Ảnh, clip: Cận cảnh mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên trên người của Việt Nam

MINH NHÂN - ẢNH: PHƯƠNG THẢO - CLIP: KINGPRO,
Chia sẻ

Nam thanh niên khoảng 20 tuổi là người đầu tiên tiêm thử lâm sàng vaccine Covid-19 của Việt Nam. Sau tiêm, anh ăn uống tốt, chưa có phản ứng bất thường nào.

Video cận cảnh mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam (Thực hiện: Kingpro)

 - Ảnh 2.

8h30 sáng 17/12, Học viện Quân y phối hợp với Bộ Y tế chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine Nanocovax trên người Việt Nam tình nguyện. GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, các đơn vị đã tổ chức diễn tập, xây dựng các tình huống khẩn cấp với mục đích nếu như xảy ra bất cứ tai biến hay tác dụng phụ nào, đều sẽ được xử lý an toàn. "Chúng tôi chuẩn bị tham gia 1 chiến dịch mà Covid-19 chính là giặc. Bất cứ công việc nào chúng tôi cũng xác định như trong trạng thái đội quân tham gia chiến đấu, chuẩn bị cẩn thận và phải chiến thắng", Giám đốc Học viện Quân y nhấn mạnh

 - Ảnh 3.

Sơ đồ bố trí tại Viện Nghiên cứu y dược Học viện Quân sự của Học viện Quân y nơi tổ chức tiêm thử nghiệm gồm các phòng đón tiếp, phòng tư vấn. Nếu người nguyện đồng ý, họ sẽ được vào phòng khám sàng lọc và lấy mẫu, đưa sang các Bệnh viện 103 hay Viện bỏng Quốc gia để làm các xét nghiệm khác. Ngoài ra, Học viện còn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất khác cho người tình nguyện như nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, phương tiện giải trí tại chỗ và cả hệ thống điều hoà. "Toàn bộ hệ thống đã sẵn sàng cho tất cả quy trình thật chuẩn, thực hiện thử nghiệm lâm sàng tuân thủ quy trình nghiêm ngặt", ông Quyết khẳng định

 - Ảnh 4.

Học viện Quân y đã chuẩn bị 2 phòng, mỗi phòng 12 giường dành riêng cho nam và nữ tình nguyện viên

 - Ảnh 5.

Khi đạt đủ tiêu chuẩn, họ sẽ được tiến hành tiêm vaccine, được nghỉ ngơi tại phòng theo dõi 72h sau tiêm. Khi tình nguyện viên trở về địa phương, nhóm nghiên cứu sẽ yêu cầu các cán bộ y tế xã, phường theo dõi người tiêm 56 ngày theo đề cương nghiên cứu

 - Ảnh 6.

Sáng nay, 3 tình nguyện viên đầu tiên gồm 2 nam, 1 nữ, trong độ tuổi 20-25 đã chính thức được tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 giai đoạn 1. Trong ảnh, nam thanh niên khoảng 20 tuổi là người đầu tiên được tiêm

 - Ảnh 7.

Vaccine Nanocovax sẽ được tiêm bắp cánh tay, người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi vaccine trong suốt nghiên cứu, khoảng cách giữa hai liều là 28 ngày

 - Ảnh 8.

Người tình nguyện sẽ được mời đến điểm nghiên cứu tối đa 6 lần trong khoảng 10 tuần. Nhật kí theo dõi sẽ được các bác sĩ theo dõi đến 180 ngày kể từ mũi tiêm thứ nhất, để đánh giá tình hình sức khoẻ của tình nguyện viên. Sau khi người tham gia cuối cùng kết thúc nghiên cứu, sẽ mất khoảng 4 tháng để phân tích kết quả. Tình nguyện viên sẽ được gửi thư thông báo kết quả sau đó

 - Ảnh 9.

Vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam có tên gọi Nanocovax, do Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen sản xuất. Vaccine này tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2°C - 8°C)

 - Ảnh 10.

Sau tiêm, anh ăn uống bình thường, chưa có bất cứ phản ứng bất thường nào. Dự kiến 3 ngày tới, những tình nguyện viên còn lại trong số 60 người thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ được tiêm vaccine

 - Ảnh 11.

TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo Học viện Quân y đảm bảo an toàn cho người thử nghiệm vaccine. Hiện, Bộ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 gồm các Vụ, Cục và các thành viên của Hội đồng đạo đức thuộc Bộ Y tế và Học viện Quân y. Mặc dù việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 bắt đầu được triển khai là một tín hiệu đáng mừng nhưng ông Quang khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay, tuân thủ theo quy định cách ly,…

 - Ảnh 12.

Sau vaccine của Nanogen, đến đầu tháng 2/2021, vaccine Covid-19 thứ 2 của IVAC sẽ chuẩn bị được tiêm thử nghiệm trên người. Hiện, IVAC đã hoàn thiện hồ sơ kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng

Chia sẻ