Australia cấm TikTok trên các thiết bị công do lo ngại về an ninh
Ngày 4/4, Australia cho biết sẽ cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ do lo ngại về an ninh quốc gia.
Như vậy, Australia đã tham gia vào danh sách ngày càng nhiều các quốc gia phương Tây cấm TikTok.
Tổng chưởng lý Mark Dreyfus cho biết, quyết định này tuân theo khuyến cáo từ các cơ quan tình báo của Australia và sẽ bắt đầu được thực thi "ngay khi có thể".
Australia là thành viên cuối cùng của liên minh an ninh bí mật Five Eyes theo đuổi lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công, cùng với các đồng minh gồm Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.
Pháp, Hà Lan và Ủy ban châu Âu cũng đã có động thái tương tự.
Theo ông Dreyfus, Chính phủ Australia sẽ phê chuẩn một số miễn trừ trên "cơ sở từng trường hợp" với "các biện pháp giảm thiểu an ninh phù hợp được áp dụng".
Các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo rằng ứng dụng này với hơn một tỷ người dùng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu, sau đó được chia sẻ với Trung Quốc.
Fergus Ryan, một nhà phân tích của Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định, việc gỡ bỏ TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ là điều "không cần bàn cãi": "Rõ ràng là dữ liệu người dùng TikTok có thể truy cập được ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Việc cấm sử dụng ứng dụng trên thiết bị của chính phủ là một quyết định thận trọng dựa trên thực tế này".
Ông Fergus Ryan cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ "coi động thái này là sự đối xử bất công và phân biệt đối xử với một công ty của Trung Quốc".
Những lo ngại về bảo mật được củng cố bởi luật của Trung Quốc vào năm 2017, trong đó yêu cầu các công ty nội địa bàn giao dữ liệu cá nhân cho nhà nước nếu dữ liệu đó có liên quan đến an ninh quốc gia. Bắc Kinh đã phủ nhận những cải cách này gây ra mối đe dọa cho người dùng thông thường.
Trung Quốc "chưa bao giờ và sẽ không yêu cầu các công ty hoặc cá nhân thu thập hoặc cung cấp dữ liệu ở nước ngoài", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết hồi tháng 3.
Trong khi đó, TikTok nói rằng những lệnh cấm như vậy "bắt nguồn từ tư tưởng bài ngoại", đồng thời khẳng định rằng TikTok không thuộc sở hữu hoặc dưới sự điều hành của Chính phủ Trung Quốc.
Ứng dụng này được sử dụng để chia sẻ các video ngắn, vui nhộn và đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
New Zealand đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ vào tháng 3, nói rằng những rủi ro là "không thể chấp nhận được trong môi trường Nghị viện New Zealand hiện nay".
Đầu năm nay, Chính phủ Australia tuyên bố sẽ loại bỏ các camera quan sát do Trung Quốc sản xuất khỏi văn phòng của các chính trị gia do lo ngại về an ninh.