Ăn thử tiệm mì chay đang hot của vợ chồng Ngô Thanh Vân: Không gian ngột ngạt, khẩu phần bé xíu nhưng hương vị lại khá ổn áp
Theo chân team "Có Như Lời Đồn?" kiểm chứng xem quán chay của vợ chồng Ngô Thanh Văn và Huy Trần có gì đặc biệt mà "hot hit" đến vậy nhé!
Nhắc đến hàng quán đang thu hút sự chú ý khắp các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây có lẽ không thể thiếu cái tên “Chan Chan Noodle” - quán ăn phục vụ ẩm thực chay của Ngô Thanh Vân và ông xã trẻ tuổi Huy Trần. Thật ra, chuyện nghệ sĩ Việt chọn kinh doanh tay trái với những cửa hàng ăn uống đã không còn quá xa lạ, nhất là với người nổi tiếng như Ngô Thanh Vân thì kiểu gì khi khai trương khách khứa đến nườm nượp, nhân viên phục vụ không kịp xuể. Chưa kể, khắp các hội nhóm người ta đồn rằng để ăn ở quán chay này không phải là chuyện dễ dàng, vì vậy lại càng khiến những thực khách khác thêm tò mò, tìm đến kiểm chứng.
Rất nhiều food review đến trải nghiệm quán mới của vợ chồng Ngô Thanh Vân. (Ảnh: @nguyenlydienmai)
Còn team "Có Như Lời Đồn?" quyết định đi trải nghiệm do "đứa con tinh thần" của cặp vợ chồng son này đang "hot" cũng chỉ là một phần nhỏ thôi. Chủ yếu là nghe phong thanh, ChanChan Noodle tuy mới khai trương đã gặp kha khá biến cố: từ việc tạm đóng cửa sau 3 ngày hoạt động vì quá nóng, rồi bị dân tình la ó do khẩu phần "không bõ dính răng", hay giá đồ chay "đắt hơn cả đồ mặn"... Nhưng dẫu có ti tỉ lượt đánh giá trái chiều, thì quán chay này vẫn luôn trong tình trạng kín bàn. Liệu chỉ vì mác nghệ sĩ hay hương vị ẩm thực của quán ăn thật sự đặc biệt?
Vị trí đắc địa ngay tại quận 2, không gian xinh xắn nhưng lúc đông dễ bị ngộp thở
Tọa lạc tại vị trí đắc địa thuộc khu vực Thảo Điền, quận 2, TP. Thủ Đức, (TP.HCM), tiệm mì chay nằm trên con phố nhỏ nhưng vẫn sở hữu làn đường 2 chiều rộng rãi nên chỉ cần đi theo google maps là thực khách có thể tìm đến quán dễ dàng. Do tình trạng đông đúc kéo dài, khách đến ăn phải xếp hàng rất lâu nên trước cửa quán Ngô Thanh Vân cùng chồng trẻ còn thiết kế khu ghế chờ cho khách. Khu vực này vào ban ngày khá nóng nhưng vì có mái che và quạt gió nên cũng không đến mức không thể ngồi chờ được, còn buổi tối sẽ đỡ oi bức hơn.
Có thể nói ngoài sự thuận tiện, thì việc Ngô Thanh Vân chú ý đến các dịch vụ đón tiếp dường như là một điểm được nhiều khách đánh giá cao.
Nhìn từ bên ngoài, Chan Chan Noodle có diện tích khá nhỏ. Kiến trúc của quán được thiết kế theo kiểu cổ xưa, nói đúng ra là có nhiều điểm tương đồng với kiến trúc của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, tuy nhiên được điểm thêm vài chi tiết cách tân để phù hợp với thời hiện đại.
Bên cạnh đó nhìn từ trong quán ra phía cổng chính sẽ thấy con số 1923 được khắc trên tường. Nếu không biết nhiều người sẽ liên tưởng rằng đây là năm xuất hiện ngôi nhà này, nhưng với tiệm mì chay nhỏ của Ngô Thanh Vân thì nó chứa đựng 1 câu chuyện với những ký ức xưa cũ về ông ngoại. Về tổng thể đây là 1 concept tương đối hoàn chỉnh, khắc họa tinh thần "di sản" mà thương hiệu mì này đang nhắm tới.
Quán có 2 không gian trong nhà và ngoài sân, nhưng đa phần thực khách sẽ muốn ngồi trong nhà hơn bởi cái nóng Sài Gòn là nỗi ám ảnh với tất cả mọi người. Dù đã trang bị dàn thiết bị “khủng” chống nóng, thế nhưng ngồi ăn uống ở khu vực ngoài trời vẫn khá bức bối.
Chưa kể, tùy vào tình trạng quán đông hay vắng mà thời gian chờ đợi lên món cũng khác nhau, nhanh thì khoảng 5 - 20 phút còn lâu thì khách cũng phải đợi nửa tiếng thậm chí là hơn. Đặc biệt, việc khách tới đông đúc mà không gian tiệm lại nhỏ rất dễ khiến khách ngồi ở quán bị ngộp, vào buổi trưa thì chắc chắn khó ai có thể trụ được lâu.
"Giá cao hơn món mặn, khẩu phần ít"… vậy rốt cuộc hương vị đồ ăn có gì ấn tượng?
Ở Chan Chan Noodle thì menu khá bắt mắt, với các món chủ đạo như mì, bún, phở, bánh bao… Hầu hết những món ăn này đều có giá dao động từ 68.000 - 118.000 đồng. Trong đó, món rẻ nhất nhà hàng chay của Ngô Thanh Vân là bánh quẩy lá dứa có giá 38.000 đồng. Món đắt nhất là mì trộn với giá 118.000 đồng.
Đã có rất nhiều người nhận xét rằng mức chi phí phải trả cho các món ăn tại đây là khá đắt đỏ so với những món mặn thông thường. Có ý kiến cho rằng vì khách đến quán Ngô Thanh Vân đều là người giàu có hoặc "sành" ăn nên mới có giá như vậy. Xét trên thực tế, món ăn đắt có thể do giá thành nhập các nguyên liệu để làm món chay không hề rẻ như chúng ta nghĩ, chưa kể còn do cách chế biến của đầu bếp, cộng với vị trí tại khu Thảo Điền,... Tuy nhiên quy mô của tiệm chay Chan Chan Noodle cũng chưa thể so sánh với các nhà hàng chay cao cấp, vậy nên mức giá này vẫn là khá cao so với các quán ăn cùng phân khúc.
Tạm gác lại giá cả vì hương vị mới là thứ khiến chúng ta phải bàn. Trong số những món ăn trong menu thì miến trộn Chan Chan, mì bò và bánh quẩy dứa là những cái tên được khá nhiều người review. Một nhận xét công tâm là hầu hết các món ăn ở đây được bài trí khá tỉ mỉ. Vốn Huy Trần là người đứng bếp trực tiếp nên nên cũng không quá bất ngờ khi món nào cũng có giao diện khá bắt mắt. Tuy nhiên, do concept của quán mang chút hoài niệm hơi thiên về phong cách Triều Châu (do ông ngoại của Ngô Thanh Vân là người gốc Triều Châu) vậy nên những chiếc bát, chiếc đĩa không tạo nên sự gần gũi với người Việt.
Đối với món miến trộn Chan Chan - "signature" được quảng bá rất nhiều trên fanpage quán thì món ăn này gồm những cọng miến bản to, ăn kèm với sốt thịt băm cùng chút dầu sa tế. Khi ăn, thực khách sẽ cần trộn đều, nếu ăn sợi miến không sẽ rất nhạt nhưng kết hợp cùng các thực phẩm ăn kèm trong đó thì hương vị khá ổn.
Trước đó, Ngô Thanh Vân cũng chia sẻ rằng từng có dịp đi Trung Quốc và thưởng thức nhiều món ăn vặt tê cay, trong đó có miến trộn và cô quyết mang về Việt Nam. Nếu là fan mê ăn uống bạn sẽ nhận thấy ngay sợi miến ở Chan Chan hệt như miến khoai lang thường thấy trong các tiệm lẩu như Wulao hay Haidilao. Món miến này từng “gây sốt” rất lâu trước đó, nên có thể dễ tiếp cận thực khách hơn. Tuy nhiên do là món chay nên ít nhiều hương vị cũng có sự khác biệt. Bên cạnh đó khẩu phần của món miến trộn cũng khá ít, nếu muốn no bụng phải kết hợp ăn kèm thêm các món khác.
Về phần bún thái thì có vẻ đầy đặn hơn. Tô bún đậm màu với các topping như chả ớt, tàu hũ ky, đậu đũa… Bún Thái có vị nổi bật của cà chua, kèm thêm chút cay cay hương vị quen thuộc nên khá hợp miệng số đông.
Bánh quẩy dứa có vẻ ngoài đầy đặn, hình dáng chỉn chu hơn với những chiếc quẩy giòn ăn vặt chiều chiều tuy nhiên kết cấu cũng không quá khác biệt là bao. Bánh ăn kèm với sốt chấm lỏng có mùi lá dứa thơm thơm, điểm trừ là bánh ngấm dầu nhiều phần sốt cũng thiên vị ngọt nên chỉ cần ăn 1/2 cái sẽ thấy hơi ngán.
Về tổng thể, quán chay của vợ chồng Ngô Thanh Vân và Huy Trần là một concept có nhiều điểm cuốn hút ở Thảo Điền. Hương vị các món ăn nhìn chung là hợp gu của đại đa số thực khách, nhất là các bạn trẻ. Ngoại trừ giá thành hơi cao cùng một vài món có khẩu phần khá ít điển hình như miến trộn thì hầu như các món ăn khác đều khác vừa vặn cho mỗi người. Bên cạnh đồ ăn thì điểm cộng là menu nước uống rất hợp để giải nhiệt mùa hè. Thời điểm này quán vẫn còn rất đông, vậy nên nếu sợ ngột ngạt bạn có thể đợi thời điểm sau rồi cùng đi thử nghiệm quán chạy của cặp vợ chồng này nhé.
*Bài viết dựa trên cảm nhận của cá nhân người viết. Hãy thử thưởng thức và đưa ra cảm nhận của riêng mình nhé!