Ăn tôm phải đi cấp cứu

Như Mai,
Chia sẻ

Có nhiều món ăn ngon nhưng tiềm ẩn hiểm nguy với những người không hợp. Nếu thiếu thận trọng người ăn sẽ bị nhẹ thì mẩn ngứa, đỏ mặt, nặng thì trụy mạch, suy tim dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trẻ em dễ bị tổn thương

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lê Văn Toàn và nhóm bạn đi chơi ở Hạ Long. Họ vào nhà hàng và gọi món tôm sú hấp gừng. Toàn kể lại: “Trước đấy, khi ăn tôm, thỉnh thoảng tôi bị dị ứng, da nổi mẩn ngứa. Nhưng trước một món ăn khoái khẩu, lại được bạn bè khích lệ, tôi ăn khá nhiều.

Ăn xong, chúng tôi đi bộ ra bãi biển, khoảng 30 phút sau mặt tôi bắt đầu đỏ ửng lên một cách bất thường. Rồi hai tai sưng tấy, khó thở”... Toàn bị ngất ngay trên bãi biển, các bạn đưa anh vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và anh may mắn được cứu sống.

Bác sĩ Lê Công Hùng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị ứng thực phẩm là do dị ứng với một loại protein trong thức ăn đó. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu, kết hợp với một loại kháng thể nằm sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu. Sự kết hợp này làm vỡ tế bào bạch cầu và phóng thích các hóa chất trung gian Histamine và gây ra dị ứng.

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn như: Protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn; hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột; sau khi ăn thức ăn gây dị ứng mà làm công việc gắng sức có thể dẫn đến sốc phản vệ...

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, dị ứng thức ăn là bệnh lý phổ biến ở trẻ em và thường xuất hiện ở những năm đầu đời. Mỗi tháng trung bình có khoảng 10 trẻ đến đây cấp cứu do dị ứng thức ăn. Độ tuổi trung bình của các bé thường là từ 8 đến 11 tuổi. Theo nghiên cứu của bệnh viện, 6 - 8% số trẻ em dưới 3 tuổi có ít nhất một lần bị dị ứng với thức ăn.

Các loại thức ăn thường gây dị ứng là sữa bò, trứng, các loại đậu. Đặc biệt, các loại hải sản như cua, cá biển, tôm, sò, mực là nhóm dễ gây dị ứng nhất. Bên cạnh đó, một số chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm như hàn the, phẩm màu, bột ngọt cũng có thể là tác nhân gây dị ứng.
 
Tôm biển nướng có thể gây dị ứng cho người không hợp.
(Ảnh minh họa)

Đối phó với bệnh như thế nào?

Để tránh bị dị ứng, bác sĩ Hùng khuyên, khi ăn một món lạ và bị dị ứng, điều đầu tiên cần làm là loại bỏ món ăn đó khỏi thực đơn của mình sau này. Một người biết mình thường bị dị ứng khi ăn mực, tốt nhất là không nên ăn mực và các thực phẩm xào nấu có mực. Khi vào nhà hàng, bạn không chỉ chú ý tên món ăn mà phải hỏi cụ thể về thành phần của món ăn.

Thông thường, cơ thể chỉ dị ứng với một loại thực phẩm, nếu nghi ngờ con cái hay bất cứ ai trong nhà có thể bị dị ứng thực phẩm, bạn nên đưa đến khám tại các chuyên khoa về dị ứng để biết rõ bệnh và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ.

Trong trường hợp phải đi công tác xa nhà, bạn nên chuẩn bị một số thực phẩm sẵn an toàn cho mình. Bạn cũng cần viết ra một kế hoạch hữu hiệu đối phó trong trường hợp có xảy ra dị ứng và cho mọi người trong nhà biết. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến việc tiếp xúc với người xung quanh, bởi hôn môi cũng có thể gây dị ứng chỉ cần nước bọt có chứa thực phẩm gây dị ứng.

Bác sĩ Minh Tiến cho rằng, trẻ được bú sữa mẹ ít nguy cơ dị ứng thức ăn hơn. Nếu thấy bị dị ứng phải đi gặp bác sĩ, ngay cả trường hợp nhẹ hoặc sắp hết triệu chứng. Bởi triệu chứng nhẹ của dị ứng có thể khởi đầu của triệu chứng bị nặng tiếp sau từ 10 đến 60 phút.

Bạn cũng có thể áp dụng biện pháp sơ cứu khi bị dị ứng thức ăn như: uống nhiều nước, uống thuốc kháng Histamin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đi khám ở bệnh viện. Nếu bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng bệnh nhân với các triệu chứng sau: xảy ra sau khi ăn 5-15 phút, thấy nghẹt thở, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, huyết áp tụt, mất tri giác... cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu có ngưng thở, ngưng tim), khẩn cấp chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa, vì điều trị càng sớm và hiệu quả thì cơ hội sống sót của bệnh nhân càng cao.
 
Thông thường, sau khi ăn khoảng 30 phút, cơ thể của những người không hợp với loại thức ăn đó bắt đầu có những biểu hiện dị ứng.
Bên ngoài: mẩn ngứa, sưng đỏ, mạch máu sưng phồng, ngứa, mắt sung huyết đỏ. Bên trong: sưng môi, sưng miệng, sưng cuống họng, ói mửa, sình bụng, đầy hơi, đau cuộn, tiêu chảy.
Hệ thống hô hấp: suyễn (mạch máu trong phổi nở lớn), viêm màng mũi (nghẹt mũi, chảy nước mũi) khò khè, khó thở, ho kéo dài. Dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ với các triệu chứng như trụy tim, trụy mạch, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
 
Theo Như Mai
Giadinh
Chia sẻ