Atisô vừa công vừa thủ

,
Chia sẻ

Nếu tìm một loại thuốc có tác dụng kép, vừa công phá bệnh nguyên vừa bảo vệ tế bào trên cùng cơ quan nội tạng thì atisô là thí dụ điển hình

Trước hết là tác dụng lợi mật. Nhờ atisô, mật chẳng những được bài tiết nhiều hơn trong gan mà đồng thời còn thoát xuống túi mật mau hơn bình thường. Chất độc trong gan, nhờ đó, qua túi mật rồi xuống ruột non nên không kịp phá hoại lá gan. Nhờ vậy mà gan hóa giải đủ loại độc tố, từ phụ gia trong thực phẩm công nghệ cho đến hóa chất trong nông nghiệp hay cồn trong rượu, bia.
 
Người phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, kẻ khó từ chối ly rượu vì chuyện làm ăn, vẫn có thể góp phần bảo vệ lá gan nếu biết cách kết hợp atisô thường xuyên trong bữa cơm hằng ngày.


 
Hơn thế nữa, tình trạng ứ mật trong gan là đòn bẩy cho sỏi túi mật. Đã vậy, mật ứ trong gan nào chịu nằm yên! Dưới tác dụng phân hủy của mật, tế bào gan khó mà giữ nguyên cấu trúc. Viêm gan do ứ mật đúng là điều đáng tiếc khi biện pháp phòng ngừa có khó gì đâu với những chén trà atisô sau bữa cơm nhiều thịt mỡ.
 
Nhiều người ắt hẳn sẽ để ý nhiều hơn đến atisô khi đi chợ, nếu được thông tin rõ hơn về các nhân tố có thể gây ứ mật như bệnh túi mật, viêm gan, nghiện rượu, bệnh nội tiết (cường tuyến giáp, tiểu đường...), thai kỳ, cũng như do phản ứng phụ của thuốc kháng viêm, giảm đau, trị thấp khớp, ngừa thai, nội tiết tố, an thần, kháng sinh...

 
Không chỉ có thế, atisô còn là phương tiện hiệu quả để cải thiện tiêu hóa, chống biếng ăn và điều trị đau bụng trong “hội chứng đường ruột quá nhạy cảm”. Người càng căng thẳng vì công việc càng nên nhớ đến atisô, nếu muốn tránh cảnh ngồi không yên. Với người cao tuổi, atisô là vị thuốc nhuận trường lý tưởng vì không chỉ hòa hoãn về tác dụng mà quan trọng hơn nữa là còn an toàn khi dùng lâu dài.
 
Không dừng lại trên đường tiêu hóa, atisô giúp hạ mỡ trong máu thông qua cơ chế tác dụng kép. Một mặt, atisô ức chế tiến trình tổng hợp cholesterol, mặt khác, atisô thúc đẩy phản ứng phân hủy cholesterol. Kiểm soát đầu vào, đẩy mạnh đầu ra, đâu còn biện pháp nào khéo hơn để chống tình trạng tồn kho?

 
Thêm một điểm nhiều người hay quên là đừng dùng atisô theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” mà phải dùng nhiều ngày liên tục, mỗi ngày ít nhất hai lần, tối thiểu một tuần. Với người muốn phòng bệnh gan, không thể chỉ chọn hoặc công hay thủ mà phải hai mặt giáp công.
 
Đó là lý do dễ hiểu tại sao atisô có mặt trong y học dân gian trên khắp địa cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam ta.
 
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TPHCM)
Theo NLĐ
Chia sẻ