Ăn na lỡ nuốt hạt có bị ngộ độc không?

AN BÌNH/VTCNews,
Chia sẻ

Ăn na, sơ ý nuốt phải hạt, nhiều người lo lắng liệu có bị ngộ độc không, hãy lắng nghe giải đáp của chuyên gia.

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong đông y, quả na vị ngọt, hơi chua, tính ẩm. Quả na tác dụng chữa đái tháo, tiêu khát, nhọt vú… rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh.

Nếu không may nuốt phải hạt, bạn cũng không nên quá lo lắng vì vỏ hạt na dày, ngăn không cho độc tố trong nhân hạt phát huy tác dụng. Thường hạt na sẽ được tống ra ngoài khi đi vệ sinh, nên không nguy hại đến sức khỏe.

Trường hợp nuốt phải hạt na bị dập nát mới dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Độc tố trong hạt na nếu bị dính vào mắt sẽ gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc. Nếu sơ cứu, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Còn nếu bị vương trên da, nhất là dính vào vết thương hở trên da sẽ dễ dẫn đến lở loét, viêm nhiễm nặng nề, hủy hoại da.

Ăn na lỡ nuốt hạt có bị ngộ độc không? - Ảnh 1.

Na vốn là loại quả bổ dưỡng, thơm ngon, dễ dùng cho cả người già lẫn trẻ nhỏ. (Ảnh: Vinmec)

Một số bài thuốc từ quả na do lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ:

- Chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát: Na chín vừa đủ, ăn mỗi lần một trái sau bữa ăn sẽ giúp chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát hiệu quả, nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng và chất xơ cao.

- Chữa nhọt vú:Chuẩn bị một quả na điếc và một chút giấm đủ dùng. Đem na đi phơi khô sau đó tán thành bột, hòa với giấm rồi đắp hỗn hợp này lên chỗ vú bị sưng. Dùng nhiều lần/ngày để hiệu quả nhanh.

- Chữa sốt rét cơn:Chuẩn bị một nắm lá na. Đem đi rửa sạch rồi giã nhỏ, chế nước sôi sau đó vắt lấy nước cốt uống trước khi lên cơn 2 giờ. Ngày dùng 1 lần.

Chia sẻ