“Anne tóc đỏ”: Gặp lại có gì mới?
Anne tóc đỏ làng Avonlea là tiếp nối của series tiểu thuyết về cô bé Anne Shirley nổi tiếng khi bước sang tuổi 16.
Tên sách: Anne tóc đỏ làng Avonlea
Tác giả: L.M.Montgomery
Dịch giả: Hồ Thanh Ái
NXB Hội Nhà Văn
Giá bìa: 69.000 |
Những ai đã từng yêu quý “Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh” (Anne of Green Gables) hẳn sẽ không thể bỏ qua cuốn sách thứ hai “Anne tóc đỏ làng Avonlea” (Anne of Avonlea) nằm trong series tiểu thuyết về cô bé Anne Shirley nổi tiếng của nữ tác giả Lucy Maud Montgomery.
Cô bé Anne tóc đỏ của Chái Nhà Xanh năm nào giờ đây đã trở thành một thiếu nữ 16 tuổi căng tràn sức sống. Vẫn là tâm hồn lãng mạn bay bổng, vẫn là tính tình cương trực và cả quyết, vẫn là trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung dành cho tất cả mọi người.
Nhưng cô bé Anne giờ đây đã chín chắn hơn, tinh tế hơn, dịu dàng hơn, cho dù nhiều khi vẫn không thoát khỏi những rắc rối do bản tính nóng nảy và bộp chộp cố hữu của mình gây ra.
Nếu như “Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh” mang lại cho bạn tiếng cười sảng khoái khi theo dõi cuộc phiêu lưu đầy thú vị của Anne dưới vóc dáng một cô nhóc 11 tuổi thì “Anne tóc đỏ làng Avonlea” là sự lắng lại một chút trong bản nhạc vui nhộn với nhiều nốt cao.
Anne trở nên điềm tĩnh hơn trong vai trò một “cô giáo làng” 16 tuổi. Thế nhưng “đặc sản” của cô bé là trí tưởng tượng bay bổng không có điểm dừng thì không bao giờ mất đi.
“Anne tóc đỏ làng Avonlea” tiếp tục vẽ nên một cuộc sống thanh bình yên ả của vùng đồng quê nơi Đảo Hoàng tử Edward, nơi con người sống hòa thuận với thiên nhiên và đối xử với nhau như những người trong một gia đình.
So với “Anne tóc đỏ dưới mái nhà xanh”, có thể nội dung của “Anne tóc đỏ làng Avonlea” không có nhiều đột biến, không có nhiều nút thắt mở hay những câu chuyện gợi trí tò mò của độc giả, nhưng ngòi bút của Montgomery lại có cơ hội vươn xa hơn đến những miền tưởng tượng và khuấy động tâm hồn người đọc bằng những chuỗi miêu tả tinh tế, lắng đọng.
Cuốn sách trải dài như một bài thơ đồng quê dịu dàng, trong bài thơ ấy, người ta bắt gặp những ngọn đồi xanh bạt ngàn, những thung lũng chìm đắm trong sương sớm và véo von chim hót, những bình minh rực rỡ nắng lên và những hoàng hôn nồng nàn ánh tà dương.
Nơi ấy có sắc trắng của hoa loa kèn tháng Sáu, sắc đỏ của hoa mẫu đơn, sắc vàng óng của những đóa anh túc hay sắc tím kiêu kỳ của những nàng violet.
Trong bài thơ ấy có những thiếu nữ má ửng hồng và đôi mắt xám long lanh, mặc váy satin trắng và say sưa đọc truyện tình. Trong bài thơ ấy có cả những đứa trẻ miền thôn dã tóc vàng, mắt xanh nô đùa tinh nghịch. Trong bài thơ ấy có câu chuyện về chàng hoàng tử trở lại lâu đài bị phù phép, nàng công chúa hân hoan bước ra từ nỗi cô đơn…
Đừng vội thất vọng khi nghĩ rằng bạn sẽ không còn cơ hội được gặp lại cô nhóc Anne hay gây gổ và “vô phương cứu chữa” thuở nào, sẽ không còn được bật cười trước một mớ rối ren mà cô nhóc ấy gặp phải. Bởi trong “Anne tóc đỏ làng Avonlea” cũng không thiếu những tình huống như thế.
Câu chuyện về “cô giáo làng” Anne loay hoay để “thu phục” những cậu học trò quậy phá, chuyện Anne làm thế nào để “làm thân” với ông hàng xóm khó tính, chuyện Anne trở thành người tác hợp cho một mối tình…
Cô Anne 11 tuổi gặp rắc rối thế nào với mái tóc đỏ và trí tưởng tượng thái quá thì cô Anne 16 tuổi cũng gặp những vấn đề tương tự với 7 nốt tàn nhang trên mũi và thói hấp tấp, bốc đồng.
Một lần nữa, hãy đắm mình vào thế giới của Anne tóc đỏ, đắm mình trong ngôn ngữ văn chương thấm đẫm chất thơ của Montgomery, có thể bạn sẽ thấy mình giống như Margaret Atwood, háo hức chờ đợi Anne tóc đỏ như chờ Wendy trong truyện Peter Pan lớn lên.