Trào lưu ăn mì cay 7 cấp độ ngày càng nở rộ
Cách đây khoảng 5 tháng, mạng xã hội chia sẻ ào ạt clip một thanh niên vượt qua thử thách ăn
mì cay hải sản với cấp độ 7 tại một quán ăn ở Rạch Giá, Kiên Giang. Chỉ sau vài ngày đăng tải, clip đã nhận được trên 1,1 triệu lượt xem cùng hàng trăm chia sẻ và bình luận. Chủ nhân trong clip thực hiện thách thức mì cay 7 cấp độ tên là Hoàng Vũ (TP. Rạch Giá). Sau khi vượt qua thử thách này, anh chia sẻ, toàn thân anh nóng bừng như lửa đốt, dạ dày đau thắt từng cơn, nôn ói trong nhiều giờ và suýt phải nhập viện. Mặc dù được nhận giải thưởng quán quân trị giá 500.000 đồng, “thánh ăn cay” Hoàng Vũ vẫn cảm thấy hú vía sau vụ vượt qua thử thách mì cay 7 cấp độ ấy.
Mới đây, một clip được ghi lại tại TP Vinh (Nghệ An) xảy ra vụ biến khá nghiêm trọng. Nạn nhân là một cô gái bị sốc nặng và ngất xỉu. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc thử thách bản thân vượt qua món mì tôm cay cấp độ 7.
Hình ảnh được ghi lại của cô gái bị ngất xỉu vì thử thách ăn mì cay (Ảnh: BEATvn) Mặc dù vậy, rất nhiều thực khách cảm thấy “bình thường” khi vượt qua thử thách mì cay 7 cấp độ. Nữ sinh Phạm Thị Hải Yến, quận Gò Vấp, TP.HCM sau khi ăn mì cay ở cấp độ 7 tại một quán trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ:
“Tôi cảm thấy rất bình thường, ăn vô thì cảm thấy môi miệng nóng ran lên chứ không đến nổi là không thể ăn được”.
Món mì cay 7 cấp độ được lấy cảm hứng từ món mì cay hải sản Jjamppong của Hàn Quốc. Những thử thách về độ cay của món mì này đang ngày càng thu hút mọi người đến tìm hiểu và thưởng thức. Với 7 cấp độ mì cay khác nhau, những người bắt đầu ăn mì thường lựa chọn cấp độ 0,5. Đây là cấp độ cay vừa phải. Ở các mức độ sau, độ cay sẽ tăng dần đến đỉnh điểm ở cấp độ 7. Những người vượt qua thử thách mì cay cấp độ 6 trở lên đã được coi là “thánh ăn cay”.
Có thể nói, mì cay đang là từ khóa cực hot trên mạng xã hội như Facebook, Instagram… Các quán mì cay mọc lên nhiều vô kể ở Sài Gòn cùng các tỉnh lân cận đang ngày càng thu hút thực khách trẻ tuổi đến thử thách món mì cay 7 cấp độ dưới tiết trời nắng nóng gần 40 độ C. Chẳng riêng gì khu vực Sài Gòn, giới trẻ Hà Nội cũng đang rộ lên trào lưu mì cay xứ kim chi như một thú vui xem có gì đặc biệt.
Mỗi tô mì có giá dao động từ 35.000 - 50.000 đồng cho các món như mì kim chi đặc biệt, mì kim chi hải sản, mì kim chi bò… ở nhiều cấp độ cay khác nhau. Cấp độ thấp nhất là 0 và 0,5, người
ăn cay bình thường thì ở cấp độ 2 và 3. Ăn cay giỏi thì 4 và 5. Rất ít người ăn đến cấp độ 6 hoặc 7, chỉ số ít người ăn được là vì bị thách đố để nâng cao khả năng ăn cay.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc ăn quá cay như vậy gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe. Trong đó khu vực tổn hại đầu tiên và kinh khủng nhất chính là dạ dày, đường ruột, từ đó dẫn đến các vấn đề không chỉ là đau bao tử mà còn vô vàn những loại bệnh tật khác nữa.
Nguy hiểm khôn lường của việc ăn quá cay
Mì cay nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng ớt cho vào món mì. Theo Today, Capsaicin chính là chất tạo ra độ cay trong ớt cũng như trong món mì cay 7 cấp độ. Bên cạnh những tác dụng như diệt vi trùng, làm thông sự bế tắc mạch máu, diệt các
tế bào ung thư, khi đến một lượng nhất định, chất này sẽ gây hại cho cơ thể người.
Chính vì thế ăn mì cay quá nhiều hoặc ở những cấp độ cao, lưỡi sẽ bị bỏng, rát, thậm chí có thể gây lở miệng. Bên cạnh đó, chất Capsaicin trong ớt không thể tiêu hóa được nên sẽ gây cảm giác nóng, rát ở hậu môn khi đại tiện.
GS, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp Dana Hunnes (trường Đại học y tế công cộng Fielding, UCLA) cho biết, ăn quá cay có thể kéo dài cảm giác bị đốt cháy trong khoang miệng. Nếu mì cho quá nhiều ớt cay, bạn không chỉ cảm thấy cổ họng mình bị cháy mà còn thấy vị giác dường như bị thiêu đốt ngùn ngụt. “Trong trường hợp này, để ngăn chặn những cơn thiêu đốt trong cuống họng, bạn cần uống ngay một ly sữa nguội nguyên chất, còn chất béo. Vì chất béo trong sữa có khả năng liên kết với capsaicin, làm tình trạng bỏng rát giảm đi nhanh chóng”, Dana Hunnes nói.
Theo Tiến sĩ Gregory Thorkelson (trợ lý giáo sư tại khoa Tâm thần học và Tiêu hóa, Đại học Pittsburgh), chất capsaicin là một chất nhẹ hơn máu. Điều này không phải là vấn đề gì đó quá to tát với hầu hết chúng ta. “Nhưng nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc nào đó như warfarin, capsaicin có thể gây ra vấn đề
loãng máu trầm trọng trong cơ thể bạn”, Gregory Thorkelson nói. Do đó, đừng vì thử thách mì cay 7 cấp độ, vì tò mò, muốn chinh phục mốc ăn mì cay đáng khâm phục này mà quên mất tác hại của việc ăn quá cay có thể gây ra cho sức khỏe của bạn.
Các chuyên gia cùng khẳng định, ăn quá cay còn là nguyên nhân gây nên
bệnh trĩ. Một trong những điểm đáng buồn là capsaicin không bị phá vỡ khi đi qua hệ thống tiêu hóa. Vì vậy, chúng không dễ dàng bài tiết ra bên ngoài cơ thể bạn. Nguy cơ bạn mắc các vấn đề về trĩ là hoàn toàn không thể tránh khỏi.
“Capsaicin có thể là một chất kích thích rất mạnh. Nó có thể gây ra thiệt hại cho niêm mạc dạ dày, do đó có thể gây ra
viêm dạ dày, loét dạ dày và thậm chí cả các bệnh đường ruột như viêm ruột kết”, Tiến sĩ Chattoo, chuyên gia tiêu hóa tại New York khẳng định.
Thông tin được đăng tải trên Newyorktimes vào năm 1983 cũng đã cho thấy tác hại của việc ăn thực phẩm cay quá thường xuyên, liên tục với mức độ cay tăng cao. Nói chung, các loại thực phẩm nóng, cay đều chứa chất kích thích. Chúng kích thích hệ tuần hoàn, làm tăng nhiệt độ cơ thể. Thực phẩm cay cũng kích thích sự thèm ăn, nhờ thiết lập dòng chảy của nước bọt và dịch dạ dày… Tuy nhiên, ăn món cay như ớt có thể khiến bạn cảm thấy bỏng rát trên da và màng nhầy trong miệng, phồng rộp môi và vòm miệng.
Phó chủ tịch chuyên khoa Tiêu hóa tại Hiệp hội bệnh đường tiêu hóa Mỹ, Tiến sĩ Arnold Levy cho biết thêm: “Những người bị ợ nóng mãn tính muốn giảm nguy cơ bệnh này cần tránh xa đồ ăn cay. Ăn quá cay có thể khiến tình trạng ợ nóng thêm tồi tệ”.
Bà Trần Lan Hương, Chuyên gia tư vấn huấn luyện dinh dưỡng và sức khỏe cho biết, ăn cay quá vượt ngưỡng cơ thể con người cho phép thì nó có thể gây ra tác dụng bỏng đường tiêu hóa, gây bỏng rát từ môi đến lưỡi, đến miệng, thực quản, dạ dày... chất tạo độ cay của ớt không được phân hủy trong dạ dày cho nên sẽ đi tuốt ra đến tận đầu ngoài, gây bỏng rát suốt đường ruột của con người. Nếu người loét bao tử, u loét ruột hoặc những người bị bệnh trĩ thì cảm giác đó sẽ rất kinh khủng. Hơn nữa, nước lẩu chứa rất nhiều muối, lượng muối trong một gói mỳ ăn liền Hàn Quốc có tới 2400mg vượt ngưỡng lượng muối cho phép mà tổ chức y tế Thế giới cho phép chúng ta ăn trong cả một ngày. Chính vì thế không nên cố gắng húp hết nước lẩu trong mì cay vì ăn nhiều muối gây tăng huyết áp, loãng xương... (Kênh 14) |