Ăn mặn = đủ thứ bệnh?

,
Chia sẻ

Lâu nay mọi người chỉ quan tâm muối ở góc cạnh có làm món ăn đó vừa miệng hay không. Tuy nhiên, ăn mặn hay ăn nhạt cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một số người quan niệm rằng ăn muối nhiều sẽ bị đủ loại bệnh đó, điều này có đúng không?

Thành phần chính của muối ăn là natri do vậy khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.
 
Những tổn thương đối với mạch máu có thể khiến nó bị vỡ hoặc bị vón cục lại, nếu xảy ra ở não thì có thể gây ra đột quỵ. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy chế độ ăn nhiều muối có thể gây cứng động mạch chủ và huyết mạch.

Thận cũng là bộ phận sống còn giúp kiểm soát huyết áp bởi chúng thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể và duy trì sự cân bằng nồng độ muối. Nếu ăn mặn, thận sẽ phải làm việc khỏe hơn dễ bị các bệnh về thận. Không chỉ vậy, ăn mặn còn liên quan đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen suyễn.

Nhưng đó là với trường hợp ăn nhiều muối hơn nhu cầu của cơ thể còn nếu hoàn toàn không dùng muối thì cũng không tốt cho sức khỏe. Chưa kể đến việc làm món ăn mất ngon. 


Cụ thể nếu dùng quá ít muối thì sẽ có hại gì?

Cơ thể con người cần một lượng muối nhất định hàng ngày để thực hiện các chức năng cần thiết. Đây là chất điện phân giúp điều chỉnh chất lỏng và huyết áp cũng như giúp cho sự co cơ và truyền tín hiệu của cơ quan thần kinh. Ăn nhạt quá dẫn đến huyết áp thấp, dễ mỏi cơ và ảnh hưởng đến sức khoẻ của hệ thần kinh.
 
Một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu ăn nhạt thì bộ phận tiếp nhận kích thích ở não sẽ phát triển, các tế bào thần kinh ở đây mọc dài ra và tăng độ nhạy cảm với kích thích làm cơ thể dễ xúc động, dễ bị stress và dễ nghiện ngập nếu tiếp xúc với các hoá chất gây nghiện và nhìn chung sức khoẻ cũng giảm sút nhiều nếu ăn quá nhạt.

Ngoài ra ngày nay, muối được sản xuất có bổ sung iốt, một vi chất thiết yếu đối với hai cơ quan quan trọng, não và tuyến giáp. Thiếu hụt chất khoáng này, người ta sẽ rất dễ bị bướu cổ. Khoa học những năm 1980 đã chứng minh sự liên quan giữa thiếu iốt với chứng chậm phát triển trí óc, còi cọc ở trẻ. Phụ nữ mang thai nếu không cung cấp đủ iốt sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của thai nhi. Nhờ có sáng kiến của người Canada, 70% dân số thế giới hiện nay được cung cấp đủ lượng iốt qua việc sử dụng muối.  

 
Ăn mặn thì không tốt nhưng nếu ăn nhạt quá cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy ở mức độ sử dụng muối như thế nào là hợp lý?

Đối với người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn cũng chỉ nên ăn 6-8 g muối một ngày. Như vậy thì một gia đình 3 người mỗi tháng tiêu thụ khoảng một gói muối 500gr – 600gr. Với lượng muối như vậy thì ta vẫn có thể chế biến những món ăn ngon không cần phải ảnh hưởng đến khẩu vị.

Tuy nhiên nên chú ý những cách ăn vô tình có muối thêm bên ngoài như:

- Không nên dùng quá nhiều gia vị chứa nhiều muối như nước xốt.

- Dùng ít các loại đồ ăn ướp lạnh, thực phẩm chế biến sẵn...

- Nếm đồ ăn trước khi bạn nêm muối. Mọi người thường có thói quen nêm muối khi chưa thử. Nếu ăn thử trước khi cho muối, bạn sẽ biết được muối và những gia vị khác đã đủ chưa.

- Tránh đặt lọ muối trên bàn ăn. Tạo hương vị cho món ăn bằng những gia vị và thảo mộc để thay muối.

- Bỏ thói quen chấm muối các loại món ăn như trái cây...

Vậy đối với trẻ em thì lượng muối ăn mỗi ngày có nhiều như người lớn không?

Riêng đối với trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho mát vào bột, cháo; vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối kém, natri bị tích tụ nhiều trong cơ thể không tốt cho sức khỏe của trẻ.
 
Theo BS. Lê Thúy Tươi
SSM
Chia sẻ