Áo ngực TQ 15k "ngập chợ" bất chấp "nghi án chất lạ"
Trong khi thông tin áo ngực độn “chất lạ” vẫn chưa có kết quả kiểm nghiệm chính thức thì tại thị trường TPHCM, các loại áo ngực Trung Quốc vẫn tiếp tục “đổ bộ” với giá bèo chưa từng có.
Nhiều ngày sau thông tin áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ gây ngứa ngáy cho người sử dụng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời chính thức về chất này là chất gì, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng như thế nào. Trong khi đó, tại nhiều chợ ở TPHCM, các sản phẩm áo ngực Trung Quốc lại tiếp tục “dội chợ" bằng chiêu đại hạ giá để khuyến khích sức mua, "đánh" trực tiếp vào chính túi tiền đang eo hẹp của khách hàng.
Các loại áo ngực "Made in China" tràn ngập các chợ
Tại chợ đêm Hạnh Thông Tây (Q. Gò Vấp) có đến hàng chục sạp bàn quần áo lót, sạp nào sạp nấy ngập tràn đủ loại các sản phẩm với vô vàn các kiểu dáng và màu sắc vô cùng bắt mắt, được tiểu thương ưu tiên quảng cáo, chào mời khách hàng nhiều nhất với giá rẻ chưa từng có.
Ngay tại những sạp hàng phía lối ra vào chợ, nhân viên bán hàng hàng còn ra trước quầy vẫy khách: “áo ngực “xịn” siêu hạ giá chỉ 15.000 đồng”, thậm chí có nơi, nhân viên còn hồn nhiên chào hàng: “Rẻ như cho, mua về không mặc thì bỏ”.
Ở các sạp hàng bên trong, mỗi khu vực bày biện áo ngực đều có những tấm biển bắt mắt: “Áo ngực xịn chỉ 20.000 đồng”, nơi bày các sản phẩm được xem là Vip cũng chỉ 30.000 đồng, gây tò mò cho nhiều khách hàng, nhất là giới nữ sinh và công nhân. Bởi trước đó, khi chưa có thông tin áo ngực có “chất lạ”, các sản phẩm áo ngực được xem là “xịn” ở đây cũng phải có giá gấp đôi mức giá hiện tại.
Loại "xịn" cũng chỉ 15.000-20.000 đồng/cái
Tiếp cận đến các sản phẩm này đều thấy rõ nhãn mác, không có lấy một chữ tiếng Việt mà chỉ có tiếng Trung Quốc. Kiểm tra bằng tay, không quá khó để thấy ngoài các chất độn bằng mút, xốp thông thường thì nhiều loại áo còn được độn bằng chất rất mềm, co giãn, cho cảm giác rất thật.
Không chỉ đáng lo ngại về chất độn bên trong áo, tại đây có nhiều loại áo đủ màu sắc, có đính kim tuyến bề ngoài rất đẹp mà giá lại quá rẻ khiến nhiều khách hàng nghi ngờ mức độ an toàn? Tuy nhiên, việc đại hạ giá của các sản phẩm áo ngực đã lôi kéo được không ít khách hàng bỏ tiền ra mua bất chấp các thông tin hàng không xuất xứ có thể ảnh hưởng sức khỏe. Điều này cũng dễ hiểu khi đây là những sản phẩm thật sự hợp với nhu cầu và túi tiền của rất nhiều người.
Chọn được 2 chiếc áo ngực loại độn dày chỉ với giá 25.000 đồng/chiếc tại chợ Phạm Văn Hai, chị Lê Thị Dung, công nhân may mặc tại Q.12 cho hay dù áo ngực độn “chất lạ” giá rẻ không rõ xuất xứ có độc hại hay không thì chị và nhiều công nhân nữ vẫn sử dụng nếu ngoài chợ còn bày bán. Lý do đơn giản nhất là sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và đặc biệt là giá rẻ.
“Vào siêu thị mà xem, áo ngực loại rẻ nhất cũng cả trăm nghìn mà kiểu dáng thì quá xấu, mặc không được sao mua? Mà tôi nghe nói loại áo trong nước, hay loại áo cả nửa triệu bạc cũng có chất lạ ở trong thì biết đường nào lần”, chị Dung nói.
Thực tế, hiện nay, giá các loại áo ngực có thương hiệu thường có giá rất cao so với thu nhập của đại đa số chị em như sinh viên, công nhân… vì thế họ không còn cách nào khách là lại tìm về các mặt hàng vừa rẻ vừa bắt mắt với nhiều mẫu mã đa dạng. Đó là lý do khiến áo ngực Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trên các sạp bán hàng ở chợ.
Mức giá áo ngực đã rẻ nay lại còn rẻ hơn đã thu hút rất nhiều khách hàng là sinh viên, công nhân
Một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu cho hay, trong những ngày qua mặt hàng áo ngực bán giảm đi do khách hàng có phần e dè. Vì vậy, nhiều cửa hàng phải giảm giá để lôi kéo người mua. "Ngoài ra, đợt này cơ quan chức năng đang kiểm tra ráo riết mặt hàng này nên chúng tôi phải tranh thủ "tháo hàng" sớm, chờ cho tình hình lắng xuống".
Khi hàng nội không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc về giá cả và mẫu mã nên khó tránh được tình trạng chờ sự việc lắng xuống đâu sẽ lại vào đó. Thậm chí, có người cho rằng, kể cả khi kết quả kiểm nghiệm cho thấy chất lạ trong áo ngực có hại cho sức khỏe đi nữa nhưng việc kiểm soát hàng hóa không chặt, hàng không xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn được bày bán thì vẫn có người mua. Khi túi tiền không cho phép thì mức độ quan tâm đến độ an toàn của hàng hóa dường như cũng giảm đi.