Ăn chay kiểu Tây
Gà rán thơm giòn, hamburger tươi mát… quen mà lạ, ngon và đẹp. Những món chay kiểu này đang thu hút những người ăn chay, đặc biệt là giới trẻ.
Đồ chay tươi… thanh tịnh
Hambuger chay |
Nhu cầu ăn chay có xu hướng chuyển biến rõ rệt. Cách đây vài chục năm, người ăn chay chỉ có thể thưởng thức các món ăn đơn giản chế biến từ đậu hũ, rau củ tươi. Sau đó, các sản phẩm chay khô ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường tạo nên làn sóng mới. Và hiện nay, người tiêu dùng đang quay trở lại kiểu chay thanh tịnh như xưa. Đây cũng là cơ hội cho các nhà kinh doanh ẩm thực, đầu bếp tung ra nhiều “chiêu” mới đáp ứng nhu cầu của thực khách. Cũng các nguyên liệu từ thiên nhiên nhưng được chế biến cầu kỳ và mới lạ hơn. Các món chay kiểu Tây như pizza, hamburger, gà rán… đang thu hút nhiều thực khách, đặc biệt là giới trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, giám đốc nhà hàng Phố chay cho biết, qua một cuộc khảo sát nhỏ của nhà hàng cho thấy, xu hướng của giới trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi thiếu niên ở Việt Nam rất thích dùng thức ăn nhanh của KFC, Lotteria… Vì vậy, Phố chay đã tung ra các sản phẩm chay theo kiểu thức ăn nhanh này từ tháng giêng năm nay và được hưởng ứng nhiệt tình. Có thể nói, pizza chay, hamburger chay, gà rán chay… là những món ăn ưa thích của giới ăn chay ở phương Tây. Còn ở Việt Nam, đây là món Tây phục vụ cho người ăn chay.
Bí quyết làm món chay kiểu Tây chủ yếu dựa vào gia vị. Đặc trưng của món Tây là tinh bột, phômai, bơ và gia vị đặc biệt như lá thơm. Phối hợp các nguyên liệu sẽ tạo ra một hương vị đặc trưng của thức ăn Âu. Vì thực phẩm có nguyên liệu chủ yếu là phômai, bơ, rau củ quả nên có giá trị dinh dưỡng cao. Bà Loan cho biết, miếng bíttết hấp dẫn kẹp trong món hamburger được làm từ đậu hũ tươi, hoặc “thịt gà” trong món gà rán làm từ đậu hũ ky thêm vào một số gia vị Âu, tạo ra hương vị giống như hamburger hay gà rán mặn.
Miếng “bíttết” màu nâu, thơm lừng quyến rũ nằm trên lớp xà lách xanh mát, phía trên là lát cà chua đỏ, lớp phômai trắng tan chảy hấp dẫn. Tất cả làm nên miếng hamburger chay có các vị béo, chua, mặn, ngọt thật vừa miệng mà không ngán. Món pizza chay được gia giảm nguyên liệu tuỳ theo sở thích của người ăn như phômai, trái ôliu đen, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông, cà rốt, hành tây, nấm, bắp… Pizza chay bắt mắt với màu đỏ cà chua, xanh rau cải, màu trắng phômai, màu đen của ôliu, vàng của vỏ bánh khiến món ăn càng thêm quyến rũ. Với hamburger, nếu đầu bếp không bảo đó là hamburger chay thì có lẽ thực khách khó lòng nhận ra.
Ngoài ra, các món như mì Ý, rong biển chiên, bánh rau chiên, củ quả xiên que chiên, khoai tây chiên, sandwich nướng, xà lách trộn… tạo nên phong cách ăn chay hiện đại.
Ăn chay đúng cách
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, chuyên gia dinh dưỡng cho biết, dựa theo các đặc điểm về bộ răng, độ dài ruột, hệ thống tiết mồ hôi… cho thấy con người là động vật ăn chay. Ăn chay là ăn đúng thực phẩm thì đương nhiên nguy cơ bệnh tật ở con người sẽ giảm. Có ba loại thực phẩm ưu tiên trong ăn chay. Một là các thực phẩm nguyên, chưa chế biến. Hai là thực phẩm tươi sấy khô hoặc đông lạnh. Ba là thực phẩm chế biến khô như sườn, gà… lấy chất đạm từ ngũ cốc. Các thức ăn chay được chế biến quá nhiều, chất béo, muối, bột ngọt, dầu… quá nhiều, cộng thêm không vận động sẽ khiến cơ thể bị gan nhiễm mỡ, cholesterol và một số bệnh khác. Tuy nhiên, ăn chay đúng cách không phải là tất cả mà sức khoẻ còn tuỳ thuộc vào các yếu tố khác như trạng thái tinh thần, cảm xúc…
Một sư cô ở chùa Vĩnh Phước (quận 12) cho biết: “Món ăn ngon và tốt là do được chăm chút với những thực phẩm mà không dùng chất điều vị và những chất tẩm ướp, nêm nếm khác. Ví dụ, khi nấu canh chua, nêm muối hột và đường phèn sẽ làm cho canh ngọt, mát mà đậm đà”.
TS.BS Nguyễn Hữu Toản, trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đồ chay phần lớn làm từ nguyên liệu chính là đậu nành. Đậu nành có lượng đạm cao hơn thịt. 100g đậu nành chứa 30g đạm, trong khi 100g thịt heo nạc chỉ có 19,6g đạm. Các loại đậu, rau củ quả, nấm rất giàu vitamin và chất khoáng, giúp chống loãng xương, giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, chống oxy hoá, chống lão hoá, làm đẹp da, tóc… Các hoá chất như hàn the sử dụng trong chế biến thực phẩm đã có từ lâu, chúng không gây nguy hại trước mắt nhưng có tác hại lâu dài khi dùng nhiều, trong thời gian dài như gây đột biến gen, ung thư và các tổn thương khác.