Khoai lang
Khoai lang là loại thực phẩm khá rẻ tiền nhưng lại rất có lợi cho sức khỏe. Khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C, E và protein, tinh bột, các axit amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người như: canxi, magie, sắt, kẽm… Bên cạnh đó, khoai lang còn chứa một lượng phong phú chất xơ có tác dụng kích thích dạ dày co bóp. Ngoài ra, chất Oligosaccharides trong khoai lang rất có lợi cho đại tràng, giúp duy trì tính đàn hồi và dễ lưu thông của các mạch máu, đồng thời giảm lượng cholesterol trong máu.
Hơn nữa, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khoai lang hoàn toàn không chứa chất béo và cholesterol, giúp ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn chất béo tích tụ trong cơ thể. 100g khoai lang có giá trị dinh dưỡng tương đương nửa bát cơm gạo trắng hoặc 2 lát bánh mì nướng. Vì vậy, nếu bạn muốn giảm cân thì các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên ăn khoai lang thay cơm trong bữa cơm chính với một số cách chế biến hạn chế tăng độ đường của khoai như: hấp, nướng, xay nhuyễn với nước…
Táo
Người phương Tây có câu: “Mỗi ngày ăn một quả táo sẽ không phải đến gặp bác sĩ”. Câu ngạn ngữ này không phải không có lí bởi táo có chất keo thực vật mà các loại hoa quả khác không có. Chất keo này là một loại sợi thiên nhiên có tính hòa tan, sẽ giãn nở khi gặp nước. Vì vậy uống thêm nước sau khi ăn táo sẽ tạo ra cảm giác no bụng. Bên cạnh đó, chất sợi thiên nhiên có trong quả táo có thể thúc đẩy sự hoạt động của dạ dày và đường ruột, giúp cho quá trình bài tiết thuận lợi hơn.
Để phát huy hiệu quả giảm béo vòng 2 của quả táo một cách tốt nhất, bạn nên ăn táo nguyên quả, không nên pha thành nước sinh tố. Cũng có thể cắt táo thành những miếng nhỏ rồi trộn với sữa không đường hoặc kết hợp với quả hạnh đào để làm thành nước ép hoa quả có nhiều chất sợi thiên nhiên hơn nữa.
Yến mạch
Gần đây, yến mạch được xem là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Những món ăn hay thậm chí là đồ uống làm từ yến mạch đều bán đắt như tôm tươi. Tuy vậy, phần lớn mọi người bị ấn tượng bởi tác dụng giảm cholesterol của yến mạch mà không biết rằng thực ra yến mạch có hàm lượng chất xơ vô cùng phong phú. Loại chất này có tác dụng giảm bớt sự hấp thụ năng lượng của cơ thể, tạo cảm giác no cho dạ dày, ngoài ra còn nhuận tràng lợi tiểu, giúp cơ thể bài tiết chất cặn bã một cách nhanh chóng.
Nấu thành cháo, nấu với cơm gạo trắng hoặc pha nước uống là những cách chế biến giúp phát huy tối đa hiệu quả của yến mạch.
Măng
Măng có hàm lượng chất xơ rất phong phú nên có thể kích thích dạ dày co bóp, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tạo ra cảm giác no bụng. Măng thuộc họ thực vật cung cấp ít năng lượng, vì vậy dù ăn nhiều cũng không lo bị béo, đặc biệt là béo bụng. Ngoài những ưu điểm trên, măng còn có thể hấp thụ những chất béo dư thừa. Trong thời tiết oi bức của ngày hè, ăn món nộm măng, canh măng, măng ngâm dấm đều phù hợp.
Quả lựu
Lựu là loại quả bình dân và trong điều kiện khoa học hiện nay, lựu không chỉ ra quả vào mùa đông mà cả bốn mùa trong năm cũng có thể thưởng thức vị ngon của loại quả này. Trong quả lựu có chứa nhiều chất xơ nên ăn lựu thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy quá trình bài tiết. Bên cạnh đó, vỏ quả lựu chứa nhiều thành phần chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Vì vậy các chuyên gia y tế khuyên bạn không nên bỏ vỏ khi ăn lựu. Nếu lo lắng về vấn đề thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản thực vật, bạn có thể ngâm lựu trong nước muối chừng 10 phút, sau đó rửa lại dưới vòi nước chảy mạnh.
Rau cần
Được mệnh danh là “Vị thuốc trong nhà bếp”, rau cần là thành phần luôn xuất hiện trong hầu hết các thực đơn ăn kiêng dành cho người béo phì. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh ngoài lượng chất xơ rất phong phú, rau cần có có chất hóa học thực vật có khả năng phân giải và đánh tan chất béo. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi rau cần được “tôn vinh” là thực phẩm giảm béo hữu hiệu.
Bình thường chúng ta chỉ ăn cọng rau cần mà bỏ đi phần lá nhưng kì thực trong lá cần lại chứa nhiều vitamin, chất xơ và các loại khoáng chất. Tuy nhiên, những người bị bệnh thận không nên ăn nhiều rau cần, đặc biệt tránh ăn sống hoặc uống nước ép rau cần nhằm hạn chế hấp thụ lượng kali có trong loại rau này vào cơ thể.
Nấm hương
Chất xơ và chất keo thực vật có tính hòa tan có nhiều trong nấm hương. Vì thế nấm hương có thể giúp nhuận tràng lợi tiểu, làm tiêu hao năng lượng dư thừa tích trữ trong cơ thể, có ảnh hưởng tích cực tới vòng eo của bạn. Đặc biệt, thân nấm hương có chứa nhiều chất đường và kẽm tự nhiên, có tác dụng phòng chống ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Trên thực tế, không chỉ có nấm hương mà đa số các loại nấm chúng ta thường ăn và ngay cả mộc nhĩ cũng có hàm lượng chất xơ cao. Nấm rất dễ ăn, cách chế biến rất đa dạng, có thể xào, làm gỏi, nấu canh, làm lẩu… đều giữ được vị ngon đặc trưng và công dụng của loại thực phẩm này.
Hạ Lam
Tổng hợp từ MSCN