Ăn hoa quả khô có nhiễm độc chì: Coi chừng tử vong

,
Chia sẻ

Trước thông tin Malaysia cấm 16 loại trái cây sấy khô nhập từ Trung Quốc và một số nước châu Á do có dư lượng chì vượt mức cho phép, người tiêu dùng Việt Nam rất lo lắng.

Hiện nay tại thị trường nước ta trái cây sấy khô có xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện khá nhiều, trong đó có những loại không rõ thành phần, hạn sử dụng... Các chuyên gia cảnh báo, nếu ăn các sản phẩm hoa quả sấy khô có nồng độ chì cao có thể gây tổn thương gan, thận, não, dẫn tới tử vong.

Rẻ và không rõ

Khảo sát của PV chúng tôi, trên thị trường Hà Nội hiện bán rất nhiều sản phẩm hoa quả sấy khô có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại chợ Đồng Xuân - một đầu mối chuyên cung cấp hàng hoá bán buôn cho các tỉnh phía Bắc - vào bất cứ sạp đồ khô nào đều thấy các loại hoa quả sấy khô được bày bán tràn lan. Trong vai một chủ tạp hoá, PV hỏi mua liền được một chủ tiệm đưa ra đủ các loại hoa quả khô được chế biến nhiều kiểu: Mơ, xí muội, nho, táo, hạt sen, long nhãn...
 
Khi hỏi mua sản phẩm nho sấy khô, chủ ki- ốt T.H, ở chợ Đồng Xuân bê nguyên một thùng giấy đựng nho khô Trung Quốc ra mời chào, song trên bao bì không có ghi thành phần, hạn sử dụng, ngày sản xuất, hướng dẫn bảo quản... Hầu hết các sản phẩm mứt, hoa quả sấy khô như mơ, hạt sen, dâu, táo... bày bán tại đây chỉ được đóng gói trong túi nilon hoặc trong bao giấy để bán cho khách mà không hề có nhãn mác.
 
Dọc các trung tâm chuyên bán bánh kẹo, hoa quả đã chế biến của Hà Nội như Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Giấy... cũng la liệt các sản phẩm trái cây sấy khô có xuất xứ từ Trung Quốc mà không có nhãn mác rõ ràng. Theo một chủ cửa hàng trên phố Hàng Đường, phần lớn trái cây sấy khô là từ Trung Quốc vì hàng Trung Quốc đắt khách do giá thành rẻ, nhiều chủng loại, màu sắc bắt mắt, vị vừa phải nên nhiều người thích dùng. 

Hoa quả khô được bày bán trên thị trường phần nhiều không có nhãn mác rõ ràng.
Ảnh chụp một quầy bán hoa quả khô trong chợ Đồng Xuân, Hà Nội. (Ảnh: TG)

Hoa quả nhiễm chì gây nguy hiểm cho sức khoẻ

TS Nguyễn Duy Thịnh, Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Khoa học Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, nếu lượng chì tồn tại trong cơ thể quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh... Tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Nhiễm vào xương gây ngộ độc xương làm xương không phát triển vì không có khả năng tổng hợp các chất canxi trong máu. Với nồng độ 8mg, chì sẽ ảnh hưởng đến não, gây tổn thương các tiểu động mạch và mao mạch làm phù não, tăng huyết áp và thoái hóa hệ thần kinh. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa về thị giác. Với nồng độ thấp hơn gây triệu chứng vận động thái quá, thiếu tập trung, giảm chỉ số IQ...

TS Thịnh cho biết, bình thường người ta không đưa chì vào trong quá trình chế biến vì nó không có hiệu quả bảo quản và trong các loại chất bảo quản cũng không chứa chì.  Khả năng các loại hoa quả sấy khô nhiễm chì là do các loại cây này được trồng ở môi trường ô nhiễm, nguồn đất, nguồn nước nhiễm chì.

TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, theo Quyết định số  46/2007/QĐ-BYT giới hạn tối đa chì (Pb) trong thực phẩm được quy định như sau: Sữa và sản phẩm sữa < 0,02mg/kg, Quả < 0,1mg/kg, ngũ cốc  đậu đỗ < 0,2mg/kg... Nếu vượt quá giới hạn sẽ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Trẻ em dễ bị ngộ độc hơn người lớn

Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, tùy độ tuổi mà mức độ hấp thụ chì khác nhau. Trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn vì có khả năng hấp thụ và nhạy cảm với chì cao hơn. Sau khi vào cơ thể, ở người lớn trên 94% lượng chì toàn cơ thể được tích tụ trong xương. Ở trẻ em do xương kém đậm đặc nên chỉ khoảng 64% tổng lượng chì được dự trữ trong xương, hậu quả để lại một lượng cao đáng kể chì trong máu, não và thận. Sự gây độc do chì gây ra cho cơ thể rất nặng nề.
 
Để chì thải hết khỏi thận là 7 năm, khỏi xương là 32 năm với điều kiện cơ thể không phải tiếp tục nhận chì từ nguồn thực phẩm nhiễm chì. Chì gây rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy; trẻ biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Trên hệ tạo máu, chì làm giảm lượng hồng cầu, có biểu hiện da xanh, trẻ hay mệt do thiếu máu. Trên thận, chì làm giảm máu đến thận, hậu quả gây tiểu đạm, thiếu máu và suy thận.
Dấu hiệu ngộ độc chì rất khó phát hiện sớm, thường xuất hiện âm thầm. Ở trẻ em nhiễm độc chì cấp tính khiến cho trẻ trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững. Trường hợp mãn tính, các em có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ, hay gây gổ, lên kinh thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, có thể dẫn tới tử vong. Với những trẻ dưới 6 tuổi, hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh, nguy cơ nhiễm độc chì là rất cao.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tuyệt đối không nên ăn các sản phẩm có hàm lượng chì vượt quá ngưỡng quy định. Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm nghiệm và có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

 
Theo GĐXH
Chia sẻ