Ăn thực phẩm tẩm săm pết gây tức ngực, khó thở ở trẻ

Theo GiadinhNet,
Chia sẻ

Một thìa bột săm pết ngâm (hoặc phun) khoảng 20 phút thì thịt hỏng sẽ trở lại tươi hồng, hết mùi hôi thối. Với 40.000đồng để mua bột săm pết, người bán hàng có thể biến cả tấn thịt lợn thối thành thịt tươi.

Nguy cơ mắc hội chứng blue baby, ung thư

Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị cho bé Linh Giang (4 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mắc hội chứng blue baby (còn gọi là methemoglobin - rối loạn máu do không đủ ôxy nuôi cơ thể). Bác sĩ chẩn đoán có thể bé đã tiếp nhận lượng lớn nitrat hay có trong các hóa chất bảo quản thực phẩm, nước uống. Do mắc quá lâu nên sức khỏe bé suy yếu dần, tức ngực, khó thở và ngày càng xanh xao, tím tái.

TS Nguyễn Hải Linh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm) cho hay, hội chứng blue baby có thể gặp ở người lớn và cả trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi (nếu ăn thức ăn không an toàn). Dấu hiệu bệnh là da hơi xanh và hơi khó phát hiện nếu da trẻ sậm màu. Và thứ hóa chất săm pết tẩy rửa thịt cá ôi thối có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư, đặc biệt gây hội chứng blue baby nguy hiểm do suy giảm vận chuyển ôxy đến các tế bào.

Theo các nhà khoa học, săm pết là tên đọc chệch âm (salpêtre - tiếng Pháp), sanpet (tiếng Anh),  của muối kali nitrat (KNO3), có ý kiến cho là Natri sunphat (Na2SO4) - hóa chất tẩy trắng công nghiệp. KNO3 dễ hòa tan trong nước, ít tan trong Ethanol, có dạng tinh thể hình lăng trụ, hạt, bột kết tinh với màu trắng trong hoặc không màu, không mùi và hay dùng để sản xuất thuốc súng, pháo hoa, diêm, làm phân bón…

TS Nguyễn Hải Linh cho biết, kali tuy không bị coi là độc hại, nhưng nitrat (NO3) vào cơ thể có thể bị khử thành nitric (NO2) và biến hemoglobin trong máu (chất vận chuyển ôxy) thành chất methemoglobin (không thể vận chuyển ôxy) đến các tế bào. Lâu dài sẽ mắc hội chứng blue baby, gây xanh xao do thiếu ôxy, đặc biệt là thiếu ôxy trong não ở trẻ em. Nếu nhiễm độc cấp tính có thể bất tỉnh, thậm chí tử vong. Nitric còn ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, gia tăng nguy cơ gây ung thư. Dù săm pết là KNO3 hay Na2SO4 thì dùng liều lượng cao đều có hại cho sức khỏe.

Chỉ 1 thìa bột săm pết có thể ngâm (hoặc phun) khoảng 20 phút là thịt hỏng sẽ trở lại tươi hồng, hết mùi hôi thối. Ăn vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tử vong do độc tố vi khuẩn tích tụ trong thực phẩm. Nguy hiểm hơn là thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, chết mà ngâm săm pết sẽ bị nhiễm độc kép, bởi thịt thối xử lý hóa chất nấu lên vẫn không diệt hết mầm bệnh, mà có thể còn gây ngộ độc cao, trong khi giá 1 kg bột săm pết chỉ 40.000 đồng - đủ để tẩy cả tấn thịt ôi thối.

Ông Nguyễn Minh Phúc (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hàm lượng nitrat và nitrit luôn là một chỉ tiêu cần phải kiểm tra thực phẩm trước khi xuất nhập khẩu. Các nhà khoa học cũng đã khuyến cáo không dùng bột săm pết cho thực phẩm, vì ở nồng độ quá giới hạn sẽ gây họa cho người ăn. Nitric còn ảnh hưởng xấu đến tuyến giáp trạng, làm tăng nguy cơ gây ung thư…

Ăn thực phẩm tẩm săm pết gây tức ngực, khó thở ở trẻ 1
Người tiêu dùng cần sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe. (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: T.G

Nhận biết thịt ướp săm pết

Thực tế, săm pết hay được dùng để tẩy thịt lợn, thịt bò, nội tạng và sử dụng nhiều để làm tươi đỏ thịt băm. Còn cá hay được bán nguyên con nên ít được sử dụng hơn. Nhưng người ta có thể dùng săm pết sử dụng để giữ tươi với những món cá xay.

Gần đây bột đắng (Cloramphenicol) được dùng tẩy cá, tôm, mực ươn thối thành tươi ngon, chỉ trộn thìa bột đắng vào là có thể giữ tươi tới vài ngày.

Thứ bột đắng này, theo TS Nguyễn Hải Linh là kháng sinh dạng bột, màu trắng vàng, đắng và có độc tính hay dùng để trị bệnh nấm cho tôm cá. Vì Cloramphenicol có kháng sinh nên cũng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên dùng lâu dài vì ngoài độc hại cho người ăn, nó có thể còn gây ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam bột đắng cũng bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có thể gây bệnh ung thư, kháng thuốc và có thể gây bệnh nguy hiểm cho người.

Thịt ngon, khi ấn tay vào có độ đàn hồi, độ rít, bì màu trắng hơi hồng, mỡ trắng hồng, thớ thịt có màu hồng tự nhiên.

Khi bị tẩm săm pết: Bề mặt thịt săn cứng, nhưng rạch thớ thịt ở giữa xám nhão, nhớt, rỉ nhớt, màu đỏ sậm. Ngửi có mùi amoniac (mùi men thối hoặc mùi như cống rãnh) do hợp chất protein đã bị phân hủy.

Thịt đã qua chế biến khi bị tẩm săm pết: Dù thêm hương liệu, màu, gia vị… nhưng khi ăn thịt sẽ thấy miếng thịt nhạt nhẽo và bở. Cắn miếng thịt sẽ bị đứt ngay, nhưng khi nhai vẫn thấy có độ dai, giòn bất thường.
Chia sẻ