Ấn Độ: Chiến dịch giải cứu 41 người mắc kẹt trong đường hầm bị sập bước sang tuần thứ ba

Quỳnh Chi,
Chia sẻ

Các nhân viên dịch vụ khẩn cấp Ấn Độ đã khoan vào núi từ trên cao để tiếp cận 41 công nhân xây dựng bị mắc kẹt bên trong đường hầm.

Một phương án mới đã được các đội cứu hộ ở Ấn Độ áp dụng triển khai, những người đã làm việc không mệt mỏi kể từ ngày 12/11 để giải cứu 41 công nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm đang trong quá trình xây dựng bị sập.

Vào ngày 26/11, các dịch vụ khẩn cấp bắt đầu khoan thẳng đứng từ trên cao xuống để tiếp cận những người bị mắc kẹt ở độ sâu 86 mét bên trong đường hầm. Tiến độ nhanh chóng đã được báo cáo cho đến nay, theo đó nhân viên dịch vụ khẩn cấp đã khoan xuyên qua 30 mét đá, hãng tin ANI dẫn lời chính quyền địa phương đưa tin hôm 27/11.

Hoạt động cứu hộ đã gặp nhiều trở ngại do địa hình khó khăn trên dãy Himalaya và sự cố của một số thiết bị. Một chiếc máy dùng để khoan lỗ xuyên qua đường hầm đã nhiều lần bị trục trặc khi mũi khoan của nó bị kẹt trong các mảnh vụn. Một máy cắt plasma đã được đặt hàng từ bang Telangana ở miền Nam Ấn Độ để loại bỏ những bộ phận bị hỏng. Phần còn lại của hoạt động cứu hộ được thực hiện bằng cách khoan thủ công.

Trước đó, thành viên cấp cao của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Ấn Độ (NDMA), Trung tướng Syed Ata Hasnain đã so sánh sứ mệnh này với một "cuộc chiến". Chuyên gia đào hầm Arnold Dix, người đã bay từ Australia để tham gia sứ mệnh, ủng hộ cách tiếp cận "an toàn là trên hết" và cảnh báo không nên quá "gấp rút" trong nỗ lực giải cứu.

Ấn Độ: Chiến dịch giải cứu 41 người mắc kẹt trong đường hầm bị sập bước sang tuần thứ ba - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Các công nhân đang thi công xây dựng đường hầm thì một phần của đường hầm đã bị sập vào ngày 12/11 do lở đất. Liên lạc đã được thiết lập trong những ngày đầu tiên của nhiệm vụ giải cứu, oxy, thuốc men và thực phẩm đã được cung cấp cho các công nhân thông qua ống thép. Một quan chức của Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Ấn Độ hôm 26/11 cho biết, những người đàn ông này đang trong tình trạng "sức khỏe tốt".

Các công nhân bị mắc kẹt đến từ nhiều địa phương của Ấn Độ để tham gia dự án đường hầm, trong đó 15 người đến từ bang Jharkhand, 8 người từ bang Uttar Pradesh, 5 người đến từ các bang Odisha và Bihar, ba ở bang Tây Bengal, 2 người từ bang Uttarakhand và Assam, và một người đến từ bang Himachal Pradesh.

Một nhóm chuyên gia điều tra thảm họa xác định, đường hầm không có lối thoát hiểm và được xây dựng thông qua một vết đứt gãy địa chất được gọi là "đới trượt", có thể là một phần nguyên nhân gây ra vụ sập đường hầm.

Đường hầm này là một phần của dự án Char Dham đầy tham vọng trị giá 1,5 tỷ USD, được thiết kế để kết nối bốn địa điểm hành hương quan trọng của đạo Hindu ở miền bắc Ấn Độ thông qua con đường hai làn dài 890 km. Tập đoàn Phát triển Cơ sở Hạ tầng và Đường cao tốc Quốc gia do nhà nước Ấn Độ điều hành đã thi công công trình này, dưới sự bảo trợ của Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ.

Chia sẻ