Anh bộ đội cưới vợ ngân hàng, khóc cảnh chị dâu chăm em chồng, nhà nghèo chỉ có 1 cái giường
Phải lòng cô thiếu nữ làm bên ngân hàng, ông Sửu về xin phép đơn vị được về nhà đàng gái tìm hiểu.
Cách đây 40 năm, ông Nguyễn Văn Sửu (SN 1957, quê Nam Định) tình cờ quen bà Nguyễn Thị Lan (SN 1960, quê Ninh Bình) khi có dịp vào ngân hàng nơi bà làm. Ông Sửu học kỹ thuật cầu đường, làm việc ở sư đoàn 391, Binh đoàn Trường Sơn. Hàng quý, ông phải ra ngân hàng quyết toán một số khoản phí cho đơn vị. Trong quá trình làm việc, chàng bộ đội thầm để ý tới cô thiếu nữ xinh đẹp làm ở bộ phận kế toán.
Ông Sửu thật thà thú nhận, lúc ấy ông đang tìm hiểu 5 cô gái khác để "chấm điểm" xem ai hợp. Ông đặt ra mục tiêu lấy vợ làm nhà nước.
“Tôi nghiên cứu cả 5 cô, thông qua người này người kia, cô này quê đâu, bố mẹ làm gì… Có cô giàu quá, không hợp với mình vì gia cảnh mình nghèo, có cô thì chảnh quá. Chỉ có bà ấy hiền lành, ít nói. Tôi thích những người thật thà, chất phác như vậy", ông Sửu nhớ lại.
Về phía bà Lan, bà cũng rất ưng chàng trai mặc áo lính. Nhưng bà mặc cảm vì vóc dáng thấp bé, hơn nữa lại vừa bị ngã xe, gãy chân. Ông Sửu không bận tâm tới điều đó và vẫn ngỏ ý muốn được làm quen với bà. Ông tỏ tình: “Anh yêu em chứ không phải người ta yêu em. Anh xác định yêu chân thành, cưới làm vợ nên em cứ yên tâm".
Sự mộc mạc, giản dị khiến bà Lan xiêu lòng. Nhưng tìm hiểu nhau tới 3 năm, bà mới đồng ý đưa ông về ra mắt. Ông “thăm dò" rất kỹ nhà vợ qua lời kể của hàng xóm về gia cảnh nhà bà. Phía gia đình nhà bà cũng rất mực quý mến chàng rể hiền.
Ông Sửu lúc bấy giờ mới về xin phép thủ trưởng đơn vị cử một phái đoàn sang nhà gái giáp lời. Mâm cơm ấm áp hôm ấy có chừng khoảng 30 người, gồm bạn của ông Sửu trong đơn vị và đồng nghiệp của bà Lan bên ngân hàng.
Đám cưới của ông bà diễn ra đơn giản, không có hoa có nhẫn bởi nhà ông Sửu nghèo, ông lại là anh cả phải chăm lo 5 đứa em. Cưới nhau về, nhà nghèo đến nỗi chiếc giường tân hôn của hai ông bà không có, phải ngủ trên đống rơm.
Chị dâu chăm em chồng, 3 người ngủ trên một giường
Tháng 1/1986, bà Lan mang thai nhưng được 2 tháng bị sảy. Nhắc đến việc để mất đứa con đầu lòng, ông Sửu vẫn thấy áy náy vì đã để bà đạp xe quãng đường dài đi làm.
“Đường Sơn La dốc, bà ấy đạp sáng đi tối về quãng đường 6 cây số. Có lẽ vì điều ấy mà đứa con không giữ được”, ông Sửu nói.
Nhưng khó khăn nhất phải kể đến giai đoạn ông đón người em trai thứ 5 lên nuôi dưỡng. “Tôi lo lắng không biết bà xã đồng ý không, nhưng khi nói, bà ấy lại gật đầu luôn. Thằng em lên, nhà không có chỗ ngủ, buộc 3 người phải ngủ chung. Vợ chồng mới cưới lúc ấy cũng có sự khó nói", ông Sửu bộc bạch.
Tiền nhà, tiền ăn không đủ lại phải nuôi thêm em trai, nhưng bà Lan không thấy phiền lòng mà càng cảm thấy thương chồng nhiều hơn. Ông Sửu ở trong đơn vị mấy tháng không về, mình bà ở nhà chăm sóc người em.
1 năm sau, một người em khác của ông Sửu đi bộ đội ra quân nhưng không có việc làm, muốn xin chuyển lên Sơn La ở cùng ông. Bà Lan cũng vui vẻ không từ chối, miễn sao lo được cho các em.
"Tôi vô tư, vui vẻ lắm, tôi không cho mình là khổ, đi gánh nước tưới rau còn hát véo von. Có lẽ vì tình yêu của ông dành cho tôi quá lớn", bà Lan hạnh phúc.
Không đủ tiền sinh hoạt, nhiều khi ông bà phải mua ngô xay về trộn lẫn với cơm ăn cho qua bữa.
“Sáng ra người ta hay đi bán sắn, tôi mua về luộc ăn thêm. Khó khăn quá tôi xin với thủ trưởng cho xin ra quân, chuyển ngành vì thương vợ quá, để vợ nuôi 2 đứa em vậy sao đặng", ông Sửu chia sẻ.
Năm 1982, trận động đất lớn ở Sơn La khiến ông bà quyết định chuyển vào Lâm Đồng sinh sống. Ông xin vào làm mảng thuỷ điện, còn bà làm kế toán cho công ty cà phê ở Lâm Đồng. Suốt vài tháng chồng đi làm xa nhà, bà luôn tin tưởng bởi lời hứa “anh sẽ không bao giờ làm em buồn”
Tháng 6/1998, bà Lan mang bầu con thứ hai. Trước đó bà đã bị xảy thêm 2 lần. Thương vợ bầu bí vất vả, ông Sửu xin đơn vị nghỉ không lương 1 năm để đưa đón, chăm sóc bà hàng ngày. Lương bổng ít, ông tham gia với đơn vị thu mua cà phê, bán lại cho công ty. Nhưng đến năm thứ 4 vỡ nợ. Ông bà huy động tổng lực sự giúp đỡ hai bên nội ngoại để làm lại từ đầu.
Được vợ động viên, ông tính kế kinh doanh, dần dần trả hết nợ. Cuộc sống của ông bà kể từ đó ổn định, thậm chí có phần dư dả vì ông rất có khiếu buôn đất.
37 năm hôn nhân thăng trầm, giờ đây ông bà hạnh phúc với tổ ấm viên bên hai người con và các cháu. Ông Sửu gửi lời cảm ơn tới vợ đã ở bên ông ngay cả trong những lúc thất bát, khó khăn nhất.
Nguồn: Tình trăm năm