Bà mẹ 8x xinh đẹp chia sẻ cách trồng cây cảnh thanh lọc không khí vừa đơn giản vừa xinh

Bài: Hạ Mạt/Ảnh: NVCC,
Chia sẻ

Với kinh nghiệm của mình, bà mẹ trẻ Tống Lê Tâm đã chia sẻ với chúng tôi cách trồng và chăm sóc 3 loại cây cảnh thanh lọc không khí, gồm: thường xuân, dây nhện và lưỡi hổ.

Một số loại cây cảnh trồng cây cảnh trong nhà không chỉ góp phần làm đẹp không gian sống mà còn có khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ chất ô nhiễm trong môi trường, mang lại cho ngôi nhà thân yêu sự trong lành, xanh mát và sức khỏe cho các thành viên.

Trong số hàng chục loại cây thanh lọc không khí phổ biến thì thường xuân, cây dây nhện và lưỡi hổ được ưa chuộng hơn cả. Những loại cây này vừa đẹp mắt vừa khá dễ trồng và chăm sóc. Với kinh nghiệm của mình, bà mẹ trẻ Tống Lê Tâm (sinh năm 1985), hiện đang là giáo viên Anh Ngữ của một trường tiểu học quốc tế đã chia sẻ với chúng tôi cách trồng và chăm sóc 3 loại cây này. Mời các bạn tham khảo nhé!
 
bà mẹ trẻ
Bà mẹ trẻ 8x yêu thích trồng cây thanh lọc không khí bằng phương pháp giâm cành.

Thường xuân là loại cây cảnh dây leo có khả năng phát triển mạnh ở cả những không gian nhỏ hẹp, đặc biệt là ở những căn phòng có cửa sổ và ánh nắng nhẹ. Tán lá thường xuân có khả năng hấp thụ formaldehyde (còn gọi là phoóc môn), một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất.
 
cây cảnh 1
Bạn có thể đặt cành thường xuân vào trong cốc và để ở bậc cửa sổ rồi thay nước sạch hàng ngày.
 
Khi thấy rễ bắt đầu nhú ra và dần khỏe mạnh, chiều dài đạt khoảng 4cm thì tiến hành trồng vào đất.

Bạn có thể trồng thường xuân bằng phương pháp giâm cành. Cụ thể, cắt một đoạn cành chắc khỏe, chiều dài khoảng 10cm rồi ngâm vào nước sạch từ 7 - 10 ngày. Bạn có thể đặt trong cốc và để ở bậc cửa sổ rồi thay nước hàng ngày. Khi thấy rễ bắt đầu nhú ra và dần khỏe mạnh, chiều dài đạt khoảng 4cm thì tiến hành trồng vào đất, tưới nước 2 lần/ tuần. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây sẽ đâm chồi phát triển mạnh mẽ. Lưu ý, đây là loại cây ưa khô và bóng râm nên đất trồng cần tơi xốp để tránh úng nước, không để cây dưới nắng gắt bởi chúng sẽ bị vàng lá, chóng héo.
 
Chú ý đất trồng phải tơi xốp, tưới nước 2 lần/ tuần và không để dưới nắng gắt, thường xuân sẽ phát triển nhanh chóng.

2. Dây nhện

Dây nhện là loại cây cảnh có thân dài, cuối thân dây điểm hoa trắng nhỏ như hình ngôi sao trông cực kỳ xinh xắn. Cây có giống lá xanh tuyền hay sọc trắng, dễ sinh trưởng dù ở nơi bóng râm hay ngoài nắng nhẹ. Chỉ cần đặt một chậu cây trên bậc cửa hay dùng giỏ treo chúng lên cũng giúp bạn thanh lọc formaldehyde, benzene trong không khí hiệu quả. Chính vì thế, đây là một trong những lựa chọn thú vị cho người mới tập trồng cây.
 
 
Bạn mua cây gốc và chọn một cành khỏe mạnh rồi giâm vào chậu đất mới.

Bạn mua một chậu cây gốc với giá khoảng vài chục ngàn, chọn một cánh khỏe từ cây gốc (có khoảng 3 – 4 lá) rồi giâm vào chậu đất mới. Đất trồng cây dây nhện cần thoát nước tốt, tránh đất sét vì sẽ gây tình trạng úng rễ. Tuy hệ thống rễ của cây có khả năng tích nước cao nhưng cũng không nên tưới quá nhiều dễ sinh nấm mốc. Sau vài tuần, cây dây nhện mới sẽ ra rễ và phát triển nhanh chóng, lá tươi xanh mơn mởn. Mỗi ngày bạn chỉ cần dùng bình tưới dạng phun sương để tạo độ ẩm và làm sạch lá mỗi sáng và tối là được.
 
Cây dây nhện mới sẽ ra rễ và phát triển nhanh chóng, lá tươi xanh mơn mởn.
 
Mỗi ngày bạn chỉ cần dùng bình tưới dạng phun sương để tạo độ ẩm và làm sạch lá mỗi sáng và tối là được.
 
3. Lưỡi hổ

Lưỡi hổ là loại cây phát triển mạnh ở nơi có ánh sáng thấp. Vào ban đêm, nó hấp thụ carbon dioxide (CO2) và giải phóng Oxy (một sự đảo ngược của quá trình tổng hợp oxy của hầu hết các cây). Ngoài ra, nó còn làm giảm formaldehyde, benzene trong không khí, vì thế thích hợp để đặt trong phòng ngủ hoặc phòng làm việc.
 
cây cảnh 2
Lưỡi hổ có cơ chế hấp thụ CO2 ngược với quá trình tổng hợp Oxy của hầu hết các cây.
 
Đất và chậu trồng cần thoát nước tốt, kèm theo ít sỏi rải bên dưới chậu.

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị đất và chậu trồng. Đất cần phải thoát nước tốt, chậu cần có lỗ thoát nước bên dưới và chuẩn bị ít sỏi đá rải bên dưới để thoáng khí. Ngắt một nhánh khỏe ở cây lưỡi hổ đã trưởng thành, trong quá trình thao tác cần nhẹ nhàng để tránh làm đứt rễ. Tiến hành trồng vào chậu đất đã chuẩn bị trước đó, cây sẽ nhanh chóng phát triển và ít bệnh. Lưỡi hổ là loại cây chịu được khô hạn nên bạn không cần tưới nước quá nhiều lần, chỉ cần khoảng 2 lần/ tháng là đã đáp ứng được nhu cầu của cây.
  
Ngắt một nhánh khỏe ở cây lưỡi hổ đã trưởng thành, thao tác nhẹ nhàng để tránh làm đứt rễ.
 
cây cảnh 3
Tiến hành trồng vào chậu đất đã chuẩn bị trước đó.
 
Cây sẽ nhanh chóng phát triển, vừa cung cấp oxy, thanh lọc khí, vừa trang trí nhà thêm xinh.
Chia sẻ