Ba cách nhân giống cây lưỡi hổ đơn giản mà hiệu quả
Tuy cần một chút thời gian nhưng cả 3 cách nhân giống cây lưỡi hổ được bật mí dưới đây đều rất đơn giản mà ai cũng có thể thành công khi áp dụng.
Lưỡi hổ là một cây trồng mà hầu như người người nhà nhà đều biết đến. Nhất là khi loại cây này có thể thanh lọc và giữ cho bầu không khí trong gia đình bạn luôn trong lành. Không chỉ dễ chăm sóc, cách nhân giống cây lưỡi hổ cũng rất đơn giản. Thử thách duy nhất trong việc nhân giống cây lưỡi hổ mà bạn phải đối mặt là cần nhiều thời gian hơn các loại cây trồng khác.
Có 3 cách chính để nhân giống cây lưỡi hổ, đó là cách chia cành và giâm cành trong nước hoặc đất. Dưới đây sẽ là hướng dẫn cụ thể để bạn có thể bắt tay vào làm được ngay.
1. Nhân giống cây lưỡi hổ theo cách chia cành
Phương pháp nhân giống này thích hợp nhất với những cây lưỡi hổ trưởng thành có nhiều thân.
Bước 1: Bạn cần trải một tấm bạt hoặc tấm vải lớn xuống để tránh đất cát rơi ra trong quá trình chia cành. Sau đó, đặt chậu cây lưỡi hổ nằm nghiêng và dùng lực để tách cây ra khỏi chậu.
Bước 2: Hãy xác định cụm thân cây mà bạn muốn tách khỏi cây chính, sau đó dùng tay loại bỏ đất ra khỏi rễ càng nhiều càng tốt. Tiếp đó, bạn hãy thử tách cả thân và rễ cây ra khỏi cây chính.
Nếu phần rễ cây bám quá chặt vào chùm rễ gốc, bạn sẽ cần dùng đến kéo hoặc dao để cắt tỉa nó ra khỏi cụm rễ.
Bước 3: Bước cuối cùng, bạn hãy trồng phần thân cây lưỡi hổ vào một chậu cây riêng với hỗn hợp đất dinh dưỡng. Thời gian đầu bạn cần tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho rễ phát triển và đặt chậu cây tại nơi nhận được nhiều ánh sáng.
2. Nhân giống cây lưỡi hổ trong nước
So với phương pháp chia cành thì nhân giống cây lưỡi hổ trong nước có thể áp dụng linh hoạt hơn, không đòi hỏi cây lưỡi hổ phải quá lớn.
Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy dùng kéo cắt một hoặc hai lá của cây lưới hổ. Chú ý, cắt lá cây càng sát gốc càng tốt.
Bước 2: Bạn có thể sử dụng nguyên lá để giâm trong nước hoặc chia nhỏ lá cây lưỡi hổ nếu kích thước của nó quá lớn.
Tiếp đó, bạn hãy cắt phần cuống lá theo hình zic zắc. Cách làm này giúp tăng diện tích bề mặt cho rễ mới phát triển. Sau đó, hãy để yên chúng trong vài ngày để những vết cắt khô lại tránh bị thối rữa khi mang đi giâm trong nước.
Bước 3: Đổ đầy nước vào một lọ thủy tinh và đặt lá cây lưỡi hổ vào trong sao cho cuống lá (phần ra rễ) hướng xuống dưới. Bạn nên đặt lọ thủy tinh ở những nơi nhận được ánh sáng tự nhiên và nhớ làm mới nước trong lọ 1 đến 2 tuần một lần để tránh nước bị đục.
Bước 4: Khi rễ cây đã phát triển ra từ cuống lá ít nhất 3cm, bạn có thể chuyển nó sang trồng trong chậu đất.
3. Nhân giống cây lưỡi hổ trong đất
Nhân giống cây lưỡi hổ trong đất cũng khá đơn giản và bạn hoàn toàn có thể thực hiện ngay với những gợi ý dưới đây.
Bước 1: Dùng kéo để cắt ra một vài lá từ cây lưỡi hổ. Bạn chú ý cắt càng sát gốc cây càng tốt.
Bước 2: Tương tự như khi tiến hành nhân giống cây lưỡi hổ trong nước, bạn cũng có thể chia nhỏ lá cây lưỡi hổ ra nếu nó có kích thước quá lớn. Sau đó, tiến hành cắt theo hình zic zắc để tăng bề mặt cho rễ mới phát triển.
Bước 3: Chuẩn bị một chậu nhỏ với hỗn hợp đất dinh dưỡng bên trong và cắm phần cuống lá vào trong đất. Bạn cần đảm bảo rằng, toàn bộ phần đáy cuống đều chìm trong đất để tăng tỉ lệ ra rễ mới của cây.
Bước 4: Hãy giữ cho đất luôn ẩm nhưng không ướt trong quá trình giâm cành. Bạn có thể mất đến tận 3 tháng để rễ mới hình thành. Khi kiểm tra, bạn hãy nhấc nhẹ lá cây lên, nếu cảm thấy có lực cản tức là rễ đã bám vào đất và việc nhân giống cây lưỡi hổ của bạn đã thành công.