Anh Tuấn - Nguyệt Hằng: 17 năm nguyên vẹn một tình yêu

,
Chia sẻ

Vợ tôi nói đúng, có lẽ mười bảy năm yêu nhau và hai con gái là gia tài quý báu mà chúng tôi có được...

Lắng nghe những lời tâm sự chân thật về cuộc đời mình của anh chàng diễn viên có dáng vẻ ngổ ngáo.
 
Đầu tóc ngổ ngáo, ánh mắt bất cần, tay cầm cục gạch, học sinh Ngôn nhanh chân tiến về hướng thầy giáo dạy văn của lớp. Bất thình lình, cậu quang viên gạch văng ngay vào trán người thầy giáo. Cậu học sinh bỏ chạy, để lại người thầy giữa sân trường với cái trán đầy máu.

“Đó là một cảnh trong bộ phim truyền hình năm 1994, 12A và 4H. Ngày xưa tôi chết với nhân vật Ngôn ngang ngược đó. Ra đường, người ta ngại trò chuyện với tôi. Chỉ vì nhân vật của tôi trong phim mà sao dữ dằn, lưu manh quá”.

Ba mươi phút trò chuyện qua điện thoại, và một bức thư bằng email dài hơn hai trang A4, vẫn chất giọng đầy bất cần, hơi chút ngạo nghễ. Thế nhưng, sâu trong từng lời kia là một Anh Tuấn không hào nhoáng, bóng bẩy mà anh luôn sống  thật với bản thân.
 



Từng mắc kẹt giữa hai miền đam mê
 
Lúc nhỏ, gia đình tôi sống ở Ngõ Huế, Hà Nội. Trong tâm trí của tôi vẫn còn in rõ một căn nhà thật rộng, quanh năm mát mẻ bóng cây. Bố mẹ chỉ có mỗi tôi la con trai. Bố tôi là một biên đạo múa, mẹ tôi vốn là sinh viên của bố. Bà mê tài nghệ của ông, tình yêu đơm hoa. Và chính tôi là kết quả duy nhất của tình yêu đó. Có lẽ cái máu nghệ thuật từ bố mẹ đã ươm sẵn trong tôi khi còn là một mầm phôi nhỏ. Năm, sáu tuổi tôi đã theo chân bố đi diễn, hóa thân vào các vai diễn thiếu nhi trên sân khấu của Nhà hát tuổi trẻ.

Mười lăm tuổi, tôi được bố đưa sang Bulagaria tìm cơ hội học tập. Với những đứa trẻ cùng thời với tôi khi đó được đi nước ngoài là cơ hội lớn lao để đổi đời, khám phá thênm nhiều thứ mới mẻ, Lúc đầu khi sang đến nơi, tôi xin vào làm ở một cửa hàng của người Việt, mục đích là được giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng Bulgaria với người bản xứ. Thời gian sau bố nộp đơn cho tôi vào một trường sân khấu điện ảnh của Bulgaria, nhưng không thành. Tuy nhiên, hai bố con vẫn tiếp tục ở lại xứ người, làm việc nuôi bản thân và chờ cơ hội.
 
Ước mơ học tập ở xứ người vẫn còn mù mịt với một cậu bé mười lăm tuổi như tôi. Đến năm 1990 nghe tin nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên, gạt bỏ mọi hi vọng nơi xứ người, tôi về lại Việt Nam ghi đơn dự thi. Cũng trong thời điểm đó, trong lúc đợi chờ kết quả tuyển sinh của nhà hát, tôi lại dấn thân vào một thú vui khác: bóng đá.

Tôi mê những đường bóng, những cú sút vào khung thành đối phương có khi quên cả gia đình đợi cơm ở nhà. Vậy nên, chẳng cần nghĩ suy, tôi nghi danh vào đội tuyển đường sắt Việt Nam.
 
Khi biết mình có tên trong danh sách diễn viên của nhà hát Tuổi trẻ, tôi mới nhận ra mình đang mắc giữa hai niềm đam mê lớn: bóng đá và sân khấu. Nếu một ngày không ra sân bóng, người tôi cáu giận, bứt rứt khó chịu.



Anh Tuấn chụp ảnh cùng bạn diễn trong phim "Camera công sở"

Tuy nhiên, nếu một thời gian không đứng tập trên sân khấu, tôi giống như loài cây khô giữa đồng hạn hán. Sau bao đắn đo, giằng xé, tôi quyết định giã từ sân cỏ để đến với những vai diễn trên sân khấu và trong phim truyện.

Thế nhưng, không phải khi đã đam mê hết mình thì ta sẽ đạt được những gì mong ước. Cũng trầy trật lắm nhưng tôi mới được giao một vai phụ, nhỏ xíu trong phim. Tôi còn nhớ vai diễn đầu tiên năm 1991.

Hồi đó, bộ phim Bóng người áo trắng trình chiếu, tôi chạy khoe với với người thân, bạn bè về vai diễn ấy. Ai cũng đón xem vai của tôi, rồi ai cũng cụt hứng vì vai tôi đóng là một chú lính cầm giáo, đứng cửa canh gác. Vai diễn nhí lướt qua một giây, nhưng trên phim trường tôi phải đứng tám giờ giòng ngoài trời nắng như đổ lửa. Cát-sê vai diễn đầu tiên đó không đủ để tôi khao bạn bè một chầu kem Tràng Tiền.

Rứt ruột với nghiệp diễn, rẽ trái vì khó khăn

Phải mất bốn năm làm diễn viên ở Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi mới được người ta giao cho vai Ngôn trong 12A và 4H. Sau vai diễn, đi đâu tôi cũng bị mọi người gọi là Ngôn, rồi “chết” luôn với tính cách ôn nghịch của cậu học trò này, bởi vậy, tôi luôn bị người ta ghét, kể cả Nguyệt Hằng. Tôi và Hằng học cùng khóa II, lớp đào tạo diễn viên kịch nói tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Suốt hai năm đầu tiên, hai đứa ít trò chuyện với nhau. Hằng dịu dàng, nhu mì, lại xinh đẹp. Cô ấy không thích tôi vì tôi bất cần, ăn mặc lôi thôi, có khi ăn nói cục mịch, thiếu tế nhị. Thật sự khi đó, với những cô gái đài các như Nguyệt Hằng, tôi cũng chẳng dám mơ tưởng. Đơn giản vì tôi biết mình như thế nào và không đủ tiêu chí để Hằng chọn lựa.

Ấy vậy mà, ba năm sau, chúng tôi lại yêu nhau. Ngày tôi đến ra mắt bố mẹ Hằng, ông bà có vẻ không mặn mà khi đón tiếp tôi. May thay, nụ cười và những lời động viên của Hằng giúp tôi vững chí. Vậy nên năm 1996, chúng tôi làm đám cưới. Một đám cưới nhỏ nhưng vô cùng ấm áp.

Đến khi hai đứa dọn ra riêng, rồi Hằng có em bé, tôi mới cảm thấy sự ràng buộc kinh tế vào gia đình. Lúc còn độc thân, tôi có thể tự do muốn làm gì thì làm, thích đi mây về gió và làm việc theo cảm hứng. Đóng phim, kiếm bao nhiêu tiền, tôi dồn vào giải trí, vui chơi cùng bạn bè. Thế nhưng, khi đã có gia đình rồi, tôi phải là người đàn ông trụ cột của vợ con mình.

Thị trường phim ngoài Bắc những năm cuối thập niên 90 rất hạn hẹp. Cả năm trời chúng tôi chỉ đóng được một, hai phim. Cộng với những vở kịch trên sân khấu, lương của một diễn viên phụ như tôi mỗi tháng tầm một triệu đồng. Số tiền này với người độc thân thì xoay sở sao cũng được, nhưng với người đã có gia đình, như muối bỏ bể, chẳng thấm vào đâu.

Năm 1998, sau bao trằn trọc đắn đo, tôi quyết định từ giã nghiệp diễn để toàn tâm bắt tay vào kinh doanh. Thế nhưng, có lẽ tôi không có duyên với công việc này, từ cửa hàng thời trang, quán cà phê, rồi quán lẩu, tất cả đều không tồn tại quá hai năm. Không phải vì thiếu khách hàng hay tôi không có kinh nghiệm quản lý nhưng tất cả cũng tại cái máu nghệ sĩ bất chợt của tôi. Mở quán lẩu đến khi đông khách cũng là lúc tôi có nguy cơ nghiện rượu.

Những khi rảnh rỗi, hai ba ngày một lần tôi rủ bạn bè, chiến hữu đến quán mình nhậu, chuyện trò. Ly cạn, ly thề hề hà, riết tôi mở quán chỉ để thỏa mãn thú vui nhậu nhẹt, cảm hứng của mình chứ không hề nghĩ đến việc kiếm tiền.

Cả vợ và tôi đều lo sợ tôi sẽ nghiện rượu nếu quán duy trì thêm thời gian nữa. Vậy là tôi phải đóng quán, chuyển sang kinh doanh tiệm Internet cà phê. Tiệm lập nên cũng bởi thú mê game online của tôi. Cũng may, tôi không quá mê chơi đến nỗi phải vợ trách, con hờn.



Diễn viên Anh Tuấn kết hôn với Nguyệt Hằng từ năm 1996, sau 4 năm yêu nhau. Hiện cặp vợ chồng nghệ sĩ công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.

Mười bảy năm nguyên vẹn một tình yêu

Sau bao lần bon chen kinh doanh, tôi mới lờ mờ nhận ra tâm hồn mình đang rỗng. Thật sự, trong tôi đang thiếu một thứ gì đó. Lúc đã nhận ra đó là sân khấu, lòng tôi đau đáu. Dứt bỏ một đam mê nuôi dưỡng gần mười năm trời giống như cắt bỏ phần ruột của mình vậy. Nhiều đêm ghé ngang nhà hát, nhìn đồng nghiệp đang hối hả với một vai diễn, tôi chạnh lòng ghê gớm, cảm giác chới với như mọi thứ đang dần lìa xa.

“Nếu còn quyến luyến, sao anh không quay trở lại. Mọi thứ vẫn đang chờ anh đấy thôi!”, vợ tôi khuyên. Trong lúc tâm hồn đang hụt hẫng, vợ và đồng nghiệp đã động viên tôi như thế. Vậy là tôi trở lại và tiếp tục với những vai lưu manh, giang hồ, tội phạm. Khi nhân vật Ngôn đã mờ nhạt, thì Nợi Lòi (Ma Làng), Nhuận (Những ngọn nến trong đêm), cùng những vai nghiện ngập và hút chích nổi lên. Có lần tôi đang uống cà-phê với bạn bè, có người ghé quán, nhận ra người quen, hỏi thăm “Dạo này anh còn nghiện không?”. Tôi chẳng buồn mà bật cười vui mừng vì vai diễn của mình được nhiều người biết đến.

Tôi cũng từng mơ một vai hiền để “hình tượng lưu manh” mất dần ác cảm đi. Thế nhưng, có lẽ gương mặt khó gần và giọng nói bất cần đã mặc định nhân vật sẵn cho tôi.

Nhẹ hơn có lẽ là những vai hài như anh chàng trưởng phòng Duy Hoàn trong Camera công sở gần đây, nhưng anh chàng Hoàn đó cũng đầy toan tính, mưu mô cho số phận. Bộ phim này là một thử thách khá thú vị với tôi. Chỉ trong vòng ba phút rưỡi cho mỗi tập, tôi phải làm thế nào để hình tượng của mình đọng lại trong lòng khán giả một cách trọn vẹn sau khi phim kết thúc. Tôi cũng mong được thử thách trong những vai hài duyên dáng hoặc hiền lành để xem khả năng thay đổi của mình như thế nào. “Chết” mãi với một nhân vật đôi khi cũng làm người ta chán ngán.



Anh Tuấn hạnh phúc với hai thiên thần nhỏ

“Sau hai mươi năm theo nghề, người khác được giải này giải nọ. Còn anh thì chỉ có mỗi cái bụng béo, khuôn mặt chảy xệ và những cái nhìn không thiện cảm của người đời”. Tôi hay đùa với vợ mình những lời vừa giả, vừa thật như thế. Nguyệt Hằng bật cười, an ủi tôi: “Nhưng anh được tài sản lớn nhất đó là Hằng Vi và Hằng Vân rồi còn gì”.

Vợ tôi nói đúng, có lẽ mười bảy năm yêu nhau và hai con gái là gia tài quý báu mà chúng tôi có được. Trong mười bảy năm đó, Hằng từ cô gái lãng mạn, mơ mộng trở thành một phụ nữ chiều theo tính khí khô khan khó gần của tôi.

Vợ chồng Anh Tuấn Nguyệt Hằng trên sân khấu

Tôi từng chán đời, từ bỏ nghề diễn, rồi tôi thất bại trong kinh doanh, trở lại với nghề… ở bất cứ đoạn trường nào, Nguyệt Hằng cũng luôn bên cạnh. Tình yêu của vợ quả thật vô cùng lớn lao mới giúp hạnh phúc của chúng tôi vững bền đến hôm nay.

Người ta làm một ngày tám giờ rồi về nhà sum họp. Còn vợ chồng tôi lỡ theo nghiệp diễn, có khi chồng đi diễn tận miền Nam, vợ lên tận Tây Bắc, hai đứa nhỏ lại phải gửi sang ông bà.

Thế nhưng, sau những lần diễn xa đó, bốn chúng tôi lại vun đắp tình cảm cho nhau trong căn hộ chừng 17m2. Trong tổ ấm này giờ có thêm Hằng Vi, Hằng Vân. Tiếng cười trong veo của hai con gái vào mỗi cuối ngày làm cho mái ấm chật hẹp này càng nới giãn, ấm áp hơn. Hai con gái cũng chính là mục đích sống mà vợ chồng tôi đang hướng đến cuối cuộc đời mình.
Theo Tiếp thị và Gia đình
Chia sẻ