống của trẻ em tốt hơn. Bạn đồng ý hay không đồng ý)", chị Thanh chia sẻ.