Ăn hồng không nắm rõ 5 điều quan trọng sau, cẩn thận tắc ruột, nhập viện có ngày!
Trong đó, chuyên gia đặc biệt khuyên mọi người cẩn trọng khi ăn quả hồng ngâm - món ăn được nhiều chị em coi là khoái khẩu.
Tháng 9 tới cũng là lúc hồng vào mùa. Hồng đẹp mắt và ngon mát, ai đã thích là dễ nghiện. Nghiên cứu của y học cổ truyền lẫn y học hiện đại đều cho thấy, loại quả này có thể làm thuốc chữa nhiều bệnh thường gặp trong cuộc sống.
Riêng về giá trị dinh dưỡng, quả hồng được đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao bởi nguồn vitamin và chất khoáng dồi dào như vitamin A, C; photpho, canxi, sắt... Sử dụng quả hồng để bồi dưỡng sức khỏe vào mùa thu sẽ vô cùng phù hợp, cực tốt cho sức khỏe phụ nữ. Không những vậy còn giúp đẹp da, chậm lão hóa... nên mùa quả hồng chín rộ, nhiều chị em cũng muốn tận dụng ăn đúng vụ.
Thế nhưng, khi ăn hồng, bạn cũng cần chú ý một số điều quan trọng để tránh những hậu quả không đáng có. Nhất là trong trường hợp, bạn thuộc nhóm đối tượng cần cẩn trọng khi ăn hồng thì càng không nên bỏ qua.
Không ăn hồng khi đói
Trong thành phần của quả hồng có chứa chất tanin – gây ra vị chát và chất pectin. Khi ăn hồng xanh hoặc chưa chín tới, người ăn thường cảm thấy có vị chát. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. "Việc ăn quá nhiều quả hồng, nhất là khi đói, thì các chất tanin, pectin cộng với hàm lượng chất xơ trong quả hồng tương đối cao (100g hồng có 2,5g chất xơ) sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày; dễ khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn có cảm giác buồn nôn, nôn mửa… Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột". Đây chính là nhận định của ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198).
Giải pháp: Không ăn hồng khi đang đói vì sẽ biến thành chất gây hại cơ thể. Chỉ nên ăn lúc bụng no hoặc 1 giờ sau ăn.
Không ăn hồng sau bữa ăn giàu đạm
Người Việt thường có thói quen tráng miệng ngay sau khi ăn bữa chính và hoa quả luôn là lựa chọn hàng đầu. Nhưng nếu bạn ăn hồng trong hoặc ngay sau một bữa ăn giàu đạm thì cần hết sức cẩn trọng.
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), khi ăn hồng không nên dùng chung với thực phẩm quá nhiều đạm như hải sản (tôm, cua, cá)... vì sẽ khiến việc tiêu hóa trở nên chậm hơn, dễ tạo vón thực phẩm. Nguyên nhân bởi hải sản và quả hồng đều có tính hàn, không nên ăn cùng nhau. Theo y học hiện đại, hải sản giàu protein khi kết hợp chất tanin trong quả hồng rất dễ dẫn đến kết tủa, hình thành sỏi trong dạ dày.
Giải pháp: Tốt nhất không nên ăn hồng sau bữa ăn giàu đạm mà nên thay bằng những loại quả khác.
Không ăn vỏ quả hồng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phần lớn chất tanin nằm ở vỏ quả hồng. Nếu ai đã cố gắng khử hết phần chát ở vỏ quả với hi vọng có thể ăn được toàn bộ quả hồng thì nên cân nhắc lại. Bởi ngay cả khi làm như vậy, chất tanin cũng không được khử bỏ hoàn toàn.
Giải pháp: Dù là hồng chín hay hồng ngâm cũng không nên ăn vỏ hồng. Nên gọt bỏ vỏ trước khi ăn, tránh nguy cơ hình thành bã trong ruột.
Người cao tuổi, trẻ nhỏ cẩn trọng khi ăn hồng
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), người cao tuổi thường có đường tiêu hóa kém, thường xuyên bị táo bón, nhu động ruột và tuyến nước bọt đều giảm nên khi ăn hồng, nhất là quả hồng ngâm, dễ có nguy cơ bị tắc ruột do khối bã kết tủa. Chưa kể, người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ cũng gia tăng nguy cơ này.
Trẻ nhỏ cũng là nhóm đối tượng có đường tiêu hóa kém, đang trong giai đoạn phát triển đường tiêu hóa. Nhóm đối tượng này cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ăn không nhai kỹ.
Giải pháp: Hạn chế tối đa cho người già và trẻ nhỏ ăn trái hồng giòn. Chỉ nên ăn rất ít, 1-2 miếng nhỏ mỗi lần và cần nhai kỹ khi ăn. Trong một ngày cũng không nên ăn quá 1 quả hồng. Bố mẹ cần thường xuyên nhắc trẻ, tránh rủi ro không đáng có khi ăn hồng.
Người đang có vấn đề ở đường tiêu hóa không nên ăn hồng
Đối với người đang bị táo bón, hệ tiêu hóa hoạt động kém, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, nhất là khu vực dạ dày thì không nên ăn loại quả này vì chất tanin có trong hồng sẽ làm tình trạng thêm trầm trọng.
Giải pháp: Hạn chế tối đa ăn hồng nói chung. Không ăn hồng ngâm. Nên thay bằng hồng chín nhừ sẽ tốt hơn.