Australia: Hối thúc người dân sớm tiêm chủng phòng ngừa dịch cúm
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia đang hối thúc người dân, đặc biệt là trẻ em, sớm tiêm vaccine cúm nhằm đề phòng dịch cúm có thể xuất hiện sớm hơn trong năm nay.
Trong thông báo mới đây, Nhóm tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) cho biết vaccine cúm có thể sẽ được cung cấp để sẵn sàng phục vụ tiêm chủng vào cuối tháng 3/2023. ATAGI cho rằng người dân Australia nên tiêm vaccine trước khi dịch cúm bước vào giai đoạn cao điểm, thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm ở hầu hết các khu vực của Australia.
Tuy nhiên, ATAGI nhận định mùa cúm năm nay có thể sẽ đến sớm hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. ATAGI thông báo nếu người dân đã tiêm vaccine cúm trong đợt tiêm của năm 2022 (cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023), họ vẫn nên tiêm vaccine trong đợt tiêm của năm nay.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Y tế Australia cho biết việc triển khai tiêm chủng vẫn sẽ diễn ra vào thời điểm tương tự như năm ngoái, tức là vào tháng 4. Vaccine sẽ được cung cấp miễn phí cho những người có nguy cơ biến chứng cao, bao gồm phụ nữ mang thai, người từ 65 tuổi trở lên, thổ dân Australia (người Aboriginal và dân đảo Torres Strait) và trẻ em.
Trưởng khoa nghiên cứu dịch tễ học tại Đại học Deakin (Australia) - Giáo sư Catherine Bennett cho rằng người dân Australia nên tiêm vaccine cúm càng sớm càng tốt nhằm tránh nguy cơ mắc bệnh vì dịch cúm có thể xuất hiện sớm hơn giống như năm ngoái.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Australia, số ca mắc cúm tại Australia trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng cao hơn 100 lần so với cùng thời điểm của năm 2022, cụ thể là 8.453 ca trong đầu năm nay so với 79 ca vào đầu năm ngoái. Nguyên nhân xuất phát từ sự gia tăng các hoạt động tiếp xúc xã hội, nhu cầu đi lại quốc tế và tác dụng của vaccine giảm dần.
Không giống như COVID-19, bệnh cúm tấn công mạnh nhất vào nhóm trẻ tuổi vì một số lý do. Theo bác sĩ nhi Daryl Cheng ở thành phố Melbourne (bang Victoria), tâm lý e ngại và do dự của các bậc cha mẹ đối với việc tiêm vaccine đã khiến trẻ nhỏ có nguy cơ phải nhập viện cao. Bác sĩ Cheng cho biết: “Nhiều phụ huynh không tiêm phòng cho trẻ trong những năm đầu đời do các quy định phong tỏa vì COVID-19 hoặc không dành ưu tiên cho việc tiêm chủng, theo đó chưa xuất hiện khả năng miễn dịch cộng đồng”.
Một cuộc khảo sát về sức khỏe trẻ em trên toàn quốc do Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne tiến hành năm 2022 cho thấy 50% số phụ huynh Australia không biết rằng việc cho trẻ em tiêm vaccine cúm và vaccine COVID-19 cùng lúc là an toàn, trong khi 43% tin rằng vaccine cúm không quan trọng đối với trẻ em bằng vaccine COVID-19 và hơn 30% không biết rằng bệnh cúm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em.
Năm 2022, 56% số bệnh nhân bị cúm phải nhập viện là trẻ em dưới 16 tuổi. Trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 9 tuổi có nguy cơ nhập viện cao nhất, tiếp theo là trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi phải dùng máy thở hoặc ống truyền thức ăn vì cúm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp như viêm phổi.