Âm thanh tối đa, thính giác tối thiểu

,
Chia sẻ

Nghe nhạc với âm lượng tối đa từ máy mp3, thường xuyên đến giải trí tại các quán bar, vũ trường,… những thói quen "hiện đại" này sẽ gây ra hậu quả không thể cứu vãn đối với thính giác.

Thính giác "già" trước tuổi
 
BS Nguyễn Hải Tùng - Trưởng khoa Tai mũi họng BV Triều An cho biết, thỉnh thoảng ông vẫn khám các bệnh nhân trẻ tuổi bị nghe kém, nghe nhầm kéo dài. Hỏi thăm thói quen sinh hoạt thì rất nhiều người trong số họ xác nhận rất thường xuyên nghe nhạc với các loại máy bỏ túi. Có một số ca bị nhọt trong lỗ tai do hay bị bít bởi tai nghe dẫn đến tình trạng vệ sinh kém.
 

Âm nhạc rõ ràng là "liều thuốc bổ" để thư giãn, nghỉ ngơi. Nhưng một khi nghe nhạc thường xuyên với âm lượng quá lớn sẽ làm tai tổn thương, thậm chí gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng. Thông thường từ độ tuổi 45-50, thính giác có thể bắt đầu giảm, nhưng với không ít bạn trẻ "thế hệ Ipod", hiện tượng thính giác bị lão hóa đến sớm hơn rất nhiều. Trong số các nguyên nhân làm 8x, 9x có cái tai của… 4x, 5x, có thể "điểm mặt" quán bar, vũ trường, các buổi biểu diễn âm nhạc với âm lượng như "sấm động bên tai" và đặc biệt là máy nghe nhạc bỏ túi.

Điều nguy hiểm là tuy biết được nghe nhạc quá lớn sẽ có hại, nhưng rất nhiều người, cả vô tình lẫn cố ý, đã xem nhẹ những tác hại ấy. BS Hải Tùng nhấn mạnh, nghe nhạc lớn và thường xuyên bằng tai nghe sẽ làm màng nhĩ chịu rung động liên tục với áp lực lớn, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận của tai trong và dây thần kinh.

Về lâu dài dễ dẫn đến ù tai và giảm thính giác.

Ngoài ra, Viện phòng ngừa và giáo dục sức khỏe quốc gia (Inpes) của Pháp cũng nhấn mạnh, hệ thống thính giác vẫn có thể bị tổn hại dù ta chưa cảm thấy chút đau đớn nào. Vì ngưỡng cường độ âm thanh nguy hiểm cho tai là 85 decibel (dB), trong khi ngưỡng đau đớn là 120 dB.

Khả năng nghe -hiểu trong giao tiếp của chúng ta có liên hệ đến những tế bào có lông ở tai trong và những tế bào này dễ tổn thương nhất khi bị tác động bởi âm thanh lớn.

Tế bào lông ở tai trong một khi đã bị "tàn phá" sẽ không thể thay thế được và dẫn đến những di chứng vĩnh viễn đối với thính giác.

Đừng để quá trễ

Theo BS Tùng, khi nghe nhạc bằng tai nghe, bạn không nghe liên tục trong thời gian dài, cần phải có thời gian nghỉ sau mỗi 20-30 phút.

Tài liệu của Inpes cũng khuyên, những người hay nghe nhạc bằng máy nghe nhạc bỏ túi nên để âm lượng ở mức 50% và khi điều chỉnh âm thanh, nên chọn nơi yên tĩnh, tránh việc mở to để át tiếng ồn của môi trường xung quanh.
 

Khi đến tham dự các buổi biểu diễn ca nhạc hoặc giải trí cùng bạn bè ở quán bar, vũ trường, bạn nên tránh đứng gần loa quá và cứ sau 45 phút nên kiếm nơi yên tĩnh để tai được nghỉ ngơi 5, 10 phút.

Ngoài ra cũng cần chú ý, uống rượu nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến độ nhạy âm thanh, làm tai không có cảm giác đau đớn, dễ dẫn đến sự thiếu "cảnh giác".

Cường độ âm thanh trong thực tế

• 50 dB: nhạc nhẹ

• 80 dB: đường phố ồn ào

• 85 dB: tiếng máy tông-đơ, ngưỡng nguy hiểm cho tai

• 100 dB: tiếng búa đập; âm lượng tối đa của các máy nghe nhạc theo chuẩn châu Âu

• 100-105 dB: tiếng còi xe cứu thương, âm thanh tại vũ trường

• 120 dB: tiếng động cơ máy bay, ngưỡng đau đớn

Không chỉ cường độ, thời gian nghe, và tần suất nghe mà những yếu tố khác của âm thanh cũng có thể gây ảnh hưởng đến thính giác

• Âm cao sẽ dễ gây tổn hại hơn âm trầm.

• Nhạc “giật”, giai điệu nhiều “bất ngờ” nguy hiểm hơn âm thanh du dương, liên tục.

Ngoài ra, những người có bệnh lý sẵn về tai (như viêm tai) sẽ dễ bị thương tổn bởi âm thanh lớn hơn.

 
Theo Nguyễn Ngọc Lan Chi
Thanh niên
Chia sẻ