Bà Chúa Kho là ai mà cứ dịp xuân về ai cũng chi rất nhiều tiền để dâng lễ?
Tại ngôi đền thờ Bà Chúa Kho nổi tiếng nhất tại Cỗ Mễ, Bắc Ninh, cũng đã xảy một câu chuyện kỳ bí khiến ai cũng tin rằng Bà Chúa Kho thật sự là một nhân vật tín ngưỡng đầy màu nhiệm và linh ứng.
Mỗi năm cứ đến độ xuân về là ngôi đền Cổ Mễ (Bắc Ninh) lại đông đúc du khách tìm đến, "vay lộc" Bà Chúa Kho như vị thần của tiền tài, làm ăn tấn phát. Tuy nhiên tại Hà Nội, Nam Định... và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng thờ nhiều Bà Chúa Kho khác với các câu chuyện thú vị. Vậy Bà Chúa Kho là ai và sự thực về xuất xứ của bà như thế nào?
Tượng Bà Chúa Kho.
Câu chuyện về Bà Chúa Kho nổi tiếng nhất sử Việt
Hình tượng Bà Chúa Kho rất độc đáo trong hệ thống các thần linh của tín ngưỡng người Việt. Việc suy tôn Bà Chúa Kho là sự hội tụ của truyền thống sùng bái nữ thần và tôn vinh người anh hùng văn hóa có công mở mang một vùng đất. Trong lịch sử nước ta thì có ba Bà Chúa Kho được ghi chép lại ở Nam Định, Giảng Võ (Hà Nội) và ở Bắc Ninh.
Mỗi địa phương, mỗi thời kỳ lịch sử, tùy theo nhu cầu và cảm quan của dân chúng, Bà được lịch sử hóa theo những kiểu khác nhau. Ai đó cần linh thiêng thì gắn bà với dòng dõi hoàng tộc, là vợ vua, có người thì lại gắn bà với hình ảnh cô gái xinh đẹp, đảm đang. Tuy nhiên, cái chung nhất của mọi kiểu lịch sử hóa, Bà Chúa Kho là người có công với dân với nước, mà mọi người đều tôn sùng.
Để nói về nguồn gốc Bà Chúa Kho thì phải dựa vào câu chuyện bắt nguồn từ ngôi đền Cổ Mễ (Bắc Ninh) vì nơi đây có tiếng tăm lâu đời, được người trong lĩnh vực buôn bán truyền tai nhau có Bà Chúa Kho linh ứng nhất. Theo sách sử, Bà có xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm.
Tượng Bà Chúa Kho.
Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng khai hoang ruộng đất, chiêu dân. Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho và đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Đền thờ Bà Chúa Kho và những câu chuyện tâm linh huyền bí
Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khổ linh từ" (Đền thiêng thờ Bà Chúa Kho) có kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.
Để nói về chuyện linh ứng của ngôi đền này thì cũng có nhiều tình tiết có yếu tố tâm linh. Đó là đầu thế kỷ 20, người Pháp xây dựng tại quả núi Kho nhà máy giấy Đông Dương. Đây là nhà máy rất lớn, bao trùm gần như toàn bộ núi. Ông chủ Bê-tô người Pháp sai người phá ngôi đền để xây dựng nhà máy, tuy nhiên, người dân Cổ Mễ đã quyết liệt phản đối. Mặc dù người Pháp xây tường bao rất cao, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng các cụ già vẫn tìm cách trèo vào, quyết lấy thân mình bảo vệ ngôi đền cổ này.
Ngôi đền có kiến trúc cổ từ thế kỷ thứ XIX.
Một lần, khi Bê-tô quyết tâm phá đền, thì bà vợ tự dưng lăn ra đau bụng quằn quại. Bác sĩ giỏi được triệu đến, hết uống thuốc lại tiêm, nhưng những cơn đau không hề dứt. Trong hoàn cảnh đó, một công nhân người làng Cổ Mễ đã đề nghị làm mâm lễ cúng trong đền. Không biết làm cách nào khác, ông chủ Bê-tô đồng ý. Lễ cúng vừa dứt, thì vợ ông chủ Bê-tô hết đau bụng. Kinh ngạc trước sự linh thiêng của ngôi đền, ông chủ Bê-tô không phá đền nữa, mà cho làm một con đường bê tông nhỏ từ cổng nhà máy dẫn lên đền và để người dân tự do ra vào cúng bái.
Đền Bà Chúa Kho không có gì đặc biệt, chủ yếu được xây dựng lại vào những năm 1990, song sự phong phú về đồ lễ thì hiếm nơi nào sánh được. Mặc dù tiền vay-trả chỉ là vàng mã mang tính ước lệ nhưng có giá trị rất lớn lên đến hàng trăm triệu đồng. Người ta quan niệm rằng, có đồ lễ hậu hĩnh để làm đẹp lòng thần thánh thì mới mong có lợi nhuận thực tế với chi phí đã bỏ ra, dù cuối cùng, tất cả được thiêu thành tro để gửi về nơi các thần trú ngụ.
Rất nhiều người đông đúc chen nhau vào “vay lộc” Bà Chúa Kho dịp đầu năm.
Đầu năm đi “vay” thì ắt cuối năm phải có “trả” nợ Bà Chúa Kho, nhưng đáng buồn thay, trái ngược với hình ảnh chen lấn những ngày đầu năm, đền Cổ Mễ những ngày cuối năm lại vắng hoe không một bóng người. Điều này cho thấy không phải tay buôn bán nào đến đây “vay tiền” cũng có thể trả lộc như mình hằng mong muốn.
Bà Chúa Kho vốn là vị thần có phần khiêm nhường trong lớp áo của một “nhân vật lịch sử”, nay lại trở thành người cho “vay” tài lộc đến với những kẻ hành hương, những người mong muốn sử dụng được vận may của Bà để thăng tiến trong sự nghiệp. Thế nhưng, con người có tướng, có số, vũ trụ xoay vòng, cây cỏ mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, thu và đông kết trái. Người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền này để bái lạy.
(Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ, Lịch triều hiến chương loại chí)